Hộp đen máy bay là gì và tại sao cần tìm nó sau khi máy bay gặp nạn?
Sau mỗi tai nạn máy bay, hộp đen là một trong số những vật quan trọng mà đội cứu hộ cần tìm thấy, bởi nó nắm giữ đầu mối về nguyên nhân gây ra thảm kịch.
Hôm 9/1, chiếc máy bay Boeing 737-500 của hãng hàng không Indonesia Sriwijaya Air, mang số hiệu SJ182, đã biến mất khỏi màn hình radar chỉ 4 phút sau khi cất cánh từ Jakarta để đi Pontianak ở tỉnh Tây Kalimantan hôm 9/1 vừa qua.
Các nhà chức trách nước này cho biết, máy bay chở theo 50 hành khách (trong đó có 7 trẻ em và 3 trẻ sơ sinh) và 12 thành viên phi hành đoàn, tất cả đều là người Indonesia, trên máy bay gặp nạn.
Nguồn tin từ CNN cho biết, địa điểm máy bay rơi là quần đảo Thousands ở vùng biển phía Bắc Jakarta.
Theo thông tin được người đứng đầu lực lượng tìm kiếm và cứu hộ Basarnas, Bagus Puruhito nói với MetroTV trong một cuộc phỏng vấn hôm nay (10/1), các nhà chức trách tìm kiếm chiếc máy bay Sriwijaya Air Boeing 737 gặp nạn đã thu được tín hiệu có thể được phát ra từ hộp đen của máy bay.
Việc tìm thấy và phân tích hộp đen sẽ cung cấp cho chúng ta những thông tin quý giá về nguyên nhân gây ra vụ việc. Cơ trưởng, cơ phó thời điểm đó đã làm những gì, nói những gì, tình trạng của máy bay khi đó ra sao,… sẽ đều được tiết lộ từ những dữ liệu từ chiếc “hộp đen”.
Hộp đen máy bay là gì?
Hộp đen là một chiếc hộp có kích thước khoảng 20 cm x 30 cm. Tên gọi của chiếc hộp thực chất không phải để nói về màu sắc của nó.
Thiết bị này thực chất có màu cam – màu sắc được dùng để các đội cứu hộ có thể tìm thấy dễ dàng hơn nếu máy bay xảy ra tai nạn.
Hộp đen trên máy bay là thiết bị lưu trữ những thông tin quan trọng về dữ liệu của chuyển bay, bao gồm 2 thiết bị khác nhau: đó là Máy ghi âm buồng lái (CVR) và Máy ghi dữ liệu chuyến bay (FDR), hoạt động liên tục và sử dụng điện từ động cơ máy bay.
Để đảm bảo hộp đen có duy trì hoạt động phát tín hiệu khi tách khỏi máy bay, người ta đã chuẩn bị sẵn nguồn năng lượng phụ nhất định cho thiết bị này.
Được xem như là “nhân chứng” cuối cùng của vụ việc, thế nên hộp đen cũng được bảo vệ cực kỳ cẩn thận để có thể tồn tại qua bất cứ sự phá huỷ nào, chẳng hạn như vụ nổ máy bay.
Trong trường hợp máy bay gặp nạn, thiết bị báo tín hiệu trên hộp đen sẽ gửi đi sóng siêu âm. Thông thường, hộp đen có thể chịu được nhiệt độ cao tới 1.100 độ C trong 30 phút liên tục, và ngâm dưới độ sâu lên tới 6.100m trong 30 ngày. Hộp đen cũng được gắn thiết bị đèn hiệu báo vị trí dưới nước để đội cứu hộ dễ dàng tìm kiếm.
Thiết bị báo tín hiệu có khả năng phát các sóng siêu âm mỗi giây một lần và liên tục trong khoảng thời gian này. Đây chính là thời gian các đội tìm kiếm hộp đen phải tận dụng nhằm xác định ra chúng, trước khi mất hoàn toàn khả năng tìm kiếm.
Tại sao phải tìm kiếm hộp đen sau khi máy bay gặp nạn?
Như đã đề cập bên trên, việc tìm thấy và phân tích hộp đen sẽ cung cấp cho chúng ta những thông tin quý giá về nguyên nhân gây ra vụ việc.
Sau khi tìm thấy hộp đen, các nhà điều tra sẽ cần khoảng 2 hoặc 3 ngày để phân tích các bản ghi âm. Khi đó, chúng ta sẽ biết được nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn và đưa ra các khắc phục những điểm thiếu sót để phòng ngừa những tai nạn máy bay có thể xảy ra trong tương lai.
Hiện nay mới chỉ vài quốc gia trên thế giới có trình độ công nghệ để thực hiện việc này, gồm Mỹ, Canada, Australia, Anh và Pháp.
Ngày này, với trình độ khoa học phát triển, mạng truyền thông qua sóng vệ tinh hoàn toàn có thể thu nhận và lưu trữ dữ liệu của hầu hết các chuyến bay trên khắp thế giới.
Nhưng không nhiều hãng hàng không sử dụng dịch vụ này do chi phí quá đắt mà tai nạn máy bay hiếm khi xảy ra. Do vậy, hộp đen máy bay vẫn là sự lựa chọn của nhiều hãng hàng không. (S/S)