Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Loại virus mới phát hiện ở TQ nguy hiểm như thế nào?


Khi COVID-19 chưa bị xóa sổ hoàn toàn và đợt bùng phát đậu mùa khỉ mới đang làm dấy lên lo ngại, Trung Quốc lại phát hiện thêm một loại virus mới có nguồn gốc từ động vật.

Hôm Thứ Tư 9/8, phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đưa tin Langya Henipavirus –còn gọi là virus Langya (LayV) –đã lây nhiễm cho 35 trường hợp ở các tỉnh Hà Nam và Sơn Đông, miền đông nước này. Các nhà khoa học đã phát hiện virus Langya trong dịch họng của bệnh nhân có triệu chứng sốt, có tiền sử tiếp xúc với động vật gần đây.

Bộ gien của virus Langya gồm 18,402 nucleotide, tổ chức gien giống các loại virus khác thuộc họ Henipavirus. Các chuyên gia phát hiện đây là dòng mới, có mối quan hệ tiến hóa giống virus Henipa đã được phát hiện trước đây ở Mặc Giang, Vân Nam, Trung Quốc.

Vật chủ lây nhiễm của virus Langya

Nghiên cứu được công bố trước đó tiết lộ rằng virus Langya lần đầu được phát hiện vào năm cuối năm 2018, nhưng chỉ chính thức được xác nhận vào tuần trước.

Virus Langya đã được tìm thấy ở chuột chù. Ảnh: Pixabay
Virus Langya đã được tìm thấy ở chuột chù. Hình Pixabay

Virus Langya thuộc họ Henipavirus, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh cho động vật ở châu Á – Thái Bình Dương. Loại virus này có cùng họ với virus Hendra (HeV) và virus Nipah (NiV) – cả hai đều có khả năng lây nhiễm sang người. Phân bộ dơi lớn là vật chủ tự nhiên của cả hai loại virus. Trong đó, virus Nipah lây lan qua các giọt đường hô hấp giống như COVID-19, nhưng nguy hiểm hơn nhiều vì có tỷ lệ tử vong chiếm tới 3/4 ca mắc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt kê Nipah có nhiều khả năng gây ra đại dịch tiếp theo.

Theo WHO, Henipavirus có thể gây bệnh nặng cho động vật và con người và được phân loại là virus an toàn sinh học cấp độ 4, với tỷ lệ tử vong từ 40-75%. Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong của virus SARS-CoV-2.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tìm thấy virus Langya ở 71 trong số 262 con chuột chù -một loài động vật có vú nhỏ giống như chuột chũi – ở các tỉnh Hà Nam và Sơn Đông. Virus này cũng được phát hiện ở chó (5%) và dê (2%).

Ảnh: Shutterstock

Triệu chứng của người nhiễm virus

Nghiên cứu cho biết 26 trong số 35 trường hợp nhiễm virus Langya ở các tỉnh Sơn Đông và Hà Nam đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như sốt, khó chịu, ho, chán ăn, đau cơ, buồn nôn, đau đầu và nôn mửa.

Sau khi theo dõi các triệu chứng của virus ở bệnh nhân, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng triệu chứng phổ biến nhất là sốt. Tiếp theo là ho (50%), mệt mỏi (54%), chán ăn (50%), đau cơ (46%) và nôn (38%).

Các triệu chứng này có thể tiến triển thành viêm não nặng, tình trạng lú lẫn, phản xạ bất thường, co giật và hôn mê. Viêm não tái phát hoặc khởi phát muộn, xảy ra vài tháng hoặc vài năm sau giai đoạn mắc bệnh cấp tính. Một số người cũng gặp triệu chứng hô hấp.

Dù virus Langya xuất phát từ một họ virus có tỷ tử vong cao, nhưng cho đến nay chưa có trường hợp nào dẫn đến tử vong và hầu hết đều mắc bệnh nhẹ.

Phương pháp điều trị

Hiện tại, chưa có vắc-xin hoặc phương pháp điều trị virus Langya. Giải pháp duy nhất là chăm sóc hỗ trợ để kiểm soát các biến chứng liên quan đến bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Khả năng lây truyền từ người sang người

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học từ Trung Quốc, Singapore và Úc được công bố trên Tạp chí Y học New England, virus Langya có thể lây truyền từ động vật sang người. Cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng virus lây truyền từ người sang người.

Ảnh minh họa: AFP
Hình minh họa AFP

Giáo sư Wang Linfa tại Chương trình Các bệnh Truyền nhiễm Mới nổi tại Trường Y Duke-NUS ở Singapore, người tham gia nghiên cứu cho biết các trường hợp nhiễm virus Langya cho đến nay không nghiêm trọng hoặc tử vong. Do đó,ông trấn an mọi người không cần quá sợ hãi. Mặc dù vậy đây vẫn là điều đáng báo động vì nhiều loại virus tồn tại trong tự nhiên có thể gây hậu quả không thể lường trước khi lây nhiễm sang người.

Các chuyên gia vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem liệu nó có thể lây lan từ người sang người hay không.

Nghiên cứu cho biết: “Không có tiếp xúc gần gũi hoặc tiền sử phơi nhiễm chung giữa các bệnh nhân, điều này cho thấy virus có ít khả năng lây nhiễm từ người sang người. Theo dõi tiếp xúc của 9 bệnh nhân với 15 thành viên trong gia đình có liên hệ gần cũng cho thấy không virus Langya không lây truyền qua tiếp xúc gần”.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận kích thước mẫu quá nhỏ để xác định tình trạng lây truyền từ người sang người của virus, nên việc phát hiện virus này cần được đánh giá chéo với virus Nipah.

Ông Wang Xinyu, Phó trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Hoa Sơn thuộc Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, bình luận: “COVID-19 sẽ không phải là căn bệnh truyền nhiễm cuối cùng gây ra đại dịch trên toàn thế giới, vì các bệnh truyền nhiễm mới sẽ ngày càng có tác động lớn hơn đến cuộc sống hàng ngày của con người”.

Các nhà khoa học nhấn mạnh điều quan trọng là không nên chỉ giới hạn phạm vi lây nhiễm của loại virus này ở người, mà cần được xem xét trong bối cảnh rộng lớn hơn, nhằm cân bằng bền vững và tối ưu hóa sức khỏe của con người, động vật và hệ sinh thái.

WHO cho biết nếu nghi ngờ ca bệnh, các quốc gia cần cách ly càng sớm càng tốt, thực hiện các biện pháp kiểm soát lây nhiễm và thông báo ngay cho cơ quan y tế công cộng. (T/H, tintuc)