Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy nhà hoạt động chính trị.


Nguyễn Quang Duy

Nhân Lễ Tưởng Niệm Nhị vị Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy và Nguyễn Văn Bông được tổ chức ngày hôm nay 13/08/2023 tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng tiểu bang Victoria Úc, Ban Tổ Chức có nhờ tôi chia sẻ đề tài “Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy nhà hoạt động chính trị chân chính”, dưới đây là một số điều tôi được biết về cuộc đời chính trị của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy.

TÁC GIẢ: Nguyễn Quang Duy, Chủ tịch BCH-CĐNVTD-VIC. Hình Hướng Dương

Từ một đảng cách mạng sang một đảng chống cộng…

Ông Huy gia nhập Đảng Đại Việt vào đầu năm 1945 ở tuổi 21, khi ấy Việt Nam đang chịu 2 gọng kềm là thực dân Pháp và quân phiệt Nhật nên đảng Đại Việt là một đảng cách mạng với mục tiêu giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Theo ông Huy ưu điểm của Đảng Đại Việt là có Chủ nghĩa Dân tộc Sinh tồn làm căn bản triết lý. Chủ nghĩa này đặt quyền lợi dân tộc lên trên, nên Đảng Đại Việt rất quan tâm đến các vấn đề chính trị và xã hội. Nhưng nó cũng chính là nhược điểm vì quá đề cao dân tộc mà hướng đến một chế độ “độc tài sáng suốt”, một “chế độ quyền uy”, xây dựng một quốc gia, một dân tộc hùng cường, nên không thể phát huy tự do và dân chủ.

Cụ thể là Trong đảng Đại Việt theo lãnh tụ chế nghĩa là người lãnh đạo nắm hết mọi quyền hành trong tổ chức, như ở miền Nam, xứ ủy là người quyết định mọi việc. Nhưng người miền Nam vốn tính tình cởi mở và với ảnh hưởng của tự do, dân chủ từ thể chế thuộc địa Pháp, nên ngay từ năm 1947 đã có một cuộc “cách mạng nội bộ” về tư tưởng và phương cách sinh hoạt. Xứ bộ miền Nam từ đó hoạt động theo nguyên tắc đặt quyền lợi dân tộc lên trên, nhưng các đảng viên được sinh hoạt trong vòng tự do, dân chủ và có trật tự.

Theo ông Huy sau khi đảng Cộng Sản cướp chính quyền, đảng Đại Việt chuyển từ một đảng cách mạng sang một đảng chống cộng vì 2 lý do chính là (1) đảng Cộng Sản đặt quyền lợi dân tộc đằng sau quyền lợi quốc tế cộng sản và (2) đảng Cộng Sản là một đảng độc tài mục tiêu là tiêu diệt tất cả những đảng phái khác do đó để “sinh tồn” hay tồn tại đảng Đại Việt như hầu hết các đảng phái không cộng sản khác không có con đường khác hơn là chống lại cộng sản. Từ đó đảng Đại Việt chọn con đường cộng tác với Quốc Trưởng Bảo Đại để từng bước giành lại độc lập cho Việt Nam.

Trong thời gian từ 1946 đến 1955 ông Huy được đảng giao trách nhiệm nghiên cứu chính trị, viết tài liệu chính trị và viết các bài báo có liên quan đến chính trị. Ông được xem là một lý thuyết gia và người truyền bá tư tưởng chính trị cho đảng Đại Việt. 

Quan cảnh Lễ tưởng niệm Giáo sư Nguyễn Văn Bông và Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy lần thứ 33, vào ngày Chủ Nhật 13/08/2023 tại Đền Thờ Quốc Tổ -Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng số 90 Knight Avenue Sunshine North, Victoria. Hình Hướng Dương

Học và dạy về chính trị.

Năm 1955, ông Huy được đảng chỉ định đi Pháp vừa để phụ giúp cho ông Nguyễn Tôn Hoàn lãnh đạo Đại Việt, vừa để lánh nạn chính trị, vừa để đi học. Ông học trường Khoa Học Chính trị Paris và trường Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Kinh Tế Paris. Ông lấy Tiến Sĩ Chính Trị Học vào tháng 3 năm 1963.

Ngay sau cuộc đảo chánh Tổng thống Ngô Đình Diệm ông trở về Sài Gòn vào tháng 11-1963. Ông làm Đổng lý Văn phòng cho Phó thủ tướng Nguyễn Tôn Hoàn cho đến khi ông Hoàn từ chức vào tháng 9/1964.

Từ năm 1965, ông vào làm giáo sư Học Viện Quốc Gia Hành Chánh dạy về chính trị và luật hiến pháp, đồng thời làm giảng viên ở nhiều trường đại học và các trường quân sự như trường Cao Đẳng Quốc Phòng, trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp, trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị.

Nói chung, ông là 1 người có ảnh hưởng rất lớn với cả trí thức dân sự cũng như sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. 

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy nhà hoạt động chính trị.

Lập đảng Tân Đại Việt…

Trong năm 1964, đảng Đại Việt lâm vào tình trạng phân hóa nặng nề, ông Hoàn và ông Huy bị khép tội “phản đảng” bị khai trừ khỏi đảng. Ông Huy cho rằng lãnh đạo đảng Đại Việt khi ấy rất độc tài họ chống lại bất cứ ai không theo họ.

Nhưng không phải vì thế mà ông Huy bỏ cuộc, ông thuyết phục Xứ bộ Nam Việt tách ra và thành lập đảng Tân Đại Việt theo đường lối dân chủ, thành thật hợp tác và đoàn kết với các đoàn thể quốc gia. Theo ông như thế thì mới giữ được miền Nam Việt Nam khỏi mất vào tay cộng sản.

Ông làm Tổng Bí Thư cho đảng Tân Đại Việt và sau đó ông thành lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến do ông làm Tổng Thư Ký.

Lập trường của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến là ủng hộ chính phủ đối phó với cộng sản, nhưng không tham dự chính quyền và đòi hỏi chính quyền phải áp dụng đúng quy tắc dân chủ, chấm dứt nạn tham nhũng, cũng như nạn bè phái đưa những người thiếu tài đức nắm giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền. 

Cộng tác với chính quyền

Từ năm 1968, ông tham dự Hòa đàm Paris giúp phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa xây dựng một hệ thống lý luận để có thể tranh cãi với cộng sản và ông đi các nước Âu châu để trình bày cho đồng hương tình hình chung và lập trường của Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1973, ông cùng phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa tham dự hội nghị La Celle Saint Cloud.

Ông cũng là thành viên sáng lập và là đồng Chủ tịch của Liên minh Dân chủ Xã hội, một tổ chức gồm 6 chính đảng đối lập theo xu hướng dân chủ trên chính trường Việt Nam Cộng hòa. 

Tị nạn cộng sản…

Sau khi cộng sản chiếm miền Nam, ra hải ngoại ông vẫn không ngừng hoạt động chính trị như gầy dựng đảng Tân Đại Việt, vào năm 1981 ông thành lập Liên minh Dân chủ Việt Nam do ông làm Chủ tịch Ủy ban chấp hành Trung ương, đến năm 1986 ông sáng lập và làm Ủy viên danh dự của Ủy ban Quốc tế Yểm trợ Việt Nam Tự do năm. Ông hoạt động chính trị cho đến ngày ông qua đời ngày 28 tháng 7 năm 1990. Như vậy là cả cuộc đời ông đã dành cho những hoạt động chính trị Việt Nam. 

Lý do thúc đẩy

Về lý do thúc đẩy Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy suốt đời hoạt động chính trị đã được ông Huy trả lời trong cuộc phỏng vấn do Hoàng Khởi Phong và Lê Đình Điểu thực hiện như sau:

“Nếu sanh ra trong một nước Việt Nam độc lập, tự do và thái bình, thì tôi đã theo hoài bảo lúc nhỏ của tôi là làm thi sĩ Đằng Phương chuyên viết thơ hùng tráng; có cần phải thêm một việc làm để mưu sinh thì tôi lấy bằng của Đại Học Văn Khoa và làm giáo sư văn khoa. Vì sanh trong một nước Việt Nam không độc lập, thiếu tự do và chìm đắm trong sự loạn lạc, nên tôi phải dấn thân vào cuộc tranh đấu chính trị và do đó mà phải học về chính trị, dạy về chính trị, và đứng ra lãnh đạo một đoàn thể chính trị. Dầu cho có được làm lại cuộc đời từ đầu mà hoàn cảnh Việt Nam không khác hoàn cảnh tôi đã trải qua, thì tôi cũng sẽ làm như tôi đã làm”. 

Chính trị chân chính

Khó có thể kiếm được một nhà hoạt động chính trị có tài có đức, luôn đặt quyền lợi dân tộc Việt lên trên và suốt cuộc đời đã cống hiến cho các hoạt động chính trị Việt Nam như giáo sư Nguyễn Ngọc Huy.

Nhưng điều đáng nói là ông Huy không vì thế mà tự cho là một nhà hoạt động chính trị chân chính, mà ngược lại ông luôn nhìn vào tình hình Việt Nam và luôn thông cảm cho những nhà hoạt động chính trị khác.

Ông trả lời cuộc phỏng vấn của Giáo sư Chính trị học Nguyễn Mạnh Hùng vào ngày 03/02/1987, nghĩa là trước khi ông Huy mất vài năm. Cuộc phỏng vấn được đăng trên “TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ” thuộc Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ, viện Đại học Oregon, vào 24 Tháng Sáu, 2022.

“… Người Quốc Gia Việt Nam mà trong sạch đàng hoàng thì lại không được người ngoại quốc tin cậy. Bởi vì họ cho là cái thứ người trong sạch, đàng hoàng thì cứng đầu, cứng cổ và khi quyền lợi Việt Nam xung đột quyền lợi nước họ thì sẽ không nhân nhượng cho họ. Cho nên họ phải tìm những người dễ sai bảo…”

Sự chân chính của người làm chính trị là luôn thông cảm và đồng cảm với những người đang đồng hành trên con đường chính trị có chung một mục đích và một mục tiêu. Đó chính là bài học mà tôi đã học được từ giáo sư Nguyễn Ngọc Huy.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi.

13/08/2023

Xin mời quý vị xem bài phỏng vấn giáo sư Nguyễn Ngọc Huy được đăng trên “TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ”.