Lý do nhiều người vẫn mắc Covid-19 sau khi tiêm vắc-xin
Thời gian để vắc-xin của Pfizer/BioNTech có tác dụng là 8-10 ngày từ mũi tiêm đầu tiên và chỉ phát huy 95% hiệu quả sau 2 liều.
Tổ chức Y tế Thế giới vừa phê duyệt vắc-xin do Pfizer/BioNTech phối hợp sản xuất là dược phẩm đầu tiên được sử dụng khẩn cấp trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số trường hợp cho thấy nhiều người dù đã tiêm vắc-xin vẫn phát hiện nhiễm SARS-CoV-2. Điều này đặt ra câu hỏi vắc-xin không hiệu quả hay virus biến đổi khiến chúng ta khó nắm bắt hơn?
Mắc Covid-19 sau vài ngày tiêm vắc-xin
Tờ Times of Israel cho hay trong số gần một triệu người tại Israsel được tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 tại quốc gia này, khoảng 240 trường hợp phát hiện mắc Covid-19. Channel 13 News xác định thời điểm ghi nhận ca bệnh là vài ngày sau khi tiêm.
Đại đa số người Israel đã tiêm vắc-xin đều cho biết họ không gặp triệu chứng hay tác dụng phụ nào đáng kể. Khoảng 1/1.000 người báo cáo có tác dụng phụ nhẹ. Khoảng vài chục người cần đến sự trợ giúp của y tế sau khi tiêm thuốc.
Giới chức y tế Israel cho biết tác dụng phụ phổ biến nhất được báo cáo sau tiêm vắc-xin của Pfizer/BioNTech là suy nhược, chóng mặt và sốt (319 trường hợp). Năm người khác báo cáo bị tiêu chảy. Trong khi đó, 293 người gặp triệu chứng cụ bộ tại nơi tiêm như đau, hạn chế cử động, sưng, đỏ. 14 trường hợp bị dị ứng với hiện tượng ngứa, sưng lưỡi, cổ họng. Ngoài ra, 26 người gặp các triệu chứng thần kinh, trong khi 19 trường hợp ngứa ran cánh tay.
Tại Israel, 4 người dân tử vong sau khi tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, 3 trường hợp được Bộ Y tế xác nhận không liên quan vắc-xin. Bệnh nhân còn lại là người đàn ông 88 tuổi có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng từ trước. Trường hợp này đang được điều tra làm rõ.
Trong khi đó, cách đây ít ngày, Reuters đưa tin về trường hợp y tá Mỹ dương tính với SARS-CoV-2 sau một tuần tiêm vắc-xin. Đó là Matthew W., 45 tuổi, y tá cấp cứu làm việc tại 2 bệnh viện địa phương ở bang California. Ngày 18/12, Matthew đã được tiêm vắc-xin Pfizer. Sau khi tiêm, Matthew bị đau cánh tay trong khoảng một ngày, ngoài ra không có triệu chứng gì khác.
Sáu ngày sau, khi đang làm việc tại đơn vị điều trị Covid-19, Matthew cảm thấy ớn lạnh, đau cơ và mệt mỏi. Ông đến địa điểm xét nghiệm tại bệnh viện và nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Lý giải
Trường hợp của Matthew được xem là không nằm ngoài dự đoán. ABC News dẫn lời của Christian Ramers, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Sức khỏe Gia đình ở San Diego, cho hay Matthew có thể đã bị nhiễm bệnh trước khi tiêm vắc-xin Covid-19 vì thời gian ủ bệnh lên đến hai tuần.
Trong khi đó, số ca dương tính với nCoV tại Israel khiến các chuyên gia y tế nước này nhấn mạnh vai trò cảnh giác, tuân thủ chống dịch của công dân toàn cầu, ngay cả khi có vắc-xin ngừa Covid-19. Bởi cơ thể chúng ta cần thời gian để vắc-xin phát huy tác dụng, tạo các kháng thể chống lại SARS-CoV-2.
Vắc-xin do Pfizer/BioNTech phối hợp sản xuất chứa một đoạn mã di truyền mRNA của virus, giúp hệ thống miễn dịch nhận ra loại protein có gai trên bề mặt tương tự virus. Từ đó, nó kích hoạt hệ thống tạo kháng thể, tấn công nếu virus nCoV xâm nhập.
Tuy nhiên, quá trình này cần thời gian. Nghiên cứu về vắc-xin cho thấy phải sau 8-10 ngày tiêm mũi đầu tiên, khả năng miễn dịch với virus mới tăng lên. Sau mũi tiêm một, hiệu quả chỉ đạt khoảng 50%.
Đây là lý do tại sao liều thứ hai của vắc-xin được tiêm 21 ngày sau mũi một rất quan trọng. Nó giúp tăng phản ứng của hệ miễn dịch với virus, mang lại hiệu quả lên tới 95% và đảm bảo khả năng miễn dịch kéo dài. Mức độ miễn dịch này chỉ đạt được sau một tuần tiêm liều thứ hai. Điều đó có nghĩa sau 28 ngày tiêm liều đầu tiên, con người mới có cơ chế kháng virus nCoV hiệu quả.
Vì vậy, bất kỳ ai bị nhiễm SARS-CoV-2 trước hoặc vài ngày sau khi tiêm vắc-xin đều có nguy cơ phát triển các triệu chứng. Ngay cả khi hiệu quả của vắc-xin lên tới 95%, vẫn còn 5% nguy cơ mắc bệnh.
Một câu hỏi mà các nhà nghiên cứu tại Israel đặt ra đó là người mang virus nếu được tiêm vắc-xin Covid-19 có thể lây nhiễm bệnh ra xung quanh hay không. Theo các nhà khoa học, người được tiêm chủng phần lớn sẽ được bảo vệ khỏi virus. Tuy nhiên, các lớp niêm mạc trong đường mũi vẫn có thể chứa nhiều hạt virus đang nhân lên.
Những hạt virus này không gây hại cho vật chủ. Bởi bất kỳ con virus nào xâm nhập vào cơ thể sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt bởi hệ thống miễn dịch đã được kích hoạt. Nhưng nó vẫn có thể bị tống ra ngoài qua đường mũi – miệng và lây nhiễm sang người khác. (Z/N)