Kỷ niệm Ngày Nhân quyền Việt Nam lần thứ 27
Ngày Nhân quyền Việt Nam lần thứ 27 được tổ chức trực tuyến vào tối ngày 11/5 với sự tham gia của đông đảo các nhà làm luật, đại diện các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ, các nghị sĩ từ Canada, Úc và các hội đoàn quan tâm đến tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo Việt Nam.
Từ Virginia, Mỹ, ông Phan Thông Hưng, đại diện ban tổ chức Ngày Nhân quyền Việt Nam, cho VOA biết về nội dung và ý nghĩa của sự kiện này:
“Sự kiện này nói lên sự công nhận của Quốc hội Mỹ về Ngày Nhân quyền Việt Nam, phản ánh sự cam kết của chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đối với công cuộc tranh đấu đòi tự do, dân chủ, và nhân quyền cho Việt Nam”.
“Qua đó thể hiện ý chí và quyết tâm của người Việt hải ngoại đấu tranh và yểm trợ các quyền căn bản của người dân trong nước”.
Giáo sư Phan Thông Hưng hiện là Chủ tịch Hội đồng Chấp hành Cộng đồng Người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ.
Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ John Cornyn phát biểu trong một video:
“Là một nhà vận động lâu dài cho nhân quyền tại Việt Nam, tôi đã tiếp tục đấu tranh để chấm dứt những vi phạm nhân quyền bi thảm mà đáng tiếc vẫn còn xảy ra ở đó. Người dân Việt Nam xứng đáng được hưởng các quyền tốt hơn. Trong nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, tôi tự hào giới thiệu Đạo luật chế tài vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, và tôi mong muốn tiếp tục đấu tranh để chấm dứt sự tàn bạo này trong Quốc hội khóa tới”.
Ông Piero Tozzi, Chánh văn phòng Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos của các dân biểu Cộng hòa ở Hạ viện Hoa Kỳ phát biểu:
“Hôm nay là một dịp rất long trọng và là ngày chúng tôi đánh dấu Ngày Nhân quyền Việt Nam. Và trước đó chỉ vào tuần trước, Dân biểu Chris Smith cùng các dân biểu Alan Lowenthal, Zoe Lofgren, Young Kim, Michelle Steele và Lou Correa đã giới thiệu Đạo luật Nhân quyền Việt Nam H.R. 3001”.
“Tôi nghĩ rằng điều quan trọng của dự luật này là nó khuyến khích chính phủ của chúng ta thực hiện toàn bộ cách tiếp cận của chính phủ khi làm việc với chính phủ Việt Nam. Chỉ nói về thương mại, chỉ nói về quân sự hay chỉ để nói về hỗ trợ nhân đạo thôi thì chưa đủ, mà nhân quyền phải được đan cài vào tất cả các cuộc thảo luận của chúng ta mà không thể bị bỏ qua một bên”.
Ông Michael Orona, nhân viên cấp cao của Bộ Ngoại Hoa Kỳ, người từng phụ trách các vấn đề nhân quyền Việt Nam tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội từ năm 2009-2013, phát biểu:
“Chúng tôi biết rằng chỉ riêng trong năm 2021 có khoảng một chục vụ bắt giữ các cá nhân vì thực hiện quyền tự do ngôn luận. Tôi rất buồn vì tôi không có thời gian nêu tên mọi tù nhân bị giam giữ vì thực hiện quyền con người của họ”.
“Nhưng tôi lo ngại sâu sắc trường hợp của ông Trần Đức Thạch và các thành viên khác của Hội Anh em Dân chủ, bị án tù chỉ vì với cáo buộc mơ hồ là ‘Lật đổ chính quyền nhân dân’ do tham gia vào tổ chức này”.
“Tôi thật đau buồn khi nghĩ rằng một người đàn ông 70 tuổi đã bị kết án 12 năm tù vì ủng hộ khát vọng một cách ôn hòa để mang lại tự do và dân chủ hơn cho Việt Nam”.
Ông Orona cũng nhắc đến trường hợp của Facebooker Nguyễn Quốc Đức Vượng, nhà tranh đấu và nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt giam chỉ vì bày tỏ quyền tự do biểu đạt.
Bà Anurima Bhargava, Chủ tịch Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) đề nghị chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) vì các vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo.
Bà nói:
“Chúng tôi vẫn lo ngại về cuộc đàn áp của chính quyền đối với người H’mong và truy nã các tín hữu Tin lành ở miền Bắc và Tây Nguyên của Việt Nam. Chính quyền địa phương bắt giam các thành viên của cộng đồng dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương này, đánh đập, giam giữ, bỏ tù, tra tấn và buộc họ phải từ bỏ đức tin…”
Từ Úc, Dân biểu Chris Hayes phát biểu:
“Đáng buồn thay, tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn chưa được cải thiện, trên thực tế, việc đàn áp các quyền và tự do cơ bản của con người ngày càng gia tăng”.
“Những ai đủ dũng cảm để lên tiếng chống lại sự bất công đang hiện hữu thì bị xử theo những điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia và trên hết là những người đã bị kết án tù đang phải đối mặt với những điều kiện rất tồi tệ trong việc giam giữ và ngược đãi của chính quyền”.
“Chính phủ Việt Nam cho thấy họ không muốn tuân thủ pháp quyền, nhưng nhanh chóng bắt bỏ tù và đày ải những người chỉ đơn thuần vận động cho những quyền cơ bản nhất của con người mà tất cả chúng ta đều coi là đương nhiên như quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền thực hành một tôn giáo do mình lựa chọn, và quan trọng là quyền bình đẳng trước pháp luật.”
Dân biểu Úc nêu quan ngại về trường hợp công dân của nước này, ông Châu Văn Khảm, hiện đang thụ án 12 năm tù tại Việt Nam với cáo buộc “khủng bố”.
Từ California, Mỹ, ông Trí Tạ, Thị trưởng Thành phố Wesminster, nói:
“Họ vẫn tiếp tục bắt bớ và cầm tù bất cứ cá nhân nào lên tiếng đòi hỏi tự do và nhân quyền. Gần đây nhất bà Cấn Thị Thêu và con trai bị kết án mỗi người 8 năm tù vì cả hai đã biểu tình chống lại việc cưỡng chiếm đất đai của dân oan”.
“Họ là một trong những vô số các nhà tranh đấu nhân quyền hiện nay vẫn đang tiếp tục lên tiếng về hiện trạng nhân quyền và dân chủ đang bị vi phạm một cách trầm trọng tại Việt Nam”.
“Ngày Nhân quyền Việt Nam không chỉ là ngày chúng ta lên án nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam về việc vi phạm nhân quyền, nhưng chúng ta cũng cần tiếp tục vận động chính quyền Hoa Kỳ để tạo thêm áp lực lên Việt Nam trong việc trả tự do cho các nhà tranh đấu nhân quyền”.
Ngày 11/5 đánh dấu ngày bác sĩ bất đồng chính kiến Nguyễn Đan Quế vào năm 1990 ra công bố Tuyên ngôn của Phong trào đấu tranh bất bạo động cho Nhân quyền tại Việt Nam. Từ năm 1994, ngày này được Quốc hội Mỹ công nhận là Ngày Nhân quyền Việt Nam để nhấn mạnh sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ và khuyến khích các quyền tự do căn bản của công dân tại Việt Nam được quốc tế công nhận.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam để tìm hiểu phản ứng của họ về sự kiện Ngày nhân quyền Việt Nam lần thứ 27, tuy nhiên VOA chưa nhận được phản hồi.
Bộ Ngoại Việt Nam từng phát biểu rằng quyền con người luôn được tôn trọng ở Việt Nam. Hà Nội luôn bác bỏ các cáo buộc về thiếu tự do dân chủ hay đàn áp nhân quyền, hoặc sách nhiễu giới bất đồng chính kiến, nói rằng chỉ giam giữ những người vi phạm pháp luật. (VOA)