Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Kế hoạch 5 năm tới của Trung Quốc: Cố gắng tự chủ trước nguy cơ bị cô lập

Giới chức Trung Quốc đã bắt đầu soạn thảo kế hoạch phát triển kinh tế, chính trị, xã hội 5 năm lần thứ 14 giai đoạn 2021-2025, trong đó nhấn mạnh tới việc đối phó với sự cô lập từ Mỹ. Theo đó, Trung Quốc dự kiến sẽ dựa nhiều hơn vào nền kinh tế trong nước để giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ trong thế giới hậu virus corona.

Làm thế nào Trung Quốc có thể tồn tại và phát triển khi đối mặt với sự cô lập từ Mỹ? Trung Quốc cần làm gì để đưa đất nước phát triển trong giai đoạn tiếp theo? Và Bắc Kinh nên tập trung nguồn lực vào đâu để biến “mộng Trung Hoa” thành hiện thực?

Đó là những câu hỏi lớn mà giới chức Trung Quốc đang cân nhắc khi nước này bắt đầu phác thảo kế hoạch 5 năm mới với các mục tiêu kinh tế và chính trị quan trọng trong giai đoạn 2021 đến 2025.

Trở nên tự chủ hơn

Theo các nhà nghiên cứu đang tham gia vào việc hoạch định chính sách mới, Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng mâu thuẫn sâu sắc. Vì vậy, kế hoạch mới có khả năng phản ánh sự thay đổi trong cách ứng phó của Bắc Kinh trong một hệ thống toàn cầu gia tăng đối đầu.

Mặc dù phiên bản cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ 14 sẽ không được công bố cho đến tháng 3 năm 2021, thì các nghiên cứu và thảo luận sơ bộ cho thấy Trung Quốc sẽ cố gắng trở nên tự chủ hơn bằng cách cắt giảm sự phụ thuộc vào Mỹ đối với chuỗi cung ứng và xuất khẩu công nghệ.

Đồng thời, Trung Quốc sẽ thúc đẩy các chính sách để duy trì vai trò trung tâm trong chuỗi cung toàn cầu, đặc biệt là với các nước châu Á và châu Âu, cũng như đối phó với nguy cơ bị cô lập.

Đại dịch COVID-19 đã “ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế, chính trị và an ninh quốc tế,” theo Xie Fuzhan, người đứng đầu Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), tổ chức nghiên cứu chính phủ tại Bắc Kinh có liên quan tới việc hoạch định các chính sách mới.

Mặc dù không trực tiếp nêu tên Mỹ, ông Xie cho biết “một vài quốc gia giàu có” đã cố gắng lảng tránh trách nhiệm và đổ lỗi cho người khác vì những vấn đề của họ, nhấn mạnh rằng “chính sách bảo hộ và đơn phương của họ khiến nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ tan rã.”

Theo một nhóm nghiên cứu của CASS, khi thế giới đang được chứng kiến những thay đổi không giống bất cứ điều gì “trong 100 năm qua,” thì hệ thống quản trị tập trung của Trung Quốc do Đảng Cộng sản lãnh đạo, đã chứng tỏ được lợi thế của mình. Hệ thống sản xuất hoàn chỉnh và thị trường nội địa rộng lớn của Trung Quốc cũng là một lợi thế.

“Tại Trung Quốc, nhóm người thu nhập trung bình vào khoảng từ 500 đến 700 triệu người, và chỉ riêng nguồn đó thôi cũng đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước trong 5 năm tới,” nhóm nghiên cứu viết. 

Ý tưởng về việc Trung Quốc có thể độc lập phát triển đã được thông qua trong cuộc họp Bộ Chính trị gần đây nhất do Chủ tịch Tập Cận Bình – người có thể lãnh đạo Trung Quốc quá năm 2025 – chủ trì.

Ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ sử dụng “mô hình phát triển mới” bao gồm “cả vòng tròn kinh tế lớn trong nước và quốc tế,” thay vì chỉ dựa vào thị trường nước ngoài. 

Một mặt, Trung Quốc sẽ không từ bỏ thị trường quốc tế, nhưng mặt khác, Bắc Kinh sẽ ngày càng nghiêng về tăng cường năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa khổng lồ.

Xu hướng này đã được thể hiện rõ trong kế hoạch “Hướng tây” mới được công bố gần đây, theo đó, Trung Quốc sẽ tập trung đầu tư phát triển kinh tế ở các khu vực phía tây đất nước để bù đắp thiệt hại cho các tỉnh phía đông bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Tăng cường phát triển công nghệ, giảm thiểu công nghệ nhập khẩu

Một lĩnh vực quan trọng khác mà Trung Quốc đặt mục tiêu “đột phá” trong kế hoạch 5 năm tới là công nghệ. 

Việc Washington cấm các sản phẩm của Huawei và hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh phải tìm cách giảm thiểu sự phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu. 

Theo đó, kế hoạch mới của Trung Quốc dự kiến sẽ tập trung nguồn lực toàn quốc nhằm tăng cường đổi mới công nghệ và giải quyết các nút thắt, thúc đẩy đầu tư lớn hơn cho các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao trong nền kinh tế.

Các kế hoạch nâng cao chuỗi giá trị, đặc biệt là chiến lược công nghiệp “Made in China 2025” sẽ nằm trong chiến lược 5 năm.

Áp dụng mô hình kế hoạch 5 năm do Liên Xô khởi xướng, Bắc Kinh đã biến “phiên bản Trung Quốc” thành một kế hoạch chính sách tinh vi và bao trùm hàng chục chỉ số kinh tế và xã hội được định lượng. Hệ thống lập kế hoạch của Trung Quốc đã ưu tiên tăng trưởng kinh tế từ năm 1981. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Trung Quốc là một trong những nền kinh tế còn lại trên thế giới vẫn sử dụng kế hoạch 5 năm để định hướng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.

Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc, giai đoạn 2016 – 2020, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đã đặt ra 25 mục tiêu chính cho tăng trưởng, đổi mới, phúc lợi và môi trường, trong đó nhấn mạnh 13 mục tiêu phải đạt được, bao gồm xóa đói giảm nghèo và diện tích đất trồng trọt tối thiểu.

Một đánh giá “giữa kỳ” vào năm 2018 cho thấy 4 mục tiêu đã bị trễ, bao gồm chi phí nghiên cứu và phát triển, và chất lượng nước. 

Tuy nhiên, sự bùng phát của virus corona đã đặt các mục tiêu quan trọng nhất, bao gồm tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế từ năm 2010 đến 2020, có nguy cơ không thành hiện thực. Trong quý đầu tiên năm nay, kinh tế Trung Quốc đã giảm 6,8%, không còn hy vọng để đạt được mức tăng thu nhập bình quân đầu người tối thiểu là 6,5% trong năm nay.

Ding Shuang, một nhà kinh tế tại Ngân hàng Standard Chartered, cho biết mục tiêu tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế có ý nghĩa chính trị quan trọng, vì đây là thước đo để xem liệu Bắc Kinh có thực hiện lời hứa với người dân hay không.

Michael Pettis, giáo sư tài chính tại trường Quản lý Guanghua thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết kế hoạch tập trung “sẽ khó đạt được khi nền kinh tế Trung Quốc đã đạt đến mức độ bão hoà nhất định.”

“Điều cần thiết là thực hiện những cải cách về thể chế, cho phép người dân Trung Quốc trở nên năng suất hơn… Mỗi doanh nhân nên được thực hiện kế hoạch của riêng mình,” ông cho hay. Theo SCMP (T/T)