Hơn 80% rạn san hô trên toàn cầu trắng xóa, báo động về các đợt tẩy trắng nghiêm trọng nhất trong lịch sử
Các nhà khoa học cảnh báo hiện tượng tẩy trắng san hô nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận hiện nay đang đẩy các rạn san hô trên toàn thế giới vào tình trạng báo động đỏ.

Theo dữ liệu mới nhất từ tổ chức Coral Reef Watch thuộc chính phủ Mỹ, kể từ tháng 1/2023, các rạn san hô tại ít nhất 82 quốc gia và vùng lãnh thổ đã chịu mức nhiệt đủ để chuyển sang màu trắng – dấu hiệu rõ rệt của việc bị tẩy trắng.
San hô, thường được ví như “rừng mưa nhiệt đới dưới đại dương”, là nơi cư trú của khoảng 1/3 số loài sinh vật biển và là nguồn sống cho hơn một tỷ người trên thế giới.
Tuy nhiên, dưới làn nước tưởng như yên bình, nhiệt độ đại dương đang âm thầm tăng vọt đến mức kỷ lục, như một “đám cháy ngầm” lan rộng, âm thầm nhưng để lại những vết thương khó lành. Hệ quả là hàng loạt rạn san hô tại Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương đang bị hủy diệt trên diện rộng, kéo theo những hệ lụy sinh thái nghiêm trọng chưa từng có.
Hiện nay, khoảng 84% diện tích rạn san hô trên thế giới đã và đang chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng tẩy trắng – mức cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử bốn đợt sự kiện tẩy trắng san hô toàn cầu. Con số này bỏ xa các mốc trước đó – đợt thứ ba (2014–2017) là 68%, đợt thứ hai (năm 2010) là 37%, và đợt đầu tiên (năm 1998) chỉ mới 21%.

Tiến sĩ Derek Manzello, Giám đốc Coral Reef Watch, cảnh báo rằng, ngay cả những khu vực từng được coi là “vùng trú ẩn nhiệt” như Raja Ampat (Indonesia) hay vịnh Eilat (biển Đỏ) cũng không thể tránh khỏi hiện tượng tẩy trắng trong đợt nóng lần này – cho thấy tình trạng của các rạn san hô đang bước vào giai đoạn cực kỳ báo động.
“Những khu vực vốn được xem là ít bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nay cũng đang chịu tác động nghiêm trọng, cho thấy không còn nơi nào trên hành tinh này miễn nhiễm với hiện tượng tẩy trắng”, Tiến sĩ Manzello nhận định.
Tại Úc, tình hình cũng không khả quan hơn. Rạn san hô Great Barrier Reef – rạn lớn nhất thế giới – mới đây đã trải qua đợt tẩy trắng quy mô lớn thứ sáu chỉ trong vòng 9 năm, theo thông báo từ giới chức trách.
Trong khi đó, rạn Ningaloo, một di sản thế giới khác tại Tây Úc, cũng vừa trải qua mức nhiệt kỷ lục kéo dài nhiều tháng.
Không chỉ riêng Thái Bình Dương, các nhà khoa học bên kia Ấn Độ Dương cũng ghi nhận tình trạng tẩy trắng san hô tại khu vực ngoài khơi Madagascar và bờ biển Đông Phi, bao gồm cả công viên đất ngập nước iSimangaliso – một di sản thế giới của Nam Phi.
Tiến sĩ Britta Schaffelke, thuộc Viện Khoa học biển Australia và là điều phối viên Mạng lưới giám sát rạn san hô toàn cầu (GCRMN), gọi đây là một sự kiện “chưa từng có tiền lệ”. Bà nhấn mạnh, “các rạn san hô chưa bao giờ phải hứng chịu áp lực khốc liệt đến thế. Hiện tượng tẩy trắng diễn ra với cường độ và tốc độ vượt ngoài khả năng theo dõi của các nhà khoa học”.
“Nỗi đau này” không chỉ được ghi nhận qua các con số, mà còn hiện hữu một cách dai dẳng và ám ảnh trong lòng những người đã dành cả cuộc đời mình để quan sát, gìn giữ và mưu sinh từ hệ sinh thái rạn san hô. “Với những người thường xuyên lặn biển, mỗi ngày họ đều chứng kiến đại dương thay đổi – một cách im lặng nhưng tàn khốc”, Tiến sĩ Schaffelke nói thêm. (T/H, TGVN)