KHẨU TRANG: Sắp hết ‘năm Covid thứ 2’, tại sao thế giới vẫn tranh cãi kịch liệt về công cụ phòng dịch cơ bản nhất
Khẩu trang đã được chứng minh là công cụ phòng dịch cơ bản và ít tốn kém nhất. Nhưng nó đồng thời cũng là thứ khiến thế giới chia rẽ.
Khi đại dịch mới bắt đầu, đa số các nước phương Tây có cách chống dịch khá tương đồng. Ca nhiễm gia tăng sẽ dẫn đến phong tỏa; du lịch quốc tế gần như đóng băng; trong nước thì áp dụng các quy tắc phòng dịch nghiêm ngặt, bao gồm giãn cách xã hội, rửa tay, và đặc biệt là đeo khẩu trang – một quy tắc thậm chí trở thành bắt buộc.
Những ngày ấy đã ở lại phía sau. Cách chống dịch giờ đây đã khác theo từng quốc gia và khu vực. Và khẩu trang lại một lần nữa trở thành một ví dụ cho sự bất đồng, của một thế giới chia rẽ trong cách tiếp cận phòng dịch Covid-19.
Khẩu trang đã được chứng minh là có vai trò quan trọng để phòng dịch. Nhiều nghiên cứu khẳng định rằng nó giúp giảm khả năng lây lan virus, giúp rủi ro nhiễm bệnh giảm đi rất nhiều. Thế nhưng, tranh cãi vẫn nổ ra xoay quanh cách sử dụng khẩu trang, nhất là khi nhiều khu vực và quốc gia đã dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc.
“Khẩu trang đã trở thành biểu tượng của một xã hội chia rẽ, giữa những người cảm thấy bản thân đã bị kìm kẹp quá mức, và những ai nghĩ rằng các quy tắc phòng dịch như vậy là chưa đủ,” – Simon Williams, chuyên gia nghiên cứu hành vi từ ĐH Swansea cho biết.
Một mùa đông lạnh giá sắp đến. Nhiều quốc gia đã xuất hiện lời kêu gọi nên tiếp tục bắt buộc đeo khẩu trang. Nhưng trong một xã hội chia rẽ, nơi người dân đã quá mệt mỏi với những thông điệp không thống nhất, việc tái áp đặt quy định trở nên hết sức phức tạp.
Những thông điệp bất đồng
Những ngày đầu dịch bệnh, việc sử dụng khẩu trang đã là điều gây tranh cãi giữa chính phủ các nước, thậm chí là ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ai cũng sợ rằng việc nóng vội ban hành quy định sẽ khiến công nhân viên y tế tuyến đầu không có đủ trang thiết bị bảo hộ.
Nhưng Covid-19 đã dạy cho thế giới quá nhiều bài học, trong đó có việc phải đưa khẩu trang trở thành một điều bình thường mới, từ giữa năm 2020.
“Khẩu trang giúp lọc bớt khí dung tạo ra từ việc chúng ta nói hoặc thở. Nó hiệu quả nhất với các giọt bắn cỡ lớn, và ít hiệu quả hơn với những giọt nhỏ,” – Bryan Bzdek, nhà nghiên cứu từ ĐH Bristol nhận định.
“Nó cũng giống như việc bạn lái xe qua một đàn côn trùng. Những con lớn sẽ bị chặn lại bởi kính chắn gió. Chỉ có những con nhỏ lọt vào được, thông qua đường thông khí.”
Ngoài Đông Nam Á – nơi khẩu trang đã quá bình thường sau dịch SARS năm 2002, chỉ một số ít quốc gia quen với việc đeo khẩu trang nơi công cộng. Nhưng cơn sốc Covid-19 đã khiến tất cả phải thay đổi.
“Các nhà lập pháp và khoa học hành vi đều bất ngờ về tốc độ thích nghi với khẩu trang của người dân,” – William nhận xét. “Thay đổi lớn nhất về nhận thức là công chúng dần chấp nhận rằng khẩu trang sẽ giúp bảo vệ người khác, thay vì chỉ riêng người đeo.”
“Dữ liệu chính xác về số ca nhiễm mà khẩu trang có thể ngăn chặn vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng lợi ích dù nhỏ thôi cũng rất đáng khi khẩu trang là phương pháp phòng dịch tốn ít chi phí nhất. Nó dễ dàng hơn so với việc giãn cách xã hội hoặc cách ly.”
Có điều, cách chống dịch của các nước đã đi theo những con đường khác.
Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã đưa khẩu trang trở thành cột trụ quan trọng trong chính sách chống dịch của mình. Chính quyền của ông tuân thủ hướng dẫn của CDC về khuyến nghị đeo khẩu trang, ban hành quy định trong các cơ quan chính phủ, và khuyến khích các trường học áp dụng.
Nhưng chính sách của ông vấp phải sự phản đối của nhiều tiểu bang. Gần nhất là Bộ Giáo dục Quốc gia phải tranh cãi quyết liệt với Sở Giáo dục Florida, về việc sở này quyết định giảm bớt ngân quỹ cho các trường đang yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc.
Ở châu Âu, khẩu trang đã trở thành điều bình thường mới ở một số nước, dù số ca nhiễm và nhập viện đều đã trong tầm kiểm soát cùng quy định nghiêm ngặt dành cho người chưa tiêm vaccine. Như Tây Ban Nha bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang trong môi trường kín – nơi không thể thực hiện giãn cách xã hội. Pháp thì mới dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời, nhưng vẫn duy trì ở môi trường kín. Còn Ý, họ yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện công cộng.
Riêng nước Anh thì khác. Dù có số ca nhiễm gia tăng liên tục từ mùa hè, họ lại không yêu cầu người dân đeo khẩu trang nữa. Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng đeo hay không là “lựa chọn của mỗi người”.
Tại sao gây tranh cãi đến thế?
Theo Ivo Vlaev, giáo sư khoa học hành vi từ ĐH Warwick, người ta đeo khẩu trang đa phần là vì “quy định ở nơi sinh sống”.
“Quy định bắt buộc sẽ cho thấy tín hiệu rằng việc đó là quan trọng,” – Williams bổ sung thêm. “Đeo khẩu trang là hành vi chịu ảnh hưởng bởi xã hội. Nhưng trong bối cảnh không còn bắt buộc nữa, người ta sẽ học nhau mà từ bỏ nó.”
Nước Anh là một ví dụ điển hình. Khi quy định tung ra vào năm 2020, người dân lũ lượt đeo khẩu trang. Nhưng con số cũng giảm mạnh ngay khi quy định được dỡ bỏ vào tháng 7/2021.
Chính phủ Anh hiện tại phải đối mặt với bài toán làm sao để khuyến khích đeo khẩu trang mà không được hậu thuẫn bởi luật pháp, trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng và mùa đông đang đến gần.
Nhiều chính khách cũng chẳng đeo khẩu trang
Sajid Javid – thư ký y tế Anh đã kêu gọi người dân đeo khẩu trang để tránh các quy tắc phòng dịch siết chặt hơn trong tương lai. Nhưng ông cũng phải thú nhận rằng công chúng khó mà tuân thủ, khi các nhà lập pháp xuất hiện mà chẳng có mảnh vào nào trên miệng cả.
“Mọi người phải học một thói quen mới – đeo khẩu trang, rồi lại phải “quên” nó đi, rồi lại phải học lại,” – Williams nhận xét. “Một thách thức lớn, vì đa số vốn sống cả đời mà không cần khẩu trang rồi.” (P/L theo CNN)