Thursday, January 23, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Hình/Video: Cảnh tượng tráng lệ của siêu trăng mùa gặt trên khắp thế giới


Kể từ đêm Trung thu, ngày 17/9 (giờ Úc), những người yêu thiên văn trên khắp thế giới có cơ hội chiêm ngưỡng một trong những sự kiện thiên văn ấn tượng nhất trong năm: Siêu trăng mùa gặt kết hợp với nguyệt thực nửa tối. Đây là dịp hiếm hoi khi 2 hiện tượng thiên nhiên này cùng xảy ra, tạo nên một cảnh tượng siêu thực rất đặc biệt và hấp dẫn.

Siêu trăng diễn ra vào đêm 17/9, trùng với đêm Trung thu. Hình NASA
VIDEO: Siêu trăng cùng với nguyệt thực một phần cùng xuất hiện, thu hút sự chú ý của người yêu thiên văn trên khắp thế giới. Nguồn The Guardian

Siêu trăng là hiện tượng khi trăng tròn xuất hiện gần nhất với trái đất trong quỹ đạo elip của thiên thể này, khiến mặt trăng trông to hơn và sáng hơn bình thường. Siêu trăng tháng 9 năm nay trùng với “trăng mùa gặt” – bởi xuất hiện gần với thời điểm người nông dân thu hoạch mùa màng.

Theo NASA, hiện tượng siêu trăng mùa gặt đạt đỉnh vào lúc 12 giờ 35 phút trưa 18/9 (theo giờ Úc), và sẽ kéo dài trong khoảng 3 ngày cho đến sáng 19/9.

Siêu trăng xuất hiện trước thời điểm nguyệt thực tại cồn cát Samalayuca ở ngoại ô Ciudad Juarez, Mexico, ngày 17/9/2024. (Ảnh: Reuters)

Siêu trăng cùng với nguyệt thực một phần xuất hiện trên bầu trời thành phố cổ Jerusalem, ngày 18/9/2024. (Ảnh: EPA)

Siêu trăng mùa gặt trên bầu trời San Diego, California, Mỹ, ngày 17/9/2024. (Ảnh: Reuters)

Sự kiện này không chỉ mang ý nghĩa thiên văn mà còn có giá trị văn hóa to lớn. Ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và cả Việt Nam, trăng mùa gặt cũng gắn liền với các lễ hội truyền thống như Tết Trung thu hay Chuseok, khi người dân sum họp gia đình và tôn vinh mùa màng bội thu.

Thành viên nhóm thiên văn học Dubai quan sát nguyệt thực một phần và siêu trăng qua thiết bị tại Abu Dhabi, UAE, ngày 18/9/2024. (Ảnh: The National)

Tháp Điện Kremlin nổi bật với nền siêu trăng kết hợp cùng nguyệt thực một phần, Moskva, Nga, ngày 18/9/2024. (Ảnh: Reuters)

Nguyệt thực một phần được quan sát tại cồn cát Samalayuca ở ngoại ô Ciudad Juarez, Mexico, ngày 17/9/2024. (Ảnh: Reuters)

Ngoài sự rực rỡ của siêu trăng, người yêu thích thiên văn còn được chứng kiến một hiện tượng thiên văn khác là nguyệt thực nửa tối.

Khác với nguyệt thực toàn phần, nguyệt thực nửa tối xảy ra khi mặt trăng đi qua vùng bóng nửa tối của trái đất. Điều này làm cho ánh sáng của mặt trăng bị giảm nhẹ, tạo nên một sắc tối mờ ảo mà chỉ những người quan sát kỹ mới có thể nhận ra.

Nguyệt thực một phần được quan sát rõ trên đỉnh tháp Điện Kremlin và tòa nhà trụ sở Bộ Ngoại giao Nga, Moskva, Nga, ngày 18/9/2024. (Ảnh: Reuters)

Nguyệt thực một phần ở San Nicolas de los Garza, Mexico, ngày 17/9/2024. (Ảnh: Reuters)

Siêu trăng mùa gặt xuất hiện trên ngọn hải đăng ở Scituate, Massachusetts, Mỹ, ngày 17/9/2024. (Ảnh: Reuters)

Mặt trăng mọc phía sau cầu Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 17/9/2024. (Ảnh: Reuters)

Tính theo giờ Việt Nam, nguyệt thực bắt đầu từ lúc 7 giờ 41 phút sáng 18/9 và đạt đỉnh vào khoảng 9 giờ 44 phút, khi phần mờ nhất của bóng trái đất che phủ khoảng 4% bề mặt mặt trăng.

Dù chỉ là một phần nhỏ, sự thay đổi này vẫn mang lại nét huyền bí cho bầu trời đêm, kết hợp cùng ánh sáng rực rỡ của siêu trăng. Hiện tượng này có thể được quan sát thấy ở châu Mỹ, châu Âu và châu Phi, cũng như một phần nhỏ ở châu Á và Trung Đông.

Tiếc rằng, nhật thực một phần sẽ không thể quan sát được ở Úc vì nó diễn ra vào giữa trưa Thứ Tư khi mặt trăng không ở trên bầu trời của chúng ta.

Siêu trăng nhìn từ Caracas, Venezuela. (Ảnh: Getty Images)

Siêu trăng trên bầu trời Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Quan sát siêu trăng ở Indonesia. (Ảnh: Getty Images)

Chiếc máy bay xuất hiện với nền siêu trăng phía sau trên bầu trời Toronto, Canada. (Ảnh: Getty Images)

Sự kết hợp giữa siêu trăng mùa gặt và nguyệt thực nửa tối đã tạo nên một bức tranh hoàn hảo trên bầu trời. Cả 2 hiện tượng này không chỉ là sự kiện thiên văn mà còn sâu sắc về mặt ý nghĩa văn hóa, mang lại cảm hứng cho các lễ hội và hoạt động cộng đồng trên khắp thế giới.

Ở Việt Nam, trăng Trung thu từ lâu đã là biểu tượng của sự đoàn viên, khi các gia đình cùng nhau quây quần dưới ánh trăng, thưởng thức bánh nướng, bánh dẻo và chia sẻ niềm vui đoàn tụ.

Một người Bedouin cưỡi ngựa trong bối cảnh siêu trăng mùa gặt ở phía sau, tại Rahat, miền nam Israel. (Ảnh Reuters)

Siêu trăng trên trung tâm Manhattan và Tòa nhà Empire State, Thành phố New York, Hoa Kỳ. Tiền cảnh cho thấy giao thông dọc theo Cầu cạn 14th Street, ngày 17 tháng 9 năm 2024. (Ảnh Gary Hershorn/Getty Images)

Trăng Thu hoạch vào tối ngày 18/9 tại Toorak Road, South Yarra, Melbourne (Úc). (Ảnh NQ)

Siêu trăng ở Mount Barker, Adelaide (Úc). (Ảnh Patrick Wynne)

Trên khía cạnh khoa học, hiện tượng siêu trăng và nguyệt thực nửa tối còn là cơ hội để các nhà thiên văn học quan sát sự tương tác giữa trái đất và mặt trăng, cũng như hiểu rõ hơn về quỹ đạo và cấu trúc của hai thiên thể này.

Những ai đã bỏ lỡ sự kiện lần này có thể chờ đến lần nguyệt thực tiếp theo diễn ra vào tháng 8/2026, hứa hẹn sẽ mang đến một trải nghiệm còn thú vị hơn với khoảng 96% bề mặt mặt trăng sẽ bị bóng trái đất che phủ. (T/H, N/D)