Lukaku hóa tội đồ ở chung kết Europa League: Sự nghiệt ngã của số phận
Đỉnh cao và vực sâu, người hùng và tội đồ, đôi khi ranh giới của nó vô cùng mong manh. Tất cả đã tồn tại trong con người của Lukaku trong trận chung kết Europa League.
Có quá nhiều lát cắt tạo nên trận chung kết Europa League đầy cảm xúc. Trong đó, Lukaku chính là hình ảnh tiêu biểu nhất, chứa đựng những cảm xúc mãnh liệt nhất và đương nhiên là nhân vật được nhắc tới nhiều nhất sau trận đấu.
Người ta có thể yêu, ghét, thông cảm hay chỉ trích… về Lukaku sau trận chung kết đêm qua. Nếu trận đấu là vở kịch thì người ta cũng không rõ Lukaku đóng vai chính diện hay phản diện nữa.
Ngay ở phút thứ 3, tiền đạo người Bỉ đã khiến bao trái tim của người hâm mộ Inter thổn thức. Một pha dốc bóng, tì đè mang đúng thương hiệu Lukaku, để rồi trung vệ của Sevilla đã phải phạm lỗi và chịu phạt đền. Trên chấm 11 mét, ngôi sao sinh năm 1993 đã lạnh lùng kết liễu đối thủ. Và cũng trong hiệp 1, Lukaku còn là người mang về quả đá phạt, dẫn tới bàn thắng của Diego Godin.
Thế nhưng, sang hiệp 2, Lukaku lại “đóng vai” khác. Phút 65, anh đã khiến không ít người hâm mộ Inter phải đập bàn, ôm đầu tiếc nuối sau khi bỏ lỡ tình huống đối mặt với thủ môn. Nhưng thảm họa chưa dừng ở đó, chỉ 9 phút sau, cái chân thò ra “vô duyên” của Lukaku đã khiến Inter chịu bàn phả lưới nhà. Cay đắng hơn, đó chính là bàn thắng định mệnh đưa Sevilla lên ngôi vô địch.
Thế mới thấy, bóng đá hay nói rộng ra là cuộc đời nghiệt ngã tới chừng nào. Ranh giới giữa đỉnh cao và vực sâu, người hùng và tội đồ là vô cùng mong manh. Chỉ gói gọn trong 90 phút, Lukaku đã trải qua đầy đủ cảm giác ấy.
Nhưng suy cho cùng, người ta chỉ xét tới kết quả cuối cùng. Do đó, Lukaku và Inter vẫn là những người thua cuộc. Lịch sử luôn ngoảnh mặt lại với những con người như vậy.
Chẳng nói đâu xa, sau trận đấu với Sevilla, Lukaku đã san bằng kỷ lục ghi bàn cho Inter trong 1 mùa giải của Ronaldo “béo” (với 34 bàn ở mùa giải 1997/98). Anh cũng san bằng kỷ lục khác mà C.Ronaldo đang nắm giữ khi ghi bàn trong 6 trận đấu ở vòng knock-out liên tiếp.
Nhưng ngay cả người nhận giải cũng chẳng lấy gì làm tự hào. Tất cả là vô nghĩa khi vinh quang không thuộc về anh. Thay vì nở nụ cười rạng rỡ, Lukaku đã chọn cách “trốn tránh” tất cả khi bước xuống đường hầm và không nán lại nhận huy chương bạc.
Công bằng mà nói, không thể đổ hết trách nhiệm lên đầu Lukaku. Bởi lẽ, thất bại này là của tập thể. Trong đó, người chịu trách nhiệm cao nhất chính là HLV Antonio Conte. Inter đã ghi bàn sớm nhưng chỉ đáng tiếc, họ không giữ được cái đầu lạnh và để đối thủ lội ngược dòng.
HLV Conte đương nhiên sẽ phải nhận một phần trách nhiệm. Thực tế, nếu nhìn lại các trận đấu của Sevilla với Wolves hay Man Utd thì thấy lối chơi của CLB này không có quá nhiều đặc sặc. Bóng chủ yếu được đưa vào từ hai bên, nhờ sự băng cắt của các tiền đạo để ghi bàn. Trong 3 bàn thắng của Sevilla đêm qua thì có 2 bàn từ tình huống cố định và 1 bàn từ pha tạt cánh đánh đầu.
Rõ ràng, người ta chờ đợi Inter sẽ rút ra nhiều bài học hơn thế từ thất bại của Man Utd ở bán kết (cũng bị lội ngược dòng vì 2 bàn thắng tạt cánh). Nhưng không, Nerazzurri vẫn đi vào vết xe đổ của những đội bóng đi trước. Chẳng ai thấy được chất Italia lạnh lùng như vốn ca ngợi CLB trước trận đấu.
Một điều khác, HLV Conte có vẻ khá non trong việc ứng biến. Mãi tới phút 78, ông mới tung hai cầu thủ có tính đột biến là Alexis Sanchez – Christian Eriksen vào sân. Cần nói thêm rằng, sự thay đổi Eriksen đáng ra phải xuất hiện sớm hơn rất nhiều. Bởi lẽ, tuyến giữa của Inter thi đấu không tốt ở trận này, khi thiếu đi nhạc trưởng có thể triển khai bóng.
Không phải ngẫu nhiên, trong sự nghiệp, HLV Conte chưa thể giành danh hiệu nào ở tầm châu lục. Bởi lẽ, người ta có cảm tưởng ông thiếu đi sắc sảo, nhạy bén nhất định trong việc xoay chuyển cục diện ở những trận đấu quyết định.
Dù sao, việc lọt vào chung kết Europa League cũng là thành công, với đội bóng mới cải tổ lại như Inter. Sevilla cũng cho thấy họ quá xứng đáng là “ông vua” trong lịch sử Europa League. Lối chơi lỳ lợm, đầy bản lĩnh của họ là điều mà nhiều CLB phải mơ ước.
Nỗ lực ở những phút cuối của Inter Milan trở nên vô cùng khi họ không tạo ra được thêm cơ hội nào và ngậm ngùi nhìn Sevilla vô địch Europa League. Thành công của Sevilla cũng gỡ gạc lại một năm thất bại của bóng đá Tây Ban Nha ở UEFA Champions League năm nay. (D/T)
Đội hình thi đấu
Sevilla (4-3-3): Bono 7; Navas 7, Kounde 6.5, Diego Carlos 6 (Gudelj, 86), Reguilon 6.5; Jordan 6, Fernando 6.5, Banega 7; Suso 6 (Vazquez, 78), De Jong 7.5 (En-Nesyri, 85), Ocampos 7 (Munir 70, 6).
Dự bị: Vaclik, Sanchez, Sergi Gomez, Escudero, Oliver, Jose Alonso, Genaro, Pablo Perez.
Bàn thắng: De Jong 12, 33, Lukaku own-goal 74
Inter Milan (3-5-2): Handanovic 5.5; Godin 6.5, De Vrij 6, Bastoni 6; D’Ambrosio 6.5 (Moses, 78), Barella 7, Brozovic 6.5, Gagliardini 6 (Eriksen, 78), Young 6; Lukaku 6.5, Lautaro Martinez 5.5 (A Sanchez 78).
Dự bị Padelli, Sensi, Ranocchia, B Valero, Esposito, Pirola, Biraghi, Skriniar.
Bàn thắng: Lukaku (pen) 4, Godin 36