Saturday, November 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Làm gì để nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi sự lệ thuộc Trung Quốc?

Báo cáo của Nhà Trắng vừa mới đây, với tựa đề “Cách tiếp cận chiến lược của Hoa Kỳ đối với Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa” đã nêu bật các lo ngại của phía Hoa Kỳ trước các thách thức và đe doạ từ Trung Quốc, trong đó có các đe doạ về kinh tế.

Phần các biện pháp cần thiết để thực hiện việc bảo vệ nền kinh tế Hoa Kỳ trước các đe doạ từ Trung Quốc, có nhắc tới một biện pháp quan trọng là Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tăng cường khả năng và sức mạnh của Uỷ ban Đầu tư nước ngoài ở Hoa Kỳ (CIFIUS) nhằm bảo vệ an ninh kinh tế Hoa Kỳ trước sự đe doạ từ các doanh nghiệp Trung Quốc.

Trông người lại ngẫm đến ta

Gần đây, báo chí Việt Nam đang hồ hởi đăng các thông tin về việc các địa phương đua nhau xây dựng các khu công nghiệp để đón làn sóng đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc “chiến tranh thương mại”.

Dư luận Việt Nam có vẻ hồ hởi khi kỳ vọng về một sự thu hút đầu tư nguồn vốn từ Trung Quốc tràn sang. Một số báo chí nước ngoài còn cho rằng Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong “Thương chiến Mỹ – Trung”.

Tuy nhiên, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, trong thực tế, cho tới nay, nền kinh tế Việt Nam vẫn lệ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Chính vì vậy, những rủi ro rất lớn đang đe doạ nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trước bối cảnh Việt Nam “sẵn sàng” đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông.

Những con số không phản ánh thực chất

Số liệu trên báo chí cho biết, năm 2019 ghi nhận đã có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,92 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư. Hồng Kông đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 7,87 tỷ USD (trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào Công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội, chiếm 48,9% tổng vốn đầu tư của Hồng Kông), Singapore đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,5 tỷ USD. Tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc…

Bộ kế hoạch đầu tư nhận xét là đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 1,65 lần, từ Hồng Kông tăng 2,4 lần so với cùng kỳ 2018 và nhận định: “đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung”.

Một tờ báo chuyên về kinh tế đã đánh giá về sự tăng trưởng từ dòng vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 như sau:

“(1) vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp trong nước là 10,4 tỉ đô la, tăng 82,3% so với cùng kỳ năm 2018 nhưng là tăng trưởng không thực chất vì chỉ là nhà đầu tư “chuyển từ tay trái sang tay phải”.

(2) Hà Nội thành địa phương thu hút vốn đầu tư FDI lớn nhất qua 9 tháng với tổng số vốn đăng ký 6,15 tỉ đô la song thực chất cũng chỉ là thu hút đầu tư trên giấy vì thực chất cũng là xử lý số liệu như trên.

(3) Những e ngại hay đánh giá khả quan về tình hình góp vốn tăng mạnh của doanh nghiệp ngoại vào doanh nghiệp nội qua hình thức mua cổ phần, góp vốn do nhìn những số liệu thống kê trên cũng không có cơ sở, bởi như đã nói là doanh nghiệp trong cùng hệ sinh thái ThaiBev chuyển đổi vốn cho nhau. Còn thực chất, 9 tháng đầu năm, vốn đăng ký FDI cấp mới không có dự án lớn nào vượt quá 300 triệu đô la.”

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân do Trung Quốc đầu tư Photo: RFA

Như vậy, số liệu thống kê về dòng vốn đầu tư nước ngoài chỉ cho thấy một mảnh ghép nhỏ trong một bức tranh rộng lớn của kinh tế Việt Nam. Đó chưa phải là tăng trưởng thực sự. Tuy nhiên, số liệu lại chỉ cho ta thấy sự đáng lo ngại trước nguồn vốn từ Trung Quốc, thông qua các nhà đầu tư trung gian từ Hồng Công, Thái lan…

Mới đây, đánh giá về việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam, Giáo sư kinh tế Trần Văn Thọ cho biết kinh nghiệm trên thế giới về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (Viết tắt là FDI), thường phải đảm bảo 4 vấn đề trong đó, bao gồm:

Một là, thu hút FDI phải được đặt trong một kế hoạch tổng thể. Những ngành cần thu hút FDI là những ngành mà doanh nghiệp chưa có khả năng nhưng sẽ là ngành phát triển trong tương lai. Đặc biệt là các ngành sử dụng hàm lượng tri thức cao.

Hai là, khuyến khích thu hút FDI dưới hình thức liên doanh với doanh nghiệp trong nước. Bởi vì không chỉ tạo điều kiện thu hút FDI mà còn phải tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp trong nước một cách song hành.

Ba là, khuyến khích các doanh nghiệp FDI sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa. Từ đó mới kéo toàn bộ nền sản xuất phát triển.

Bốn là, ưu tiên các doanh nghiệp có trách nhiệm trong việc tôn trọng các quy định về lao động, môi trường.

Xét trên bốn tiêu chí trên thì việc thu hút FDI ở Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu này. Thậm chí, Giáo sư Trần Văn Thọ cũng chỉ ra những lo ngại về nguồn vốn FDI từ Trung Quốc đối với nền an ninh quốc gia. Theo đó, trong 100 công ty đa quốc gia lớn nhất của Trung Quốc hiện nay thì có tới 81 là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp cổ phần nhưng nhà nước Trung Quốc chi phối. Vì thế, với những tham vọng lãnh thổ và cách thực hiện “phương cách kinh tế cưỡng đoạt”, thì các hoạt động của các doanh nghiệp Trung Quốc luôn ẩn giấu đằng sau là các âm mưu của chính quyền Trung Quốc.

Thêm nữa, hình thức FDI ra nước ngoài chính của doanh nghiệp Trung Quốc là mua bán và sáp nhập (M&A). Đây là hình thái xâm nhập, sở hữu kinh doanh nhanh chóng nhất ở thị trường nước ngoài. Báo chí Việt Nam mới đây cho biết nhiều nhà máy điện đã bị nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm. Đây là lĩnh vực nhạy cảm đối với an toàn năng lượng. Ngoài ra, mới đây Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng chỉ rõ các tư nhân Trung Quốc núp bóng hoặc thâu tóm để sở hữu các bất động sản có vị trí quân sự quan trọng.

Doanh nghiệp trong nước bị vắt kiệt

Việc thu hút FDI là cần thiết, nhưng phải nằm trong sự kiểm soát và song song với đó, phải tạo động lực cho doanh nghiệp trong nước phát triển. Trong suốt thời gian qua, kể từ khi mở cửa nền kinh tế, Chính quyền Việt Nam chỉ tập trung vào việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài. Còn các doanh nghiệp trong nước thì bị kỳ thị, chèn ép và hành hạ bởi bộ máy chính quyền.

Cho tới nay, sau hơn 30 năm thu hút vốn FDI thì lượng vốn FDI thực hiện khoảng 211,78 tỷ đô. Con số này là ngang ngửa với tài sản nhà nước hơn 7,79 triệu tỷ đồng (gồm: tổng nguồn vốn của Nhà nước là trên 4,65 triệu tỷ đồng; tổng nợ Nhà nước phải trả là 3,14 triệu tỷ đồng).

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam nhỏ về quy mô so với mức trung bình tại các nước ASEAN. Quy mô vốn hóa trung bình của các công ty niêm yết, đại diện điển hình về những công ty tư nhân tốt nhất của Việt Nam, chỉ đạt mức khoảng 190 triệu USD. Trong khi đó, con số này là 810 triệu USD tại Indonesia, 840 triệu USD tại Thái Lan, 1,16 tỷ USD tại Singapore và 1,2 tỷ USD tại Philippines.

Quy mô nhỏ của các doanh nghiệp Việt Nam khiến cho các hoạt động đầu tư về nghiên cứu phát triển, nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất gặp nhiều khó khăn. Trình độ về quản trị công ty của các doanh nghiệp Việt Nam cũng thua xa so với các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN.

Sự yếu kém của doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu từ trong chính sách của Nhà nước Việt Nam. Chính sách phát triển doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay đặt trọng tâm nhiều hơn tới hình thức thay vì quan tâm đến chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam.

Một rào cản quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam đó là tư duy phát triển bị lạc hậu khi chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Từ đó đi đến các chính sách kiểu “bao cấp” và thậm chí quan điểm “bao cấp” chỉ ưu tiên một số nhóm doanh nghiệp. Đó là điều kiện tạo môi trường cho tham nhũng, nhất là đất đai, tài sản công và gây ra tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp, với cơ chế “xin – cho”.

Vì vậy, yêu cầu đòi hỏi là xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ và thích ứng với quá trình chuyển đổi. Các quy định trong Luật Doanh nghiệp cho thấy vẫn còn tư tưởng gây cản trở, phiền hà để “hành” doanh nghiệp với các quy định quá rườm rà.

Sau luật đến hàng loạt thông tư, nghị định cũng rất chậm, thậm chí có một số điều bị “gài” để cán bộ các ban ngành, địa phương có quyền “hành” doanh nghiệp và người dân do quyền “anh”, quyền “tôi” rất phổ biến hiện nay. Thậm chí, các ngành, địa phương đến cấp thấp nhất cũng ra các “quy chế” gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Chính vì vậy, muốn xây dựng nền kinh tế phát triển để thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, từ đó có thể dẫn đến những hệ luỵ nguy hiểm đối với an ninh quốc gia thì một mặt, Chính quyền Việt Nam cần phải tìm cách hạn chế “sự cưỡng đoạt kinh tế” từ phía Trung Quốc. Mặt khác, cần tạo điều kiện để cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân được tạo điều kiện để phát triển bình đẳng so với các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp nhà nước. Làm được như vậy, nền kinh tế Việt Nam mới có bước phát triển thực sự.

Đinh Hoàng Anh (RFA)