Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Hơn 3 tỷ người trên thế giới sẽ “chết nóng” trong vòng 50 năm tới

Nếu trái đất tiếp tục ấm lên với tốc độ như hiện tại, trong 50 năm tới, có tới 3 tỷ người phải sống trong môi trường nóng vượt quá ngưỡng chịu đựng, một nghiên cứu mới cho biết.

Thông tin trên vừa được nhóm nghiên cứu quốc tế bao gồm các nhà khảo cổ học, nhà sinh thái học và nhà khoa học khí hậu từ Trung Quốc, Mỹ và châu Âu công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences. 

Theo CNN, trong hàng ngàn năm, con người đã sống trong môi trường có mức nhiệt độ trung bình phù hợp để phát triển xã hội, trồng cây lương thực và chăn nuôi gia súc. Nhưng trong tương lai gần, nhiệt độ trái đất tăng lên sẽ khiến môi trường biến đổi nhanh chóng. Nhiều nơi sẽ trở nên quá nóng, vượt quá ngưỡng chịu đựng của con người.

Nghiên cứu mới chỉ ra rằng trái đất ngày càng trở nên nóng hơn vì hiệu ứng nhà kính. Theo kịch bản, nếu lượng phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng, nhiệt độ tại các khu vực có người sinh sống sẽ tăng 7,5°C vào năm 2070. Con số đó cao hơn mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dự kiến là hơn 3°C. Nguyên nhân do đất liền sẽ nóng nhanh hơn nhiều so với đại dương, thêm vào đó, sự gia tăng dân số thiên về những nơi vốn đã nóng từ trước. 

Với tốc độ như hiện nay, đến năm 2070, 19% diện tích đất đai trên toàn cầu trở nên nóng quá mức, hơn 3 tỷ người sẽ sống ở môi trường nóng hơn nhiều so với môi trường mà con người từng sống suốt 6.000 năm qua. Trong đó có các khu vực như Cận Sahara, Nam Mỹ, Ấn Độ, Đông Nam Á, bán đảo Ả Rập, Australia.

Ngoài ra, cứ 1°C nhiệt gia tăng, sẽ có 1 tỷ người hoặc phải chuyển đến nơi mát mẻ hơn, hoặc phải tìm cách tự thích nghi với cái nóng. Theo Tim Kohler, nhà khảo cổ học từ Đại học Washington và cũng là đồng tác giả nghiên cứu, đây có thể xem là tình cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra, nếu chúng ta không sớm thay đổi. 

Tuy nhiên, hy vọng vẫn còn đó. Các chuyên gia cho biết, việc giảm thiểu lượng khí thải carbon có thể giúp giảm phân nửa số người chịu ảnh hưởng. Ngoài ra, nghiên cứu còn một số dữ kiện không chắc chắn về mặt khí hậu, nên cũng không thể dự báo chính xác khả năng di cư của loài người trong tương lai. Hơn nữa, số liệu được đưa ra có thể nói là viễn cảnh tồi tệ nhất. Nếu xét thêm các yếu tố về chính trị, công nghệ và tình hình kinh tế – xã hội, mọi thứ có thể sẽ khác. 

“Viễn cảnh tồi tệ nhất có thể tránh được nếu các quốc gia cắt giảm hiệu quả khí thải nhà kính. Các quốc gia cũng cần có các biện pháp hiệu quả đối phó với ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với đời sống xã hội”, nhà nghiên cứu Chi Xu cho biết. (P/L)