Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Giá hàng hóa toàn cầu có thể sẽ tăng vọt

Người tiêu dùng trên toàn cầu có nguy cơ phải trả nhiều tiền hơn cho các mặt hàng do chi phí vận chuyển tăng vọt bởi khủng hoảng trong ngành vận tải tàu biển.

Theo Bloomberg, 80% hàng hoá được sử dụng trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển. Cuộc khủng hoảng chưa dừng lại trong ngành vận tải biển đang khiến người tiêu dùng phải chi nhiều tiền hơn cho các loại hàng hoá, từ như yếu phẩm cho đến linh kiện ôtô.

Theo Drewry Shipping, phí vận chuyển đường biển của một container chuẩn 40-feet từ Thượng Hải đến Rotterdam (Hà Lan) hiện là 10,522 USD, tăng 547% so với mức giá trung bình 5 năm qua.

Nhu cầu của người dùng tăng cao, hạn chế số container cũng như nguồn nhân công lao đọng và tắc nghẽn cảng biển,… là những lý do khiến khả năng vận tải hàng hoá trên mọi tuyến đường bị giảm sút. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi Covid-19 tái bùng phát ở các trung tâm xuất khẩu của châu Á như Trung Quốc.

Nhieu doanh nghiep khon don vi cuoc phi van chuyen tang vot anh 1
Lạm phát giá container tăng mạnh trong năm qua (Hình Bloomberg).

Các tuyến đường dài chịu tác động nặng nề nhất, đơn cử như phí cước từ Thượng Hải đến Rotterdam đắt hơn 67% so với đến Bờ Tây nước Mỹ. Nếu như trước kia, chi phí vận chuyển không có nhiều ảnh hưởng đáng kể đến lạm phát vì chỉ đóng góp một phần nhỏ trong tổng chi phí thì ngày nay, mức cước phí tăng vọt đã buộc các nhà kinh tế học phải thay đổi quan điểm.

Theo HSBC, việc giá cước vận chuyển bằng container tăng 205% trong năm qua có thể làm tăng chi phí sản xuất trong khu vực các nước sử dụng đồng euro thêm 2%. Các nhà bán lẻ cũng phải đối diện với 3 lựa chọn: tạm dừng nhập hàng, tăng giá hoặc chịu chi phí sau đó chuyển sang cho người tiêu dùng.

Theo ông Jordi Espin, Giám đốc quan hệ chiến lược của Hội đồng các nhà vận chuyển châu Âu, tổ chức đại diện cho khoảng 100.000 nhà bán lẻ, thương nhân, nhà sản xuất nhận định bất kể lựa chọn nào trong 3 lựa chọn cũng dẫn đến việc tăng giá các mặt hàng. Ông Espin cho biết: “Những khoản phí tăng thêm này đã được chuyển sang cho người tiêu dùng”.

Cá cơm từ Peru đã không còn được xuất khẩu sang các nước châu Âu vì giá quá cao so với các nguồn cung nội địa. Tương tự, vì phí vận chuyển tăng, Mỹ đã tạm ngừng nhập khẩu quả oliu từ châu Âu. Tắc nghẽn chuỗi cung ứng và cước vận chuyển cao cũng tác động đến việc lưu chuyển hạt cà phê Arabica mà chuỗi cửa hàng Starbucks hay sử dụng, và hạt Robusta dùng làm cà phê hoà tan.

Các chuyên gia dự đoán giá cước vận chuyển khó bình ổn lại trong thời gian ngắn. Các công ty chuyên sản xuất hàng hóa cồng kềnh nhưng giá trị thấp như đồ chơi, đồ nội thất chịu tác động nặng nề nhất. Ông Alan Murphy, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn Sea-Intelligence ở Copenhagen, cho biết chi phí vận chuyển chiếm đến 62% tổng giá bán lẻ của các nhà sản xuất đồ nội thất.

Doanh nghiệp trên khắp thế giới đang vật lộn với tình trạng này. Philip Damas, người đứng đầu Drewry Supply Chain Advisors cho biết nhiều công ty buộc phải tạm ngưng xuất khẩu đến một vài thị trường nhất định, trong khi số khác loay hoay tìm kiếm nguyên vật liệu thô từ những nguồn cung gần hơn.

Nhieu doanh nghiep khon don vi cuoc phi van chuyen tang vot anh 2
Giá cước tăng vọt khiến nhiều doanh nghiệp vận tải khốn đốn (Hình Bloomberg).

Ông nhận định khoản tăng 15% trong phí vận chuyển hàng quốc tế là quá lớn đối với doanh nghiệp, và nếu tình trạng này tiếp diễn, một số doanh nghiệp sẽ phải rút ngắn chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương vẫn lạc quan với đà tăng này và cho rằng tình trạng chỉ là tạm thời. Bà Christine Lagarde – Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu – khẳng định hiện tượng lạm phát cước phí vận chuyển sẽ nhiều nhất duy trì đến cuối năm, sau đó sẽ giảm dần.

Dù vậy, một số nhà kinh tế cho rằng không nên phớt lờ rủi ro lạm phát. Bởi ngay cả khi mức độ nhỏ hơn ước tính, lạm phát đã tích tụ hơn 1 năm và sẽ có những ảnh hưởng đáng kể lên cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. (Z/N)