Ít người tiêm vắc-xin có thể gây làn sóng Covid-19 thứ ba tại Úc
Chính phủ Úc đang đối mặt sức ép từ các doanh nghiệp và trường đại học về mở cửa biên giới. Tuy vậy, các chuyên gia y tế nước này lo ngại việc mở cửa khi mới chỉ có ít người tiêm vắc-xin Covid-19 có thể sẽ gây ra làn sóng dịch thứ 3.
Trong bối cảnh một số doanh nghiệp và trường đại học của Úc mong muốn chính phủ nước này mở cửa biên giới quốc tế, nhiều chuyên gia y tế của nước này lên tiếng cảnh báo về việc mở cửa biên giới sớm. Giáo sư Fiona Russell, cố vấn vắc-xin của Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, Úc chỉ có thể đạt được miễn dịch cộng đồng để có thể mở cửa biên giới mà vẫn đảm bảo sự an toàn khi có từ 60 đến 85% người dân tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm giáo sư Robert Booy của Đại học Sydney cho biết, Úc cần ít nhất từ 70 đến 80% dân số tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mới có thể tự tin về khả năng sẽ có ít người bị bệnh khi làn sóng thứ 3 xuất hiện. Giáo sư Robert Booy cho hay mặc dù Úc có tỷ lệ người bị Covid-19 rất thấp song nếu tỷ lệ tiêm vắc-xin không cao thì Úc sẽ khó có thể đạt được mục tiêu bảo vệ lâu dài mà thay vào đó sẽ phải tiếp tục làm đi làm lại”.
Giáo sư Nancy Baxter, người đứng đầu Trường Dân số và sức khỏe toàn cầu Melbourne cũng cho hay, cho dù tỷ lệ chết vì Covid-19 có thể giảm khi những người có nguy cơ cao nhất đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 thì vẫn không thể ngăn làn sóng thứ 3 của Covid-19 cùng với những người khác thiệt mạng khi mở cửa biên giới quá sớm. Giáo sư Baxter dự báo, có thể khi đó bệnh viện sẽ phải đóng cửa vì quá tải và các phòng cấp cứu chật kín những người trong độ tuổi 40.
Giáo sư Sharon Lewin, Giám đốc Viện nghiên cứu Doherty cho rằng, khi Úc có từ khoảng 70-80% dân số tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 thì có thể tính đến khả năng cho những người đã tiêm vắc-xin đi tới các nước rủi ro thấp và cách ly tại nhà khi quay trở lại Úc.
Úc từng đặt kế hoạch đến tháng 10/2021 sẽ hoàn thành việc tiêm chủng cho người dân song do việc nhập khẩu vắc-xin từ nước ngoài bị chậm trễ và người dân chưa thực sự tin tưởng vào vắc-xin khiến cho tiêm chủng diễn ra chậm hơn nhiều so với dự kiến. Trong bối cảnh này, chính phủ Úc dự báo nước này sẽ đóng cửa biên giới ít nhất là đến giữa năm 2022./. (VOV)