Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Gạo lên giá cao nhất trong 15 năm, người nghèo sẽ khổ hơn


NEW DELHI, Ấn Độ – Trong khoảng 6 tuần, Ấn Độ đã làm thị trường gạo phải rúng động. Nhà xuất cảng gạo hàng đầu thế giới vạch ra các chính sách hạn chế với tất cả các đơn hàng xuất cảng, khiến các chính phủ đến từ Châu Á và Tây Phi lo sợ. Các quốc gia sản xuất gạo khác cố gắng cam đoan với người dân rằng nguồn cung gạo đang dư dật, nhưng lời khẳng định đó vẫn không thể làm xoa dịu một thị trường đang căng thẳng, tờ South China Morning Post đưa tin.

Gạo lên giá cao nhất trong 15 năm, người nghèo sẽ khổ hơn.

Giá gạo ở Châu Á đang trở lại gần mức cao nhất trong gần 15 năm hôm Thứ Tư, 30 Tháng Tám, sau khi Ấn Độ áp dụng nhiều biện pháp hạn chế đối với gạo luộc sơ và gạo basmati vào cuối tuần trước. Đó là những giống gạo cuối cùng còn sót lại không hứng chịu lệnh hạn chế xuất cảng, dẫn tới chiến dịch thắt chặt gần đây kể từ lệnh cấm xuất cảng một số loại ngũ cốc vào ngày 20 Tháng Bảy.

“Giá gạo nhảy vọt chính là nỗi đau cho những người dân nghèo khó,” Peter Timmer, Giáo Sư tại trường đại học Harvard University, từng nghiên cứu an ninh lương thực trong nhiều thập niên qua, cho biết. “Mối lo ngại cấp bách nhất ngay bây giờ đó là liệu Thái Lan và Việt Nam có theo chân Ấn Độ và áp dụng các biện pháp thắt chặt trong xuất cảng gạo hay không. Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ thấy giá gạo thế giới vượt quá $1,000.”

Nỗi lo về nguồn cung ứng là điều dễ hiểu. Gạo là loại thực phẩm tối quan trọng cho hàng tỷ người và đóng góp tới 60% tổng lượng calorie dung nạp của người dân ở các vùng tại Đông Nam Á và Phi Châu. Giá tiêu chuẩn hiện tại ở mức $646 cho một tấn và thời tiết có thể làm kinh động thị trường hơn nữa.

Hiện tượng thời tiết El Niño trong năm nay đe dọa nung nóng nhiều khu vực trồng trọt khắp Á Châu, trong đó có Thái Lan đã cảnh cáo tình trạng hạn hán sẽ diễn ra vào đầu năm 2024. Mùa vụ tại Trung Quốc, nhà sản xuất và nhập cảng lớn nhất thế giới, dường như đã thoát khỏi tình trạng thời tiết xấu, nhưng các khu vực trồng trọt chính ở Ấn Độ cần vũ lượng lớn hơn.

Giá gạo ở thủ đô New Delhi vẫn cao hơn một năm trước tính tới ngày 31 Tháng Tám, nhưng kể từ khi lệnh cấm xuất cảng được ban hành vào Tháng Bảy, giá gạo đã bình ổn ở mức 39 rupee (47 cent Mỹ) cho một kilogram. Trên toàn Ấn Độ, các thương nhân đã nhích giá lên một chút. Tuy nhiên, các lệnh hạn chế của Ấn Độ đã gây hiệu ứng cộng hưởng lên các quốc gia khác.

Hồi tuần trước, Philippines bị buộc phải ấn định giá gạo trên toàn quốc vì giá bán lẻ tăng “đáng báo động” cùng các phúc trình về tình trạng đầu cơ tích trữ của thương nhân. Quốc đảo là nhà nhập cảng ngũ gốc lớn thứ hai trên thế giới.

Guinea đã đặc phái bộ trưởng thương mại đến Ấn Độ, trong khi đó, Singapore, Mauritius và Bhutan đã yêu cầu New Delhi miễn trừ các lệnh hạn chế vì lý do an ninh lương thực – một điều khoản mà quốc gia Nam Á đã bổ túc khi ban hành lệnh cấm một giống gạo. Các hạn chế cũng đã tạo cơ hội cho Thái Lan.

Quốc gia xuất cảng gạo lớn thứ hai thế giới đã tham gia các chuyến công du trong vài tuần trở lại đây, cử các các tùy viên thương mại đi đến Philippines, Indonesia, Mã Lai và Nhật Bản với thông điệp, nếu có ai muốn ăn gạo, thì họ bán ngay.

Việt Nam đang đưa ra một số chính sách hỗ trợ cho thị trường, vào tháng trước, quốc gia này cho biết có khả năng vượt mục tiêu xuất cảng trong năm nay, một kỳ tích mà nước này có thể đạt được, không gây nguy hại cho an ninh lương thực trong nước. Sản lượng xuất cảng sang Indonesia đã nẩy bật trong bảy tháng đầu năm, đồng thời sản lượng bán sang Trung Quốc cũng cao hơn, theo dữ liệu từ quan thuế. Tuy nhiên, tham vọng gần đây của Miến Điện đã bị nao núng.

Liên đoàn gạo quốc gia Miến Điện đề xướng tạm ngưng xuất cảng để hạ nhiệt giá thành tăng cao trong nước, một khuyến nghị bị chính phủ bác bỏ. Liên đoàn gần đây cho biết họ có thể xuất cảng nhiều hơn.

Hiệp Hội Xuất Cảng Gạo Thái Lan dự kiến cập nhật giá gạo trắng với 5 phần trăm gạo tấm sau cuộc họp định kỳ hàng tuần vào Thứ Tư, 30 Tháng Tám, và các nhà đầu tư sẽ theo dõi tiêu chuẩn Châu Á để quan sát xu thế bình ổn, hoặc đáng lo ngại. (T/H, N/V)