Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Duy trì hoạt động thể chất, tăng cường hiệu quả của vắc-xin

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khả năng tạo kháng thể của hệ miễn dịch sau khi tiêm chủng tốt hơn ở những người tập thể dục hoặc hoạt động thể chất thường xuyên.

Vắc-xin COVID-19 ra đời đã mang đến hy vọng về sự kết thúc của đại dịch. Tuy nhiên, các ca tử vong và ca bệnh do COVID-19 vẫn đang gia tăng trên khắp thế giới.

Khi chúng ta cố gắng tạo miễn dịch cho cộng đồng, kịch bản xấu nhất, có thể xảy ra nhất trong vài năm tới là COVID-19 sẽ không biến mất giống như các bệnh truyền nhiễm khác, chẳng hạn như cúm.

Vì vậy, chúng ta sẽ cần phải liên tục quản lý và bảo vệ sức khỏe của mình. Một trong những cách tốt nhất để làm điều đó là tăng cường hoạt động thể chất.

Duy trì hoạt động thể chất, tăng cường hiệu quả của vaccine - Ảnh 2.
Hoạt động thể chất thường xuyên dẫn đến nồng độ kháng thể immunoglobulin IgA tăng cao.

Hoạt động thể chất giúp tăng cường miễn dịch, tăng hiệu quả của tiêm chủng

Chúng ta đã biết rằng hoạt động thể chất là một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa các bệnh mãn tính, cùng với chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học. Một nghiên cứu từ năm 2008 cho thấy không hoạt động thể chất là nguyên nhân của hơn năm triệu ca tử vong sớm mỗi năm.

Hoạt động thể chất thường xuyên giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của con người, giảm hơn một phần ba nguy cơ mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm và tăng đáng kể hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc ứng phó đại dịch.

Thu thập và xem xét một cách có hệ thống tất cả các bằng chứng hiện có liên quan đến tác động của hoạt động thể chất đối với nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm như viêm phổi –nguyên nhân tử vong hàng đầu do COVID-19 –đối với hoạt động của hệ miễn dịch, và kết quả của việc tiêm chủng, cũng cho thấy hoạt động thể chất có liên quan nhiều đến phản ứng của đại dịch hiện tại.

Người hoạt động thể chất tích cực có số lượng kháng thể sau khi chủng ngừa cao hơn 50%

Các nghiên cứu trước đây cho thấy rằng các vận động viên ưu tú có nhiều tế bào miễn dịch chống cúm hơn đáng kể sau khi tiêm phòng cúm so với những người trưởng thành khỏe mạnh khác và những người luyện tập thường xuyên có phản ứng kháng thể cao hơn nhiều so với những người trưởng thành khỏe mạnh không tập thể dục. Tập thể dục liên tục sau khi tiêm vắc-xin cũng được cho là sẽ kéo dài và tăng cường khả năng bảo vệ.

Một nghiên cứu được thực hiện ở Mỹ, đã tìm thấy bằng chứng đáng tin cậy rằng hoạt động thể chất thường xuyên tăng cường hệ thống miễn dịch của con người.

Qua 35 thử nghiệm độc lập ngẫu nhiên có đối chứng –tiêu chuẩn vàng cho bằng chứng khoa học – cho thấy, hoạt động thể chất thường xuyên dẫn đến nồng độ kháng thể immunoglobulin IgA tăng cao. Kháng thể này bao phủ màng niêm mạc của phổi và các bộ phận khác của cơ thể, nơi virus và vi khuẩn có thể xâm nhập.

Hoạt động thể chất thường xuyên cũng làm tăng số lượng tế bào TCD4, chúng chịu trách nhiệm cảnh báo hệ thống miễn dịch về một cuộc tấn công và điều chỉnh phản ứng của nó.

Và, trong các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, vắc-xin có vẻ hiệu quả hơn nếu chúng được tiêm sau một quá trình hoạt động thể chất. Một người hoạt động thể chất tích cực có khả năng có số lượng kháng thể sau khi chủng ngừa cao hơn 50% so với người không hoạt động.

Tiêm phòng gây ra phản ứng miễn dịch nhưng vì chúng ta có nhiều tế bào miễn dịch hơn khi chúng ta tập thể dục hay hoạt động thể chất, nên đó là một phản ứng mạnh mẽ hơn nhiều.

Theo, Tiến sĩ Manoj Sharma, chuyên gia tư vấn cao cấp về nội khoa tại Bệnh viện Fortis, Vasant Kunj, New Delhi, cho biết các lựa chọn lối sống tốt như tập thể dục, chế độ ăn uống tốt và thói quen lành mạnh giúp hệ thống miễn dịch khỏe mạnh hơn.

Những người sống ít vận động, không vận động và ăn uống kém có nhiều khả năng có hệ miễn dịch yếu hơn. Vì vậy, hệ thống miễn dịch của những người tập thể dục càng mạnh mẽ hơn có thể dẫn đến phản ứng tốt hơn với vắc-xin khiến nó trở nên hiệu quả hơn.

Chính vì vậy, điều quan trọng hơn bao giờ hết lúc này là thúc đẩy các hoạt động thể chất. Một động thái có ý nghĩa trong việc chống lại đại dịch COVID-19 và quản lý các bệnh truyền nhiễm trong tương lai. (SKDS)