Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Học cách chấp nhận để hạnh phúc hơn

Tại sao chấp nhận là sự rèn luyện khó nhất và quan trọng nhất?

Học cách chấp nhận
Hiện thực có thể tàn nhẫn, nhưng chối bỏ nó là một hành động tự ảo tưởng. Chấp nhận là cách giải quyết, là bước đầu tiên để tạo ra điều tốt hơn. (Hình: Lolostock/Shutterstock)

Hiện tại, có một điều vô cùng khó khăn đang xảy ra trong cuộc sống của tôi. Tất nhiên, tôi ước rằng nó sẽ không tồn tại, nhưng điều ước đó chẳng thể thay đổi được hiện thực. 

Vẫn luôn là như vậy: Chiến đấu với thực tế và cuối cùng bị thực tế đánh bại.

Và vì vậy tôi nghĩ ra rằng có thể đây là một thời điểm tốt để học cách chấp nhận.

Khi nghiên cứu về một ý tưởng hay một kinh nghiệm, tôi thích bắt đầu với điều gì không phải là chúng. Trong trường hợp này, đâu là những lầm tưởng và hiểu sai về sự chấp nhận đang cản trở chúng ta thực hiện nó?

Lầm tưởng thứ nhất: Chúng ta ổn và đồng tình với điều đang diễn ra. 

Hiểu nhầm lớn nhất về sự chấp nhận: nó có nghĩa là chúng ta ổn với điều mình đang phải đối mặt, rằng theo một cách nào đó chúng ta chấp nhận tình huống mà mình không muốn xảy ra.

Thực tế: Sự chấp nhận không đòi hỏi phải đồng tình.

Chấp nhận thực tế không có nghĩa là bây giờ chúng ta mong muốn những điều ta không muốn. Nó không bao hàm việc cảm thấy tốt hoặc nhẹ nhàng với điều chúng ta đang phải đối mặt. Nó không có nghĩa là bây giờ chúng ta đồng tình với thực tế đó.

Lầm tưởng thứ hai: Chấp nhận thực tế nghĩa là ngừng cố gắng thay đổi.

Chúng ta tin rằng sự chấp nhận đồng nghĩa với việc đồng ý một cách thụ động và từ bỏ mọi nỗ lực để thay đổi tình hình. Sự chấp nhận đang biểu thị rằng chúng ta đồng thuận để tình hình này kéo dài mãi. Điều mang tính quyết định là chúng ta đang “kéo chăn qua đầu” không quản nữa.

Thực tế: Chấp nhận thực tế không có nghĩa là ngừng nỗ lực thay đổi.

Sự chấp nhận không có nghĩa là chúng ta từ bỏ việc thay đổi thực tại. Sự chấp nhận liên quan đến thời điểm hiện tại, chứ không phải tương lai. Hơn nữa, chấp nhận không phải là một hành động thụ động, mà là một hành động khôn ngoan. Nghĩa là chúng ta chấp nhận bắt đầu nỗ lực từ hoàn cảnh hiện tại và suy xét xem điều này thật sự là gì.

Lầm tưởng thứ ba: Chấp nhận là thất bại.

Chúng ta thường được giáo dục, những người hiền lành, kẻ thua cuộc mới phải chấp nhận thực tế. Đó là điều chúng ta phải chịu khi gặp thất bại. Chúng ta xem sự chấp nhận là một lựa chọn khi không còn lựa chọn nào khác, một kết thúc chán nản cho một trận chiến mà ta đã thua.

Thực tế: Sự chấp nhận không phải là một hành động thất bại.

Sự chấp nhận, với nhận thức đúng đắn, có thể được coi là một hành động can đảm. Nó dành cho những người có đủ sức mạnh để đối diện với sự thật và ngừng việc phủ nhận nó. Nó có thể là bước đầu tiên trong quá trình thành công và thay đổi thực sự.

Vậy nếu không có những lầm tưởng này, thì chúng ta sẽ gọi sự chấp nhận là gì?

Có thể hữu ích khi sử dụng một từ khác. Thay vì tự hỏi: “Mình có thể chấp nhận điều này không?”, ta nên nghĩ: “Mình có thể thoải mái với điều này không?” Hoặc là, “Mình có thể sống chung với điều này một cách bình thường không?” Hay, “Mình có thể đồng ý với tình hình hiện tại chứ?” Những lời này khiến chúng ta cảm thấy khả thi hơn khi nghĩ về sự chấp nhận. Bởi vì thực tế là, có điều gì đó trong chúng ta không bao giờ hoàn toàn chấp nhận hoặc cảm thấy ổn với những gì chúng ta không muốn, và điều đó cũng bao hàm trong quá trình này.

Thoải mái với điều đó có nghĩa là chúng ta cũng cảm thấy thoải mái với phần đang kêu gào phản đối trong chúng ta.

Nó nghĩa là chúng ta tạo ra không gian cho phần không chấp nhận bên trong mình. Chúng ta cùng lúc chấp nhận thực tế và đồng thời từ chối nó một cách gay gắt. Chúng ta không đòi hỏi bản thân phải loại bỏ sự phản kháng; sự phản kháng đó là người bạn của ta. Nó ở đó để bảo vệ ta khỏi những điều ta không muốn. Vậy nên chúng ta chấp nhận và cho phép xảy ra hoàn cảnh tiêu cực và cả sự ghét bỏ nó.

Thứ hai, chấp nhận là thừa nhận rằng tình huống này thực sự đang xảy ra. Đó không phải nói rằng chúng ta thích nó, đồng thuận với nó, hoặc sẽ ngừng cố gắng thay đổi nó, đơn giản chỉ là chúng ta đang chấp nhận rằng đó là những gì đang có. Yếu tố chính của sự chấp nhận là cởi mở với thực tế đang diễn ra, chứ không phải cách chúng ta cảm nhận về nó. Sự chấp nhận nghĩa là chúng ta sẵn sàng nhẫn chịu một tình huống khó chịu.

Trong trường hợp của tôi, với tình huống mà tôi phải đối mặt, tôi đang tập thư giãn với thực tế là tôi chẳng có cách giải quyết nào cho hoàn cảnh khó khăn này. Tôi chấp nhận tình huống này, mặc dù tôi mong nó sẽ khác đi và hiện tại tôi không biết làm thế nào để biến điều đó thành hiện thực.

Điều hài hước là việc chúng ta từ chối chấp nhận một tình huống thường liên quan đến một cuộc đấu tranh chống lại thực tế. Chúng ta từ chối chấp nhận điều đang diễn ra. Dưới góc độ này, thì sự từ chối chấp nhận thực tế có một chút điên rồ.

Khi thực hành chấp nhận, chúng ta chỉ nói: “Đúng, điều này đang diễn ra.” Chính là nó. Và nghịch lý thay, điều đó lại giải phóng chúng ta để bắt đầu thay đổi hoàn cảnh hoặc thay đổi bản thân khi đối mặt với tình huống ấy.

Giống như một người bạn tốt từng nói, hoàn cảnh thay đổi hoặc bạn thay đổi, dù sao thì sự thay đổi cũng sẽ xảy ra.

Chúng ta hao phí quá nhiều năng lượng cho việc đấu tranh với thực tế đến mức chúng ta không sử dụng năng lượng và mục tiêu của mình vào việc chúng ta có thể làm gì với nó. Chúng ta mắc kẹt trong một cuộc tranh cãi với vũ trụ. Sự chấp nhận cho phép chúng ta ít nhất là bắt đầu làm bất kỳ điều gì chúng ta có thể làm từ hoàn cảnh hiện tại.

Sự chấp nhận là một bước tiến sâu sắc và mạnh mẽ trong quá trình trưởng thành và phát triển. Nó đòi hỏi lòng can đảm để thành thật với hoàn cảnh của bản thân. Sự chấp nhận đòi hỏi quyết tâm để cảm nhận điều gì là chân thực. Điều này có thể vô cùng đau đớn, nhưng nó hữu ích hơn nhiều so với việc trốn tránh những cảm xúc như vậy bằng cách phủ nhận thực tế.

Khi thực hành chấp nhận, gồm cả chữ “không” ban đầu, chúng ta đang cho phép mình thực sự tham gia vào cuộc sống của mình, để trải nghiệm khoảnh khắc hiện tại như nó vốn là như vậy. Chúng ta cho phép mình ngừng đấu tranh với thực tại, điều mà chúng ta thấy thật mệt mỏi và vô ích.

Sự chấp nhận là phản trực giác nhưng lại cực kỳ khôn ngoan. Khi chúng ta sẵn sàng nói: “Phải, đây là cách nó diễn ra dù mình có muốn nó hay không,” có điều gì đó nguyên sơ trong chúng ta được thư giãn. Chúng ta có thể thoải mái thở ra; trò lừa bịp mà chúng ta tạo ra cuối cùng đã kết thúc.

Điều hài hước là, chúng ta gần như luôn biết điều gì là chân thực và chỉ đang tự đánh lừa chính mình với sự không chấp nhận. Sự chấp nhận cho phép chúng ta sống thật với chính mình, cùng đồng hành với bản thân.

Khi chúng ta có thể nói rằng tôi chấp nhận cách điều này diễn ra – ngay cả khi tôi ghét nó và không biết phải làm gì với tình huống đó – thì ít nhất ta có thể đối diện với sự thật, mà cuối cùng thì nó khiến ta yêu thương trân trọng bản thân, can đảm và mạnh mẽ nhất để tạo ra cuộc sống của chính mình. (ETV)