Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Khả năng có phương thức lây nhiễm mới: Lo sợ bùng phát bệnh đậu mùa khỉ


Gần đây, vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 giảm dần ở Âu Châu và Hoa Kỳ, thì một căn bệnh truyền nhiễm khác đã xuất hiện. Hàng chục trường hợp được xác nhận hoặc nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ (Monkeypox) đã xuất hiện ở hơn 10 quốc gia khác nhau. Căn bệnh này từng xuất hiện ở Phi Châu, nhưng lần này nơi nó bùng phát lại khác. Các chuyên gia lo lắng về các hình thức truyền nhiễm mới.

Đậu mùa khỉ, một loại bệnh truyền nhiễm lan rộng và đột ngột

Tính đến ngày 21/5, ít nhất 12 quốc gia, bao gồm Bắc Mỹ, Âu Châu và Úc, đã báo cáo hơn 80 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. 

Hiện tại, các trường hợp được xác nhận đã xuất hiện ở 9 quốc gia Âu Châu, bao gồm Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Bỉ, Pháp, Hà Lan, Ý và Thụy Điển, cũng như Hoa Kỳ, Canada và Úc.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong một tuyên bố vào ngày 20/5 rằng, 50 trường hợp nghi ngờ khác đang được điều tra, đồng thời cảnh báo nhiều trường hợp hơn có thể sẽ được báo cáo. Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng các đợt bùng phát gần đây là “không điển hình vì chúng xảy ra ở các quốc gia không lưu hành bệnh lý này”. 

Thông thường, bệnh đậu mùa khỉ thường xảy ra ở các vùng như Trung và Tây Phi, nơi có hàng trăm nghìn trường hợp được báo cáo mỗi năm. Tuy nhiên, hầu hết những trường hợp mới được phát hiện trong thời gian gần đây lại không liên quan gì đến Phi Châu.

Ví dụ ở Anh quốc: Trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên của Vương quốc Anh gần đây đã đến Nigeria ở Tây Phi, nhưng 20 trường hợp được xác nhận khác thì hầu như không có lịch sử du lịch đến Phi Châu.

Một chuyên gia cho biết: “Dường như virus đã xâm nhập vào cộng đồng như một dạng bệnh lây qua đường tình dục, và điều này đã làm tăng khả năng lây lan của nó trên khắp thế giới”. Hình CDC

Bà Anne Rimoin, giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng UCLA Fielding, nói với NBC News rằng, đây là đợt bùng phát đáng báo động nhất trong lịch sử bệnh đậu mùa khỉ ở Tây Bán cầu. 

Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm từ động vật do virus gây ra với các triệu chứng sau: sốt, nhức đầu, phát ban, sưng hạch bạch huyết, đau lưng, đau cơ, ớn lạnh và mệt mỏi. 

Phát ban thường bắt đầu từ 1 đến 3 ngày sau khi sốt và tập trung ở mặt (95%), tứ chi (75%), niêm mạc miệng (70%), bộ phận sinh dục (30%), kết mạc (20%), giác mạc cũng bị ảnh hưởng. Phát ban có thể khác nhau theo từng giai đoạn và có thể trông giống như bệnh thủy đậu, cuối cùng đóng vảy rồi tróc ra.

Các biến chứng của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm viêm phế quản, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc dẫn đến giảm thị lực. Mức độ nhiễm trùng không triệu chứng có thể xảy ra nhưng vẫn chưa rõ ràng.

Thời gian ủ bệnh đậu mùa khỉ thường từ 6 đến 13 ngày, nhưng có thể kéo dài 5 đến 21 ngày. Các triệu chứng tồn tại trong 2 đến 4 tuần, tỷ lệ tử vong là khoảng 3% – 6%.

Vaccine đậu mùa khỉ
Phát ban do đậu mùa khỉ có thể xuất hiện trên mặt, tứ chi và bộ phận sinh dục. Hình CDC/Getty

Đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ này có thể dẫn đến một phương thức lây nhiễm mới

Điều khiến các học giả và quan chức y tế lo lắng, không chỉ là các ca bệnh đậu mùa khỉ đang xuất hiện ở các quốc gia không lưu hành bệnh lý này, mà cách truyền nhiễm lần này có vẻ khác với những nhận thức trước đây.

Thông thường, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền sang người khi tiếp xúc gần với người hoặc động vật bị nhiễm bệnh, hoặc vật liệu nhiễm virus. Ví dụ:

  • Chạm vào tổn thương của bệnh nhân (chỗ phát ban, hoặc đóng vảy).
  • Tiếp xúc với dịch cơ thể, dịch tiết đường hô hấp của bệnh nhân.
  • Chạm vào quần áo, khăn trải giường hoặc khăn tắm mà bệnh nhân sử dụng.
  • Xung quanh có bệnh nhân đậu mùa khỉ ho hoặc hắt hơi. Nhưng trường hợp này cần tiếp xúc trực tiếp thời gian lâu mới có thể lây truyền qua các giọt bắn.

Tuy nhiên, các ca bệnh mới xuất hiện gần đây ở Âu Châu và Hoa Kỳ là nam giới trẻ, và hầu hết xảy ra ở những người đồng tính nam, lưỡng tính hoặc người nam có quan hệ tình dục đồng giới. 

Ngoài ra, trước đây bệnh đậu mùa khỉ không được ghi nhận là lây truyền qua đường tình dục.

Ông Neil Mabbott, chuyên gia y khoa tại Đại học Edinburgh, nói với Associated Press rằng, các trường hợp gần đây cho thấy một phương thức lây truyền mới tiềm ẩn – virus có thể lây truyền qua đường tình dục.

Giáo sư Keith Neal, chuyên gia về dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Nottingham, cho biết sự lây truyền cũng có thể xảy ra không phải thông qua hoạt động tình dục, mà là thông qua “tiếp xúc gần liên quan đến quan hệ tình dục.”

Trước đây chưa ghi nhận bệnh đậu mùa khỉ lây truyền qua đường tình dục. Hình CDC/Getty

Nam giới đồng tính và lưỡng tính có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao hơn?

Các khoa học gia vẫn đang nghiên cứu xem liệu đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ lần này có thực sự lây truyền qua đường tình dục hay không.

Tiến sĩ Agam Rao, một quan chức y tế tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), cho biết cần có các nghiên cứu để phân lập virus từ tinh dịch hoặc dịch tiết âm đạo, vì vậy trước khi có thể khẳng định rằng bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền qua đường tình dục thì vẫn có rất nhiều việc cần phải làm.

Tuy nhiên, theo các nghiên cứu trước đây, trong các virus lây truyền qua đường tình dục, thì quan hệ tình dục đồng tính nam, lưỡng tính và nam có quan hệ tình dục đồng giới, thực sự có nhiều khả năng gây ra sự xâm nhập của virus hơn. Và điều này phù hợp với sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ.

Theo CDC, các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở nam giới đồng tính và lưỡng tính đang có xu hướng gia tăng. Năm 2014, đồng tính nam, lưỡng tính và nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm khoảng 83% các ca bệnh giang mai ở Hoa Kỳ. 

Những nhóm này được biết là có nguy cơ cao mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục sau: human papillomavirus (HPV), HIV, giang mai, chlamydia, bệnh lậu, viêm gan B, mụn rộp sinh dục.

Những bệnh này lây lan qua quan hệ tình dục (không sử dụng bao cao su) với người bị bệnh, chẳng hạn như quan hệ tình dục bằng miệng, hậu môn, âm đạo và tiếp xúc da kề da ở bộ phận sinh dục. Những nguyên nhân khác bao gồm tiếp xúc với máu của bệnh nhân, dùng chung kim tiêm để tiêm chích ma túy, v.v.

Vì sao virus có thể xâm nhập cơ thể con người khi quan hệ tình dục? 

Lấy HIV phổ biến làm ví dụ, một nghiên cứu của Canada vào năm 2019 đã chỉ ra rằng các tế bào biểu mô của cơ thể người có thể ngăn chặn virus xâm nhập. Tuy nhiên, khi sự toàn vẹn của biểu mô niêm mạc bị phá hủy do mài mòn vật lý của ngoại lực, virus sẽ xâm nhập vào lớp dưới niêm mạc rồi lây nhiễm sang người. 

Nghiên cứu chỉ ra rằng, cơ thể con người có dễ bị virus tấn công hay không cũng liên quan đến các vị trí biểu mô khác nhau: so với cơ quan sinh sản nam và nữ, biểu mô hậu môn trực tràng có xác suất lây truyền HIV cao nhất, dao động từ 0,3% đến 5%, còn niêm mạc miệng thì thấp hơn.

Theo thống kê của CDC, nguy cơ lây nhiễm HIV ở những người có quan hệ tình dục qua đường hậu môn cao gấp 5 lần so với những người quan hệ tình dục qua đường âm đạo. 

Không chỉ hành vi quan hệ tình dục ảnh hưởng đến nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs), mà số lượng bạn tình cũng liên quan đến nguy cơ này.

Một nghiên cứu trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm (The Journal of Infectious Diseases) cho thấy, nam giới đồng tính có tỷ lệ nhiễm virus Epstein-Barr (virus herpes ở người) cao hơn đáng kể so với nam giới bình thường (39% so với 6%). Ngoài ra, những người đồng tính nam có hơn 500 bạn tình có nguy cơ nhiễm virus Epstein-Barr loại 2 cao hơn gần 10 lần so với nam giới có ít hơn 100 bạn tình. 

Các cơ quan y tế khuyến cáo

Hiện tại, mặc dù con đường truyền nhiễm của đợt bệnh đậu mùa khỉ mới lần này chưa rõ ràng, nhưng các quan chức y tế đã có động thái.

Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) khuyến cáo nam giới đồng tính, lưỡng tính hoặc nam có quan hệ tình dục đồng giới nên cảnh giác với bất kỳ vết phát ban hoặc tổn thương bất thường nào trên cơ thể, hoặc trên bộ phận sinh dục.

Hoa Kỳ cũng đã khuyến cáo các bác sĩ chú ý đến những bệnh nhân bị phát ban do đậu mùa khỉ sau khi ca bệnh đầu tiên được xác nhận. Đặc biệt là những bác sĩ điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) cần lưu ý nhiều hơn.

Hiện tại, không có vaccine đặc hiệu chống lại bệnh đậu mùa khỉ, nhưng vaccine đậu mùa cung cấp khả năng bảo vệ ít nhất 85% vì hai loại virus rất giống nhau. Ngoài ra, một loại thuốc kháng virus được sử dụng để điều trị bệnh đậu mùa cũng đã được chấp thuận cho bệnh đậu mùa khỉ.

Các quốc gia như Vương quốc Anh và Tây Ban Nha đã mua vaccine để đối phó với đợt bùng phát lần này. (T/H, ETV)