Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Lo sợ Thế chiến 3, giới siêu giàu đổ xô mua thứ này chuẩn bị cho Ngày Tận thế


Động thái của Tổng thống Putin đặt lực lượng hạt nhân của nước Nga trong tình trạng báo động cao độ, khi cuộc xâm lược Ukraine tiếp tục diễn biến khó lường, đã làm nhiều người hoảng sợ, đặc biệt là giới siêu giàu. Nhiều người đã sốt sắng mua hầm trú ẩn, chuẩn bị cho một cuộc xung đột hạt nhân nếu xảy ra.

Nhu cầu mua boongke để trú ẩn trong Ngày tận thế đã tăng hơn 1000% kể từ khi quân đội Nga xâm lược Ukraine.
Một khảo sát tại Canada cho thấy, “10% dự đoán khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu kết thúc nền văn minh trong 12 tháng tới”…

Nhu cầu mua hầm trú ẩn cao đột biến

Theo The Sun, Tổng giám đốc của Công ty Rising S là ông Gary Lynch, có trụ sở tại Texas, cho biết nhu cầu mua boongke để trú ẩn trong Ngày tận thế đã tăng hơn 1000% kể từ khi quân đội Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2.

Ông Lynch cho biết thông thường công ty sẽ bán được trung bình từ 2-6 hầm/tháng, và thời điểm này (mùa đông) doanh số bán hàng sẽ chậm hơn. Tuy nhiên chỉ riêng trong ngày Nga bắt đầu khai hỏa vào Ukraine, công ty Rising S đã bán được 5 chiếc. 

5 boongke này có giá dao động từ 70,000 đến 240,000 đô la. Các boongke có giá thấp từ 40,000 đô la và có thể lên đến nhiều triệu đô la, tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng.

Ông Lynch cho biết, các đơn đặt hàng mua hầm trú ẩn không chỉ giới hạn trong nước Mỹ mà đến từ nhiều nơi như Ý, Anh, Đan Mạch, Nhật Bản, Canada…, cho thấy khá nhiều người lo sợ viễn cảnh Ngày tận thế.

Xu thế cho thấy mọi người hoảng sợ tìm kiếm “boongke ngày tận thế” bùng nổ lên mức cao chưa từng thấy vào cuối tháng 2 vừa qua. Tất nhiên với giá cả đắt đỏ như vậy, hầm trú ẩn dành cho Ngày tận thế chỉ là thứ xa xỉ đối với những người giàu có. Vậy còn đa số người bình thường mua gì trước nỗi lo sợ này?

5 chiếc do Công ty Rising S bán vào ngày Nga xâm lược có giá dao động từ 70,000 đến 240,000.
Một căn phòng trong boongke có giá dao động từ 70,000 đến 240,000 đô la và có thể lên đến nhiều triệu đô la, tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng. (Ảnh chụp màn hình)

Nỗi lo chiến tranh hạt nhân có trở thành hiện thực?

Ngày 28/2, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo 3 lực lượng răn đe hạt nhân trên đất liền, trên không và tàu ngầm ở nước này đã bắt đầu bước vào chế độ chờ, sẵn sàng vận hành với nhân lực được tăng cường.

Bất chấp việc Tổng thống Biden “trấn an” không cần phải lo lắng về một cuộc chiến tranh hạt nhân xảy ra, rằng Mỹ vẫn chưa ghi nhận bất kỳ động thái cụ thể nào của lực lượng hạt nhân Nga, bao gồm di chuyển đầu đạn ra khỏi kho chứa hoặc tái bố trí binh sĩ, thì nhiều người vẫn hoảng sợ.

Gõ cụm từ “Chiến tranh hạt nhân” (Nuclear war) cho ra 2.64 tỷ kết quả, và các tìm kiếm đã tăng vọt lên mức cao nhất trong lịch sử của Google sau khi Nga xâm lược Ukraine. Nhiều người tin rằng cuộc xâm lược này đánh dấu sự khởi đầu của Thế chiến thứ 3. 

Hàng triệu triệu người đột nhiên lo lắng về khả năng sẽ xảy ra xung đột hạt nhân. Và thậm chí một khảo sát tại Canada cho thấy, “10% dự đoán khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu kết thúc nền văn minh trong 12 tháng tới”…

Các boongke được thiết kế giống một ngôi nhà.
Công ty Rising S đã nhận được các cuộc gọi từ khắp nơi trên thế giới, từ Ý đến Nhật Bản.

Đổ xô mua thuốc i-ốt

Nỗi sợ hãi về một cuộc chiến tranh hạt nhân đã khiến thuốc i-ốt trở thành mặt hàng bán chạy trên thế giới, đồng thời dẫn đến việc bùng nổ các video trên YouTube hướng dẫn mọi người cách sống sót sau một vụ nổ hạt nhân.  Người ta ghi nhận lượng truy cập vào một trang web có tên NUKEMAP tăng gấp 10 lần.

NUKEMAP mô tả cho bạn biết liệu ngôi nhà của bạn có bị phá hủy hay không nếu vũ khí hạt nhân được kích nổ tại một địa điểm cụ thể. 

Người dân châu Âu đã đổ xô tới các hiệu thuốc để lùng mua thuốc i-ốt. Không phải ngẫu nhiên khi nhu cầu về thuốc i-ốt tăng mạnh trên toàn thế giới, đặc biệt với người dân châu Âu từng phải hứng chịu bụi phóng xạ khi thảm họa nổ nhà máy điện hạt nhân nguyên tử Chernobyl xảy ra vào năm 1986.  

I-ốt (dạng viên hoặc siro) được nhiều người coi là một cách bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh như ung thư tuyến giáp trong trường hợp tiếp xúc với phóng xạ. Năm 2011, chính quyền Nhật Bản từng khuyến cáo người dân xung quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima (bị hư hại sau thảm hoạ kép động đất – sóng thần) nên sử dụng i-ốt.

Theo Fox News, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thuốc Bulgaria, Nikolay Kostov cho biết: “Trong 6 ngày qua, các hiệu thuốc ở Bulgaria đã bán được lượng i-ốt tương đương với lượng bán ra trong một năm. Một số nhà thuốc đã hết hàng”. 

Theo trang web của Công ty Rising S, họ cũng đã vận chuyển các nơi trú ẩn an toàn đến Ukraine cho cả lực lượng vũ trang và người dân của quốc gia này.

Tại CH Séc, đại diện chuỗi hiệu thuốc Dr. Max, Miroslava Stenkova cho biết nhu cầu tích trữ i-ốt tăng vọt đã khiến nhiều cơ sở rơi vào tình trạng cháy hàng.

Theo Vice.com, ở Bỉ, có người còn không thể mua được thuốc i-ốt ngay cả khi đã đến 5 hiệu thuốc khác nhau…

Trước khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, hầu hết người phương Tây không nghĩ nhiều đến chiến tranh hạt nhân, và thậm chí còn cho rằng đó là ý tưởng hoang đường của giới siêu giàu thừa tiền mua boongke phòng hộ. Nhưng giờ đây mọi thứ đã thay đổi, đặc biệt khi ngày 4/3 Ukraine từng cáo buộc Nga tấn công nhà máy điện hạt nhân lớn nhất tại châu Âu Zaporizhzhia của nước này, nơi có 6 lò phản ứng hạt nhân nguyên tử.

Các nhà quan sát cho rằng, thế giới đang bước vào thời kỳ hỗn loạn nhất trong lịch sử nhân loại. (T/H, NTD)