Tuesday, November 5, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Mặt trái của ‘du lịch trả thù’ hậu Covid-19


Sau đại dịch, nhiều người bắt đầu đổ xô đi chơi với tâm lý ‘du lịch trả thù’ để giải tỏa sự dồn nén và bù đắp thời gian đã mất. Xu hướng này không chỉ gây căng thẳng lên ngành hàng không, khách sạn mà còn nhiều ngành dịch vụ liên quan.

Hành khách có thể cân nhắc đi du lịch bằng các phương tiện khác như tàu hỏa, xe hơi để giảm thiểu khí thải so với máy bay.

Sân bay, khách sạn quá tải

Cùng với cơ chế mở cửa đón khách của nhiều nước như quay trở lại thời trước khi dịch bệnh xuất hiện, tỷ lệ tiêm chủng trên toàn cầu cao, du khách khắp nơi bắt đầu đi du lịch nhiều. Các chuyên gia gọi đây là kiểu “du lịch trả thù”, nhằm bù đắp cảm giác cuồng chân mà mọi người phải chịu đựng trong suốt hai năm qua.

Skyscanner chỉ ra rằng lượng tìm kiếm các điểm du lịch quốc tế của người dân Singapore tăng 71% so với tháng trước. Theo công ty phân tích du lịch ForwardKeys, lượng đặt phòng của khách Singapore đến Úc tăng 179%. Tương tự, Booking.com đã chứng kiến yêu cầu đặt phòng khách sạn gia tăng với các điểm đến gần đảo quốc sư tử như Kuala Lumpur (Malaysia) và Seoul (Hàn Quốc), xa hơn là London (Anh) và Paris (Pháp).

Kết quả là hiện nay, lĩnh vực hàng không đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu tăng cao khi các sân bay lớn trên toàn thế giới gặp khó khăn bởi lượng khách đông đúc. Theo Channel News Asia, sân bay Changi (Singapore) đang ghi nhận lưu lượng hành khách đạt mức 50% so với trước đại dịch, các sân bay ở châu Âu cũng đã vượt ngưỡng 80%. Một số sân bay như Heathrow (London, Anh) đã phải áp giới hạn số lượng hành khách hằng ngày để quản lý tình trạng hỗn loạn.

Bà Deborah Campagnaro, sống ở tỉnh British Columbia của Canada, là một trong số đó. Trong đại dịch, bà đã nghỉ hưu sau hơn 30 năm công tác trong lĩnh vực dịch vụ đầu tư. Bà mong muốn có một kỳ nghỉ hoành tráng để đánh dấu kỷ niệm với chồng mình. Vợ chồng bà Campagnaro đã du lịch theo nhóm đến Nepal năm 2016. Họ đã thực hiện chuyến đi bộ đường dài nổi tiếng Annapurna Circuit, một chuyến đi đầy thử thách qua một số đỉnh núi cao nhất Nepal. Cặp đôi yêu thích chuyến đi đến mức đã lên kế hoạch quay trở lại Nepal. Họ đã xác nhận vé và đặt chỗ cho chuyến đi vào tháng 9/2022. Họ sẽ ở lại Nepal cả tháng và có thêm vài ngày ở thị trấn ven hồ Pokhara.

Cô Brittney Darcy, cư dân bang Rhode Island của Mỹ, cũng đang mong chờ một chuyến đi bị hoãn bởi đại dịch. Cô gái 26 tuổi đã mơ ước được đến Paris từ khi còn là một cô bé xem bộ phim yêu thích “Sabrina”. Nhưng chuyến đi dự kiến vào mùa hè năm 2020 với bạn trai của cô đã bị hoãn khi Covid-19 xuất hiện. Bây giờ, Darcy lên lịch lại kỳ nghỉ trong mơ của mình, nhưng với nhiều điểm dừng hơn. Thay vì 5 ngày ở Paris, cô sẽ dành hai tuần ở các địa điểm khác tại Pháp và Italia. “Tôi đã thực hiện một chuyến đi xuyên quốc gia trong thời gian Covid-19, nhưng vẫn chưa đủ và tôi luôn muốn đến Paris và Italia, nơi tôi chưa bao giờ đến. Chúng tôi còn trẻ, vậy tại sao không?”, Darcy nói với CNN.

Các giải pháp hạn chế khí thải

Theo các chuyên gia, sự phục hồi của du lịch hiện nay sẽ đi kèm với sự gia tăng lượng khí thải carbon. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, lượng khí thải từ ngành hàng không đã giảm tới 7%. Song khi kinh tế phục hồi từ năm 2010, lượng khí thải lại tăng 6%, gần như xóa sạch mọi lợi ích trước đó đem lại cho môi trường.

Tuy nhiên dù đi du lịch trở lại, nhiều người dân Đông Nam Á đang bắt đầu dành nhiều sự quan tâm hơn đến môi trường. Các tìm kiếm trên Google liên quan đến tính bền vững đã tăng 45% trong năm nay kể từ năm 2019, từ khóa tìm kiếm liên quan đến phát thải khí nhà kính cũng tăng 163% ở Singapore và 156% ở Philippines. Các nghiên cứu cho thấy, du khách cũng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để đi du lịch bền vững. Một cuộc khảo sát được công bố vào năm 2021 cho thấy, hơn một nửa du khách đến một hòn đảo nhỏ ở Indonesia sẵn sàng trả thêm 7.5 USD mỗi đêm cho các khách sạn được chứng nhận thân thiện với môi trường.

Một cách dễ dàng để giảm thiểu lượng khí thải carbon trong kỳ nghỉ của du khách là giảm thời gian đi lại. Điều đó có nghĩa là mọi người nên chọn các điểm du lịch ở gần khi lên kế hoạch cho một chuyến đi. Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, một chuyến đi khứ hồi từ Singapore đến London tạo ra 933 kg CO2, gần bằng 1/8 lượng khí thải carbon trung bình hằng năm của một người Singapore. Ngược lại, một chuyến đi khứ hồi từ Singapore đến Bangkok (Thái Lan) tạo ra 183 kg CO2. Nếu tính trên mỗi km, lượng khí thải ở các chuyến bay ngắn cao hơn các chuyến bay đường dài, song với thời gian bay ít hơn, lượng khí thải ra không khí ở chuyến ngắn nói chung thấp hơn chuyến bay đường dài.

Cách du khách bay cũng quyết định lượng khí họ có thể thải ra. Theo dữ liệu của chính phủ Anh, so với một hành khách hạng phổ thông, hành khách hạng thương gia thải ra lượng CO2 nhiều hơn 3 lần trên mỗi km di chuyển và hạng nhất nhiều hơn 4 lần. Ghế nâng cấp chiếm nhiều không gian hơn, do đó lượng khí thải bao hàm cũng lớn hơn.

Bên cạnh việc đi du lịch ở đâu, chọn cách đi du lịch như thế nào cũng rất quan trọng. Nhìn chung máy bay là loại phát thải nặng nhất và tàu hỏa nhẹ nhất. Theo báo cáo của The Sunday Times vào năm 2019, một chuyến bay từ Singapore đến Kuala Lumpur tạo ra 62 kg CO2 cho mỗi hành khách. Giả sử có 4 hành khách trên xe, một chiếc xe hơi Toyota Prius tạo ra 10 kg CO2 cho mỗi người, con số tương tự cũng áp dụng cho một xe buýt có 30 hành khách.

Một trong những cách khả thi nhất để giảm lượng khí thải của máy bay là sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Các hãng hàng không như ANA và Cathay Pacific đã đặt mục tiêu sử dụng 10% SAF vào năm 2030, trong khi Singapore Airlines và Scoot sẽ cung cấp cho khách hàng tùy chọn liên quan đến SAF nhằm hỗ trợ việc áp dụng và phát triển nhiên liệu.

Trong khi đó, các lựa chọn du lịch khác ngoài đường bộ và đường sắt cũng đang phát triển, chẳng hạn như dịch vụ phà giữa Singapore và Desaru (Malaysia) được đưa vào hoạt động từ ngay giữa tháng 7. (T/H, V/H)