Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Lạm dụng rượu trong thời gian đại dịch tạo ra làn sóng nhập viện vì bệnh gan

CALIFORNIA, Hoa Kỳ – Các bệnh viện trên toàn quốc đã báo cáo về một sự gia tăng đáng kể số ca nhập viện vì các căn bệnh hiểm nghèo có liên quan đến rượu như bệnh viêm gan và suy gan. Đại dịch còn khiến hàng nghìn người nghiện rượu đang trong quá trình hồi phục bị tái nghiện.

Lạm dụng rượu trong thời gian đại dịch
Hàm lượng cồn trong máu cao sẽ dẫn đến một loạt các căn bệnh về gan. (Hình Africa Studio/Shutterstock)

Bệnh gan do rượu là một vấn đề trở nên ngày càng trầm trọng ngay cả trước khi đại dịch, với 15 triệu người được chẩn đoán trên toàn quốc, và số ca nhập viện đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua.

Tuy nhiên, đại dịch đã làm tăng thêm đáng kể số lượng các ca bệnh. Mặc dù chưa có số liệu chính thức trên toàn quốc, nhưng tỷ lệ nhập viện vì bệnh gan do rượu tại Bệnh viện Keck thuộc Đại học Nam California đã tăng 30% vào năm 2020 so với năm 2019, Tiến sĩ Brian Lee, một bác sĩ cấy ghép gan chuyên điều trị bệnh tình cho những người nghiện rượu cho biết. Các chuyên gia tại các bệnh viện liên kết với Đại học Michigan, Đại học Northwestern, Đại học Harvard và Hệ thống Y tế Mount Sinai ở Thành phố New York cho biết tỷ lệ nhập viện vì bệnh gan có liên quan đến rượu đã tăng lên 50% kể từ tháng 3 năm ngoái.

Uống nhiều rượu sẽ dẫn đến một loạt các bệnh về gan gây ra bởi các sản phẩm phụ độc hại liên quan đến quá trình chuyển hóa ethanol. Trong một thời gian ngắn, những sản phẩm phụ này có thể làm cho tình trạng viêm nhiễm lan rộng ra và dẫn đến bệnh viêm gan. Lâu dài hơn, chúng có thể dẫn đến sự tích tụ của các mô mỡ trong gan, cũng như các mô sẹo dẫn đến xơ gan – từ đó có thể gây ra ung thư gan.

Vì sự chuyển hóa của rượu trong cơ thể của mỗi người là khác nhau, nên những bệnh này có thể xuất hiện chỉ sau một vài tháng uống nhiều rượu. Một số người có thể uống nhiều rượu trong một thời gian dài mà không gặp tác dụng phụ gì; nhưng những người khác lại có thể bị các phản ứng miễn dịch nghiêm trọng và phải nhanh chóng nhập viện.

Các chuyên gia hàng đầu về bệnh gan và bác sĩ tâm thần cho rằng sự cô lập, nạn thất nghiệp và cảm giác tuyệt vọng liên quan đến COVID-19 đang gây nên sự bùng nổ về số lượng các ca bệnh.

Tiến sĩ Haripriya Maddur, một bác sĩ chuyên khoa gan tại Northwestern Medicine cho biết: “Đã có một lượng lớn người phải nhập viện. Nhiều bệnh nhân của cô ấy “vẫn khỏe mạnh” trước đại dịch, họ đã không bị tái phát trong nhiều năm. Nhưng do quá căng thẳng vì đại dịch, “đột nhiên, [họ] lại phải nhập viện điều trị.”

Tại các cơ sở này, độ tuổi của các bệnh nhân nhập viện vì bệnh gan do rượu hiện đang giảm dần. Tiến sĩ Raymond Chung, bác sĩ chuyên gan tại Đại học Harvard kiêm chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh gan Hoa Kỳ cho biết xu hướng gia tăng bệnh tật ở những người dưới 40 tuổi “là rất đáng báo động trong nhiều năm trở lại đây. Nhưng những gì chúng ta đang thấy bây giờ mới thực sự đáng ngại.”

Maddur cũng đã điều trị cho nhiều người trẻ tuổi phải nhập viện vì vàng da và có dịch ổ bụng vốn là biểu hiện của các căn bệnh về gan – một xu hướng mà cô cho rằng trong thời gian đại dịch nhiều người đã phải đối mặt với các khó khăn kinh tế càng ngày càng lớn. 

Cùng lúc đó, những người trẻ tuổi này hoặc là vừa mới mua nhà hoặc vừa mới lập gia đình, họ thấy rằng tìm kiếm việc làm, kể cả ở trình độ sơ cấp, càng ngày càng khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp nhà hàng khách sạn đang bị tê liệt. “Họ phải nuôi sống gia đình và hàng tháng vẫn phải chi trả các hóa đơn chi dụng, nhưng họ lại không có việc làm,” cô nói, “vì vậy họ quay sang uống rượu như nó là một cơ chế cuối cùng để họ đối phó với thực tại.”

Phụ nữ có nguy cơ cao hơn vì cơ thể chuyển hóa rượu chậm hơn và vì có thể họ phải đối mặt với căng thẳng nhiều hơn do tác động của đại dịch

Trong thời kỳ đại dịch, phụ nữ có thể mắc các căn bệnh gan do rượu với tỷ lệ cao hơn so với nam giới vì họ chuyển hóa rượu ở tốc độ chậm hơn. Nồng độ enzyme chịu trách nhiệm cho việc phân hủy ethanol ở phụ nữ thấp hơn, khiến cho lượng độc tố trong máu phụ nữ cao hơn và do đó, khiến cho tổn thương lên các cơ quan nội tạng ở phụ nữ nhiều hơn so với nam giới khi uống cùng một lượng rượu. CDC khuyến nghị phụ nữ nên uống một ly hoặc ít hơn một ly mỗi ngày, so với con số hai ly hoặc ít hơn hai ly đối với nam giới.

Về mặt xã hội, “căng thẳng của đại dịch, theo một số cách, là đặc biệt nhắm vào phụ nữ,” Tiến sĩ Jessica Mellinger, bác sĩ chuyên khoa gan tại Đại học Michigan cho biết. Lương thấp hơn, công việc kém ổn định hơn và gánh nặng nuôi dạy con cái có xu hướng đè nặng lên vai phụ nữ nhiều hơn.

“Nếu bạn phải chịu đựng tất cả những yếu tố gây căng thẳng này, mà lại chẳng có bất kỳ một hình thức hỗ trợ nào khác – tất cả những gì bạn còn lại chỉ là chai rượu –  đó là những gì bạn sẽ sử dụng”, Mellinger nói. “Nhưng một người phụ nữ nếu uống rượu như một người đàn ông sẽ mắc bệnh sớm hơn.”

Trên toàn quốc, ngày càng có nhiều người lớn chuyển sang uống rượu trong thời kỳ đại dịch. Một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tiêu thụ rượu vào mùa xuân năm 2020 đã tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019 và những người uống rượu đã tiêu thụ nhiều hơn gần 30% so với những tháng trước đại dịch. Thất nghiệp, cô lập, thiếu kế hoạch hàng ngày và buồn chán đều làm tăng thêm nguy cơ sử dụng rượu.

Tiến sĩ Timothy Fong, bác sĩ tâm thần học tại UCLA cho biết: “Đại dịch đã lược bỏ đi mối băn khoăn lo lắng của chúng ta đối với rượu. “Chúng ta đã chào đón nó vào nhà của mình và xem nó như là một chiếc nạng chống đỡ và là người bạn tốt nhất.”

Những lần tái nghiện này và những lần nhập viện do chúng gây ra, có thể gây đe dọa đến tính mạng. Hơn 1/20 bệnh nhân bị suy gan do rượu chết trước khi xuất viện, và bệnh gan do rượu là nguyên nhân hàng đầu cho việc phải cấy ghép tạng.

Căn bệnh này cũng khiến người ta dễ bị nhiễm COVID-19 hơn. Bệnh nhân mắc bệnh gan có tỷ lệ tử vong do nhiễm COVID cao gấp ba lần so với những người không mắc bệnh này, và bệnh gan do rượu làm tăng nguy cơ tử vong do COVID thêm từ 79% đến 142%.

Một số bác sĩ, như Maddur, lo ngại rằng các yếu tố gây căng thẳng dẫn đến tăng mức độ tiêu thụ rượu và bệnh gan có thể sẽ kéo dài trong tương lai – ngay cả sau khi lệnh cấm tụ tập được gỡ bỏ. “Tôi nghĩ chúng ta mới chỉ ở đỉnh điểm của việc này,” cô nói. “Kiểm dịch là một chuyện, nhưng sự suy thoái của nền kinh tế, điều đó sẽ không sớm biến mất.”

Những người khác, như tiến sĩ Lee, thì lại lạc quan hơn – mặc dù vẫn còn khá thận trọng. Ông chia sẻ: “Thuốc chủng ngừa sắp được bán ở các hiệu thuốc ở khắp nơi, COVID-19 sẽ biến mất, và mọi thứ sẽ bắt đầu trở lại bình thường. Nhưng câu hỏi thực sự được đặt ra là liệu các cơ quan y tế công cộng sẽ quyết định hành động theo những phương cách mà có thể dự phòng bệnh gan do rượu hay không.

Câu chuyện này được sản xuất bởi KHN, nhà xuất bản của California Healthline, một dịch vụ biên tập độc lập của Quỹ Chăm sóc Sức khỏe California. (ETV)