Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

LHQ cảnh báo nhiệt độ Trái Đất vẫn có nguy cơ tăng 3 độ C

Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo nhiệt độ Trái Đất vẫn có nguy cơ tăng thêm 3 độ C vào cuối thế kỷ này dù lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong năm nay giảm do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng như các nước cam kết giảm phát thải.

Theo đánh giá thường niên về mức phát thải do Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) thực hiện, lượng khí thải carbon trong năm nay giảm 7% sẽ tác động không đáng kể trong việc kiềm chế sự tăng nhiệt độ Trái Đất nếu thế giới không nhanh chóng chuyển sang các nguồn năng lượng khác “xanh” hơn thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch như hiện nay.

Báo cáo mang tên “Khoảng cách phát thải” của UNEP cho rằng sự “phục hồi xanh” sau đại dịch COVID-19, trong đó các nước đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0, có thể giúp cắt giảm 25% lượng khí thải vào năm 2030. Điều này có thể giúp thế giới tiến gần hơn đến mục tiêu dài hạn nhằm kiềm chế nhiệt độ Trái Đất tăng 2 độ C theo như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015.

Giám đốc điều hành UNEP, bà Inger Andersen cho biết báo cáo trên cho thấy kế hoạch “phục hồi xanh” sau đại dịch có thể giúp giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và giúp làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.

Năm ngoái, UNEP cho rằng từ nay đến năm 2030, mỗi năm thế giới phải giảm 7,6% lượng khí thải để đạt mục tiêu mức tăng nhiệt độ Trái Đất tham vọng hơn là 1,5 độ C. Năm nay có thể chứng kiến lượng khí thải giảm ở mức này sau khi hoạt động công nghiệp, đi lại và sản xuất đã giảm mạnh chưa từng thấy do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ giúp làm giảm 0,01 độ C sự nóng lên của Trái Đất vào năm 2050.

Các chuyên gia lo ngại rằng lượng khí thải carbon có thể tăng trở lại trong năm 2021. Tuần trước, LHQ còn cho biết các nước đã lên kế hoạch tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch thêm 2% mỗi năm trong thập kỷ này. Trong khi đó, để đạt được mục tiêu kiềm chế sự tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C, thế giới phải giảm sản lượng dầu mỏ, khí đốt và than đá 6% mỗi năm.

UNEP cho rằng thế giới cần phải chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, hỗ trợ trực tiếp công nghệ và cơ sở hạ tầng không phát thải, đồng thời giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, không xây dựng các nhà máy than đá mới, và tái trồng rừng quy mô lớn. (BTT)