KHÔNG TIẾNG ANH – KHÔNG THƯỜNG TRÚ?
Hôm 06/10/2020, chính phủ Úc đã công bố ngân sách dự kiến cho năm tài chính 2020-21. Một trong những dự kiến đáng kể là liên quan đến visa diện kết hôn là yêu cầu trình độ tiếng Anh.
Dự kiến mới này được đa phần các đại diện di trú đánh giá là “nước đi không thể ngờ”, gây sốc đến từ chính phủ.
Một số điểm chính của chính sách này:
• Người cần phải thoả mãn yêu cầu tiếng Anh là những đương đơn nộp visa diện kết hôn và người bảo lãnh của họ (trong trường hợp người bảo lãnh là thường trú nhân);
• Chính sách này sẽ không được áp dụng cho đến khoảng giữa năm 2021 đối với visa diện vị hôn phu/hôn thê;
• Để thoả mãn yêu cầu Anh ngữ, đương đơn và người bảo lãnh cần đạt mức tiếng Anh căn bản. (tương đương với IELTS band 4.5 và PTE 30);
• Một trong những cách để thoả mãn điều kiện này là việc hoàn thành 500 giờ học tiếng Anh miễn phí tại cơ sở thuộc chương trình Tiếng Anh cho Người nhập cư trưởng thành (chương trình này đã được mở lại từ đầu năm 2020).
• Việc đạt trình độ tiếng Anh theo yêu cầu phải được thực hiện trước khi đương đơn nộp hồ sơ xin visa thường trú (tức là khoảng 02 năm sau khi họ nộp đơn xin visa tạm trú).
QUAN ĐIỂM TỪ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Scott Morrison cho biết:
“Quy định này yêu cầu một trình độ tiếng Anh rất cơ bản và chúng tôi nghĩ rằng điều này là quan trọng để giúp những người di cư đến Úc có thể tiếp cận với các dịch vụ của chính phủ, ví dụ … tiếp cận những dịch vụ y tế tốt nhất, hiểu được giáo viên nói gì trong các cuộc họp phụ huynh, hiểu được quyền và nghĩa vụ của họ”.
“Tôi biết rằng việc thiếu trình độ tiếng Anh khiến cho nhiều người di dân đến Úc gặp các rủi ro về bạo hành gia đình, bị bắt nạt tại nơi làm việc và bị mất đi các quyền chính đáng của mình”.
Từ phía Đảng đối lập, họ đặt ra nhiều câu hỏi đến việc chính phủ ông Morrison về việc bài kiểm tra. Tiếng Anh sẽ ảnh hưởng thế nào đến quyết định tìm bạn đời của công dân Úc.
Nghị sĩ Julian Hill thuộc Đảng Lao động đã chỉ trích quyết định này. Ông viết trên Twitter rằng: “Ẩn sâu trong Tài liệu và Ngân sách chính là thứ kinh khủng này, một chính sách phân biệt chủng tộc đầy hiệu quả sẽ phá huỷ tình yêu và các mối quan hệ của hàng ngàn công dân Úc. Thật kinh tởm!”.
QUAN ĐIỂM TỪ TÁC GIẢ
Tác giả chưa từng bao giờ thấy có ý kiến ‘vớ vẩn’ này, bởi vốn dĩ các cặp vợ chồng đã phải chứng minh rất nhiều tiêu chí trong bộ luật được coi là phức tạp nhất nhì của Úc và cũng thường xuyên thay đổi, vậy mà giờ thêm một thử thách như vậy thì quả thật ‘tình yêu phải có tiếng nói chung’ đúng nghĩa.
Chứng minh mối quan hệ thành thật và tiếp diễn vốn đã là một điều kiện rất khó để đạt được visa. Chẳng phải visa kết hôn là dựa trên tình yêu hay sao mà giờ lại còn phải có trình độ Anh ngữ?
Theo dự thảo, người bảo lãnh (thường trú nhân) cũng phải có trình độ tiếng Anh, vậy phải chăng những người bảo lãnh khác (có quốc tịch) đã nghiễm nhiên có trình độ tối thiểu IELTS 4.5 rồi hay sao mà họ không cần phải thi? Đâu có phải cứ có quốc tịch là biết tiếng Anh?
Có những các thể loại visa khác khi không đáp ứng được điều kiện tiếng Anh thì đương đơn có thể lựa chọn trả tiền, ví dụ như với một số diện định cư tay nghề, số tiền gần $5,000 có thể được đóng nếu không đủ trình độ. Vậy thì đây có phải là công cụ kiếm thêm tiền từ chính phủ? Liệu chính phủ có yêu cầu trả thêm tiền để miễn trình độ tiếng Anh cho diện visa kết hôn trong tương lai hay không?
Nhiều người sẽ cho rằng chính sách này nếu được ban hành thì sẽ có mùi vị kỳ thị bởi dường như chính phủ đang muốn sàng lọc những ‘bạn đời’ của người bảo lãnh. Vậy những đương đơn lớn tuổi sống tại các vùng sâu vùng xa, hay những đương đơn trình độ học vấn không cao thì họ không thể yêu và chung sống với những Việt Kiều Úc?
Tác giả cũng đã thực hiện rất nhiều hồ sơ khi các ‘ông Tây’ tại Úc lấy vợ Việt Nam và các cô không thể nào đạt được trình độ IELTS 4.5 nhưng rồi cả hơn chục năm trôi qua, họ vẫn sống hạnh phúc bên nhau.
‘Yêu nhau không nhất thiết phải biết tiếng Anh và kể cả có biết tiếng Anh rất giỏi cũng chưa chắc có người yêu’.
Tất cả chỉ là dự kiến và tác giả cũng hy vọng sẽ tan biến.
(share thoải mái)
Cố Vấn Tạ Quang Huy
Fellow, Viện Di Trú Úc