Hàng loạt công dân Úc bị kẹt ở Việt Nam muốn trở về
Gần 19,000 người Úc vẫn đang mắc kẹt ở nước ngoài, chờ đợi để trở về nhà, sau khi các tiểu bang đưa ra mức giới hạn về số lượng khách quốc tế đến mỗi ngày.
Ủy ban Lựa chọn về COVID-19 đã được thông báo vào ngày Thứ Năm 20/8, cho biết 18,800 người Úc đang ở nước ngoài và họ muốn trở về nhà.
Gần 3,000 người đang trong tình trạng được Bộ Ngoại giao mô tả là “dễ bị tổn thương”, cho dù đó là vấn đề cá nhân, tài chính hay y tế, cuộc điều tra đã được cho biết.
Hiện tại, gần 4,000 người Úc đang trở về nhà mỗi tuần.
Nhiều công dân Úc trong số những người mắc kẹt –7,500 vẫn còn ở Ấn Độ, trong khi một số lớn cũng bị mắc kẹt ở Việt Nam, Philippines và Nam Phi.
Chính phủ Liên bang đã tổ chức khoảng 64 chuyến bay hồi hương, với 45 trong số các chuyến bay đưa người Úc trở về từ Ấn Độ, Ủy ban cho biết.
Tình hình đã trở nên tồi tệ hơn do giới hạn về số lượng khách nước ngoài đến. Các giới hạn đã được thực hiện vào giữa tháng 7 và tháng này đã được kéo dài đến ngày 24 tháng 10.
Hiện tại Sydney đang thu nhận phần lớn lượng khách nước ngoài, với 350 hành khách được phép “về nhà” mỗi ngày, so với Perth là 525 hành khách mỗi tuần, Brisbane và Adelaide đều giới hạn ở mức 500 mỗi tuần và Hobart và Melbourne, những nơi không chấp nhận khách quốc tế trở về.
Kể từ tháng Ba đến nay đã có hơn 371,000 công dân Úc trở về nhà.
Thủ tướng Scott Morrison cũng đã tuyên bố, tập trung chính hiện nay của chính phủ là kiểm soát nguy cơ trong việc cách ly tại khách sạn, và đó là lý do ông sẽ không dỡ bỏ quy định hạn chế người nhập cảnh vào Úc.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng với số lượng 4,000 công dân được phép về Úc mỗi tuần là đến nay chúng ta đã có hàng chục ngàn người phải cách ly trong khách sạn.”
Hầu hết là những người trở về NSW, và điều đó đã đem lại áp lực cho tiểu bang này khi phải xử lý việc cách ly họ ở khách sạn.
Do đó, theo lời Thủ tướng, tập trung chính hiện nay là kiểm soát dịch bùng phát ở các tiểu bang, và các lãnh đạo tiểu bang và lãnh thổ cũng đồng tình với quyết định này.
Giới hạn số người nhập cảnh sẽ được xem xét mỗi 2 tuần. Đồng thời, Thủ tướng cũng hi vọng một khi số ca nhiễm ở Victoria và NSW giảm xuống, khi đó sẽ có thêm chỗ cho những người muốn trở về.
“Thế nhưng hiện nay, để kiểm soát rủi ro, chúng ta cần phải giữ nguyên số lượng giới hạn này.”
Ông yêu cầu các bộ trưởng phảt triển biện pháp để hỗ trợ những công dân còn kẹt ở nước ngoài.
“Chúng tôi hiểu nhiều người đang trong hoàn cảnh khó khăn,” ông Morrison nói.
Bộ trưởng nội các Mathias Cormann đã lên tiếng ủng hộ biện pháp phòng ngừa của chính phủ.
“Chúng tôi đã mạnh mẽ thúc giục người Úc từ đầu, rằng phải trở về nếu muốn về, và đã có nhiều người trở về từ lúc đó,” thượng nghị sĩ Cormann nói.
“Hiện giờ chúng ta đang ở trong tình cảnh mà toàn cầu đã có khoảng 260.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.”
Thượng nghị sĩ Cormann nói giới hạn này là thực tế và hợp lý để những người trở về được kiểm soát tốt trong thời gian cách ly ở khách sạn.
“Tất cả các yếu tố đều đã được cân nhắc trong việc xem xét để tối đa số lượng người được phép trở về.
“Nhưng tất nhiên tất cả các yếu tố này luôn được rà soát.
Úc là quốc gia dân chủ duy nhất trên thế giới hạn chế số lượng công dân được phép quay trở lại hoặc không cho phép công dân của mình xuất cảnh.
Kết quả là, hàng ngàn người Úc bị mắc kẹt, nhiều người có thị thực hết hạn.
Những người này không có triển vọng làm việc và trong nhiều trường hợp, không có nơi nào để sống, mặc dù đã đặt vé máy bay về nhà từ nhiều tháng trước.
Sự “xúc phạm” càng làm thêm “đau thương” khi mà trong tuần này, chính phủ Tiểu bang Nam Úc công bố kế hoạch đưa 300 sinh viên năm cuối Trường Đại học từ Đông Nam Á trở lại vào tháng tới.
Các sinh viên quốc tế sẽ bay từ Singapore đến Adelaide vào đầu tháng 9, đây được coi là một cuộc “thử nghiệm” để đưa sinh viên quốc tế trở lại đất nước.
Các sinh viên này sẽ phải chịu sự cách ly tại khách sạn, và khoản tiền này sẽ được trả bởi các sinh viên hoặc trường đại học chào đón họ trở lại.
Thông qua một bài đăng trên Facebook từ Cao ủy Úc ở Anh, những người vẫn đang cố gắng về nhà đã được yêu cầu đăng ký ý định của họ. Vào ngày đầu tiên của việc điền đơn đăng ký trên trực tuyến, trang mạng đã gặp “sự cố” do nhu cầu quá lớn.
Trong các bình luận, nhiều người đã rất tức giận khi phát hiện ra việc trở về của họ được coi là ít quan trọng hơn so với việc trở lại của các sinh viên nước ngoài.
“Bạn đang làm gì để giải quyết thực tế là sinh viên quốc tế đang được ưu tiên nhập cảnh khi Công dân Úc thậm chí không thể nhập cảnh về nhà?”, Kathleen Frost viết.
“Liệu số lượng sinh viên đến sẽ được bổ sung vào giới hạn lượng khách quốc tế hay họ sẽ dành những vị trí cần được ưu tiên cho những người Úc đang cố gắng về nhà?”
“Nếu họ đang có sự phân bổ của riêng họ, thì có ích gì ngay từ đầu? Hãy để các công dân của Úc về quê hương của mình”. (NQ)