Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Lễ Vu Lan báo hiếu rằm tháng 7 là ngày gì?


Lễ Vu Lan báo hiếu rằm tháng 7 là một trong những ngày lễ lớn của người theo đạo Phật, là ngày để tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu ông bà, cha mẹ và tổ tiên.

Với ý nghĩa đầy nhân văn, qua hàng ngàn năm Lễ Vu Lan đã lan rộng ra, không chỉ là ngày lễ của các Phật tử mà trở thành ngày lễ báo hiếu của tất cả người dân Việt Nam.

Lễ Vu Lan năm 2022 là ngày nào?

Lễ Vu Lan là ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm (15/7 âm lịch), tính theo dương lịch, ngày Lễ Vu Lan năm 2022 rơi vào Thứ 6, ngày 12 tháng 08.

Lễ này trùng với Tết Trung Nguyên của người Hán và cũng trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 xá tội vong nhân của phong tục Á Đông (dân gian gọi nôm na là ngày cúng cô hồn).

Vào ngày này, các chùa, cơ sở tự viện thường tổ chức lễ hội Vu Lan với những nghi thức: Tụng kinh, làm lễ cầu siêu, pháp thoại thuyết giảng ý nghĩa Vu Lan báo hiếu, nghi thức ‘Bông hồng cài áo’ tri ân công đức sinh thành của cha mẹ, nghi thức thắp nến tri ân…

Lễ Vu Lan báo hiếu rằm tháng 7 là ngày để tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu ông bà, cha mẹ và tổ tiên. (Hình minh họa)

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Lễ Vu Lan báo hiếu

Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên (một trong những đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni) đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói) nhờ lòng hiếu thảo.

Theo ghi chép trong Kinh Vu lan, khi Tôn giả Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công phép lục thông, ngài nhớ tới người mẹ Thanh Đề đã khuất của mình nên dùng phép thần tìm kiếm khắp nơi xem bà đã đi đâu, về đâu.

Không ngờ, ngài lại nhìn thấy người mẹ đang bị đày thành ngạ quỷ, đi lang thang khắp nơi, cực khổ, đói khát bởi đây là quả báo từ những việc ác trước đây mà bà đã thực hiện. Quá đau lòng, Mục Kiền Liên liền dùng phép thần thông để biến ra cơm đưa tới tận địa ngục cho mẹ nhưng tiếc thay những thức ăn ấy đều bị hóa thành lửa.

Trong truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc ta, báo hiếu, báo ân tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ là một trong những cảm ơn quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người.

Mục Kiền Liên thấy vậy vô cùng bi thương. Mặc dù có thần thông quảng đại, nhưng ông không thể cứu giúp được mẹ của mình. Ông vội vàng đến tìm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để xin nghĩ cách cứu mẹ mình. 

Đức Phật nói: “Mẹ của ông nghiệp sâu nặng, một người không thể cứu độ được, cần phải dùng thần uy của chúng tăng thập phương mới có thể cứu được”

Đức Phật bảo ông rằng, ngày rằm tháng 7 chính là ngày Tự tứ, chính ngày đó Phật Đà hoan hỷ, khi đó chư Tăng mười phương đều dự lễ này, ông cần sắm sửa đủ đầy lễ vật, món ăn chay được đựng trong bình bát tinh sạch, kỹ lưỡng… để cúng dường chúng Tăng, cầu thỉnh mười phương Tăng chúng hồi hướng chú nguyện thì bà Thanh Đề mới thoát được cõi địa ngục đau khổ.

Trong ngày Vu Lan nhiều người có thói quen cài hoa hồng lên áo, để luôn ghi nhớ công ơn sinh thành và dưỡng dục của đáng sinh thành. (Hình minh họa)

Mục Kiền Liên làm theo lời Phật, mẹ của ông sau đó đã được giải thoát…

Từ đó, Lễ Vu Lan báo hiếu ra đời, là ngày để những người con hiếu thảo hồi tưởng lại công ơn sinh thành dưỡng dục của đấng sinh thành để có những hành động sống tích cực và thiết thực, điều chỉnh hành vi của bản thân đối với cha, mẹ sao cho xứng đáng với tình thương, công ơn của đấng sinh thành.

Ngày Lễ Vu Lan nên làm gì?

Trong ngày Vu Lan nhiều người có thói quen cài hoa hồng lên áo, để luôn ghi nhớ công ơn sinh thành và dưỡng dục của đáng sinh thành. Tại một số địa phương còn thực hiện thả đèn hoa đăng, với ước nguyện cầu bình an, an lành cho người đã khuất.

Ngày lễ Vu Lan báo hiếu của Phật giáo đã trở thành ngày lễ mang đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.

Ngoài ra, mọi nhà đều chuẩn bị mâm cơm tươm tất cho ngày lễ Vu Lan để dâng lên gia tiên, cửa Phật… cho các linh hồn để báo hiếu và tỏ lòng thành. 

Vào dịp này, nhiều người còn có thêm nghi lễ cúng chúng sinh và phóng sinh chim, cá, cua, ốc… với ước muốn được may mắn, an lành. Tiếc là hiện nay, việc phóng sinh đã trở nên biến tướng, hình ảnh người thả cá phóng sinh kẻ quăng lưới bắt lại đã không còn xa lạ, từ một việc làm ý nghĩa lại thành vô tình tiếp tay cho việc săn bắt, tận diệt động vật.  

Có lẽ bên cạnh việc cúng lễ, quan trọng nhất vẫn là giữ trọn đạo hiếu với cha mẹ. Với những ai còn cha mẹ hãy trân trọng đấng sinh thành của mình khi còn có thể, những người con xa quê có thể thu xếp thời gian để về tụ họp với gia đình, có thể dành tặng cha mẹ những lời chúc và nhiều món quà ý nghĩa… (T/H)