Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Hậu COVID-19, ngành du lịch Việt Nam chỉ phục hồi được 44%


Truyền thông trong nước đang hân hoan với con số sau tám tháng của năm 2023, lượng du khách quốc tế vào Việt Nam đạt gần 98% kế hoạch (7.8 triệu lượt du khách quốc tế/so kế hoạch 8 triệu lượt du khách).

Chỉ cần lưu trú Hà Nội hai đêm là hướng dẫn viên lúng túng vì không biết dẫn du khách quốc tế đi chơi đâu. Hình VnExpress

Thế nhưng, số lượng du khách quốc tế và tỷ lệ phục hồi ngành du lịch sau đại dịch của Việt Nam thấp nhất, so với bốn điểm đến hàng đầu Đông Nam Á là Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, trước đại dịch, có năm điểm đến hàng đầu Đông Nam Á là Thái Lan (39.8 triệu lượt du khách quốc tế), Malaysia (26.1 triệu lượt), Singapore (19 triệu lượt), Việt Nam (18 triệu), Indonesia (15.5 triệu).

Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt du khách quốc tế, mức độ phục hồi so với trước dịch đạt 44%. Còn bốn quốc gia Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia đều đặt mục tiêu cao hơn. Ban đầu, Thái Lan dự định đón 25 triệu lượt khách. Sau khi Trung Quốc mở lại biên giới hồi Tháng Giêng, chính phủ Thái Lan thay đổi mục tiêu, dự định đón 28-30 triệu lượt khách, như vậy mục tiêu phục hồi của nước này so với trước dịch ở mức 63-75%.

Malaysia dự định đón 16 -18 triệu lượt khách, đẩy mức độ phục hồi mục tiêu lên 69%. Singapore đón 12-14 triệu lượt khách, tương đương mức độ phục hồi 63-73%. Indonesia ban đầu dự định chỉ đón 7.4 triệu lượt nhưng đến Tháng Bảy nâng mục tiêu lên 8.5 triệu lượt, tỷ lệ phục hồi tăng từ 46 lên 53%.

Du khách được vận chuyển tham quan thủ đô Hà Nội bằng xe buýt 2 tầng theo hành trình City tour. Hình Baochinhphu
Mục tiêu đón du khách quốc tế của năm nước Đông Nam Á, Việt Nam thấp nhất – Đồ họa: VnExpress

Theo ông Phạm Hà, Giám đốc điều hành Lux Group, chuyên viên về lĩnh vực du lịch sang trọng, Việt Nam đặt ra con số 8 triệu lượt và mục tiêu phục hồi thấp nhất Top 5 là do “bệnh thành tích”, sợ cuối năm không hoàn thành mục tiêu thì bị phê bình, giống như hồi năm 2022, đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt du khách quốc tế nhưng cuối cùng chỉ đón 3.6 triệu lượt!

Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính cho biết các nước trong khu vực thường nghiên cứu tỷ lệ phục hồi du lịch của năm 2022 và những tháng đầu 2023 so với mức trước dịch.

Từ đó, các nước điều chỉnh mục tiêu khi dự báo không sát thực tế. Đầu năm 2023, Thái Lan điều chỉnh mục tiêu ba lần. Indonesia cũng có điều chỉnh tương tự khi nhận thấy số liệu dự định đầu năm không còn phù hợp.

TAB phàn nàn, hiện nay, dù Việt Nam có chính sách visa mới (nâng thời hạn lưu trú cho du khách miễn thị thực  của 13 quốc gia lên 45 ngày và cấp e-Visa lên đến 90 ngày cho du khách thuộc các quốc gia còn lại), nhiều website của tòa đại sứ Việt Nam tại các nước vẫn chưa cập nhật thông tin.

Du khách nườm nượp về Tam Cốc. Hình Tiền Phong
Dòng sông Ngô đồng thuộc khu du lịch Tam Cốc nhìn từ trên cao. Hình Tiền Phong

Ngoài ra, Việt Nam thiếu sản phẩm du lịch độc đáo, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của từng thị trường.

Nước láng giềng nên học hỏi là Thái Lan – đã định vị tốt thương hiệu quốc gia với du khách khi nơi này được biết đến là đất nước của những nụ cười. Du khách đi đâu cũng gặp sự niềm nở, thân thiện của người dân, nhân viên làm trong ngành dịch vụ và họ không bị nói thách, không bị chèo kéo, thậm chí không ngại trả giá vì không sợ sẽ bị chủ cửa hàng bày tỏ thái độ… giống chợ Đồng Xuân ở Hà Nội hay chợ Bến Thành ở Sài Gòn!

Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) hiện có 29 văn phòng trên thế giới và họ tìm hiểu sâu về thói quen du lịch của du khách từng khu vực. TAT thậm chí biết du khách Việt Nam thích ăn gì, chơi ở đâu, giải trí như thế nào, chi tiêu ra sao.

Từ đó, họ tạo ra các tour tuyến phù hợp với riêng người Việt, tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch bằng cách mời các doanh nghiệp địa phương sang Thái Lan khảo sát. Vì lẽ đó, Thái Lan luôn là điểm đến yêu thích nhất của người Việt, vì giá tour rẻ, đồ ăn ngon và nhiều sản phẩm du lịch địa phương có giá trị.

Hướng dẫn viên tại nhà tù Hỏa Lò đang thuyết minh cho khách, du lịch mà toàn quảng bá quá khứ “chống Mỹ cứu nước”. Hình VnExpress

Còn Việt Nam thì sao? Trao đổi với VnExpress ngày 6 Tháng Bảy 2023, hướng dẫn viên Lê Hải Đăng cho biết sang ngày thứ hai lưu trú ở Hà Nội đã không biết dẫn khách đi đâu chơi, ngoài các quán bar và phố Tây – Tạ Hiện.

Hơn 20 năm sống ở Hà Nội, ông Đăng than: “Tiền khách không thiếu, mỗi tội không biết tiêu gì”.

Nam hướng dẫn viên du lịch có thâm niên này chỉ ra “âm nhạc và kịch nghệ thuật toàn tiếng Việt, sao khách hiểu”. Các chương trình có tiếng Anh thì mỗi tuần chỉ diễn ra có một lần. Còn chương trình múa rối nước mà Việt Nam thường tự hào thì “quá trẻ con”.

Khảo sát từ Tổng cục Du lịch chỉ ra chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018 chủ yếu là dành cho thuê phòng, ăn uống, chiếm 56-60%; mua đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chiếm 20%; còn lại là chi phí khác.

Nếu chỉ tính tham quan kèm vui chơi, chi phí du khách quốc tế chi tiêu ở Việt Nam chỉ bằng 7-10% tổng chuyến đi, trong khi tại Malaysia, Thái Lan, con số này là 40-50%, thậm chí 70%.

Tỷ lệ phục hồi của ngành du lịch năm nước Đông Nam Á so với trước đại dịch, Việt Nam thấp nhất – Đồ họa: VnExpress

Năm 2009, mức chi tiêu của du khách quốc tế ở Việt Nam là $1,000, mười năm sau chỉ tăng lên 1.2 lần! Các khoản chi cho ăn uống, đi lại, mua sắm tăng lên nhưng chi tiêu cho giải trí, tham quan gần như không đổi.

Năm 2019 là năm hưng thịnh nhất của ngành du lịch Việt Nam khi đón 18 triệu lượt du khách quốc tế, nhưng vẫn chưa bằng phân nửa Thái Lan, khi đất nước này đón 40 triệu lượt du khách quốc tế. TAB so sánh: Với thời gian ở trung bình 9 ngày, du khách quốc tế chi tiêu ở Việt Nam $1,200/người; còn Thái Lan, với thời gian lưu trú tương đương, du khách chi tiêu cao gấp đôi, đạt $2,400-$2,500/người.

Ngành du lịch Việt Nam đón du khách vẫn tập trung chính vào vận chuyển, lưu trú và ăn uống, riêng khoản vui chơi, giải trí vẫn chưa khai thác hiệu quả, trong khi đây mới là mảng khách tiêu tiền nhiều nhất.

Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) phát hành hồi Tháng Năm 2022 xếp du lịch Việt Nam đứng thứ 52 trên 117 nền kinh tế.

Nếu xét trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng sau bốn nước Singapore (9), Indonesia (32), Thái Lan (36), Malaysia (38). WEF không xếp hạng Myanmar, Timo Leste và Brunei. (T/H, SGN)