Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Đông Nam Á chạy đua mở cửa lại du lịch khi mùa cao điểm đến gần


Các quốc gia Đông Nam Á đang chạy đua để mở lại biên giới, đón khách du lịch khi mùa đông đang đến ở Bắc bán cầu.

Đầu tháng 10, Indonesia đã mở cửa trở lại hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Bali cho du khách quốc tế.

Đầu tiên là Thái Lan, vào tháng 7, quốc gia này đã thiết lập chương trình “hộp cát” cho phép miễn cách ly du khách nước ngoài đã được tiêm phòng đầy đủ đến hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Phuket.

Sự thành công còn khiêm tốn của kế hoạch, mà theo chính quyền Thái Lan đã thu hút hơn 70,000 lượt khách chi 2.14 tỷ baht (86 triệu đô la Singapore) trên hòn đảo, tiếp tục thúc đẩy các nhà chức trách thực hiện bước đi lớn tiếp theo. Từ ngày 1/11, những du khách đã tiêm phòng có thể nhập cảnh vào Thái Lan từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ mà không phải cách ly kiểm dịch. Quan điểm của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha là nếu Thái Lan hành động quá chậm, du khách nước ngoài sẽ tìm đến nơi khác.

“Chúng ta phải hành động nhanh chóng nhưng vẫn thận trọng, và không bỏ lỡ cơ hội… trong vài tháng tới để hỗ trợ hàng triệu người kiếm sống từ lĩnh vực du lịch, lữ hành và giải trí cũng như nhiều lĩnh vực khác có liên quan”, ông Chan-o-cha nói trong một bài phát biểu trên truyền hình vào đầu tháng này.

Thực tế vài tuần trở lại đây đã chứng kiến một loạt các thông báo và hành động mở cửa du lịch ở Đông Nam Á, với việc một số quốc gia đã nới lỏng hoặc dỡ bỏ các biện pháp kiểm dịch được áp dụng trong đại dịch COVID-19.

Đầu tháng 10, sau những lần trì hoãn và khởi đầu sai thời điểm, Indonesia đã mở cửa trở lại “thiên đường” nghỉ dưỡng nổi tiếng Bali cho du khách quốc tế, trong khi Việt Nam, Campuchia và Malaysia cũng đang lên kế hoạch cho những động thái tương tự.

Biển quảng cáo xem cá mập voi tại Oslo, tỉnh Cebu, Philippines vào tháng 9/2021. Hình NY Times

Làn sóng cao điểm

Du lịch đã và đang là động lực kinh tế mũi nhọn của khu vực Đông Nam Á. Ông Steven Schipani, chuyên gia chính về ngành du lịch của Cục Đông Nam Á thuộc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), cho biết hơn 130 triệu du khách quốc tế đã tới khu vực trong năm trước đại dịch và 42 triệu việc làm phụ thuộc vào lĩnh vực này. Khu vực Đông Nam Á cũng đã chứng kiến gần một tỷ chuyến đi nội địa hàng năm.

Ông Schipani nói: “Nhìn chung, du lịch và lữ hành chiếm khoảng 12,1% tổng sản phẩm quốc nội của Đông Nam Á và là một nguồn thu ngoại tệ lớn”.

Con số này lên tới hơn 380 tỷ USD vào năm 2019, và cũng giải thích cho “sự vội vã” của các quốc gia khi mở cửa trở lại trong mùa này.

Chuyên gia Hannah Pearson, một đối tác sáng lập của công ty tư vấn lữ hành Pear Anderson, cho biết: “Tất cả các quốc gia đang theo dõi các động thái của nhau và nhiều bộ trưởng du lịch đã lưu ý rằng họ không muốn bị bỏ lại phía sau các đồng nghiệp ASEAN”. Bà Pearson cho rằng tâm lý cấp bách là nhằm cứu vãn nốt thời gian còn lại của năm.

Malaysia sẽ mở cửa trở lại Langkawi cho những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ theo một chương trình thí điểm vào tháng 11. Hình AFP

Bà Pearson lưu ý: “Các chính phủ cũng đang thức tỉnh trước thực tế rằng nếu họ không mở cửa trở lại cho du khách quốc tế vào năm 2021, thì ngành du lịch sẽ chỉ còn lại rất ít cơ hội”.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào tuần trước, Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia Nancy Shukri cho biết đất nước của bà không muốn thua thiệt khi các quốc gia láng giềng nới lỏng biên giới với du khách quốc tế.

Từ giữa tháng 11, Malaysia sẽ mở cửa trở lại đảo Langkawi cho những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ theo một chương trình thí điểm, trong đó du khách không cần phải cách ly nhưng sẽ phải ở trên hòn đảo này ít nhất ba ngày. “Chúng tôi quan sát những gì các nước khác đang làm, xem chúng tôi có thể phù hợp ở đâu và cố gắng đảm bảo rằng chúng tôi không bị bỏ lại phía sau”, Bộ trưởng Shukri nói.

Ông Jay Harriman, Giám đốc cấp cao công ty tư vấn chiến lược Bower Group Asia, cho biết niềm tin vào việc mở cửa biên giới đi đôi với tỷ lệ tiêm chủng đang gia tăng trong khu vực, gây áp lực lớn lên các chính phủ trong việc kiềm chế thiệt hại kinh tế.

Khách du lịch chơi tennis tại một bãi biển ở Corfu, Hy Lạp, vào ngày 19/7/2021. Hình Reuters

Theo ông Harriman, sự thay đổi chung của cả khu vực là ở thái độ đối phó với đại dịch, nơi một số quốc gia, bao gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam, đã từ bỏ chiến lược “zero COVID” ban đầu để chuyển sang cách tiếp cận “sống chung với COVID”.

Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) cho biết, nhiều quốc gia đã bắt đầu nhận ra rằng việc đóng cửa biên giới không có tác dụng và sẽ chỉ làm trì hoãn thêm sự phục hồi của ngành du lịch và nền kinh tế của họ. Người phát ngôn của WTTC nói: “Khi COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu, việc đón du khách quốc tế phải được kích hoạt để cứu vãn nền kinh tế của khu vực”.

Khởi đầu thận trọng

Các chuyên gia cho biết châu Âu và Mỹ đã mở cửa vào đầu năm nay, nhưng khi đó, một số yếu tố khiến các nước ASEAN khó làm được điều tương tự.

Ông Schipani nhận xét: “Nhìn chung, châu Á đã thực hiện một cách tiếp cận rất thận trọng trong việc khởi động lại ngành du lịch”.

Đền Angkor Wat, một Di sản Thế giới, ở tỉnh Siem Reap của Campuchia. Hình AFP

Nhà phân tích du lịch Gary Bowerman, làm việc tại Kuala Lumpur và là giám đốc của Check-in Asia, lưu ý rằng mùa cao điểm cuối năm của khu vực này nhắm đến khách du lịch từ các nước phương Tây, nơi mùa đông đã bắt đầu.

“Lý do chính là chúng tôi đã bị ảnh hưởng bởi biến thể Delta trong phần lớn năm 2021 và chương trình tiêm chủng cũng mất một thời gian để có được động lực”. Ông Bowerman cũng cho biết, sự chậm trễ ban đầu và tình trạng thiếu nguồn cung vaccine đã khiến một số quốc gia bị tụt hậu trong kế hoạch mở cửa trở lại.

Thái Lan đầu năm nay đã phải ưu tiên chuyển vaccine đến Phuket để mở cửa trở lại hòn đảo, trong khi không có vaccine để cung cấp cho phần còn lại của đất nước. Tình hình đã được cải thiện trong những tháng gần đây, nhưng vẫn chỉ có khoảng 42% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Campuchia đạt tiến bộ lớn với chương trình tiêm chủng và khoảng 80% dân số của nước này hiện đã được tiêm vaccine đầy đủ. Điều này đã đặt nền tảng cho việc khởi động lại ngành du lịch. Campuchia sẽ bắt đầu với những chuyến du lịch miễn cách ly cho du khách nước ngoài tiêm phòng đầy đủ đến hai tỉnh ven biển vào cuối tháng 11.

Một nhân viên khử trùng phòng khách sạn ở đường Khao San, thủ đô Bangkok của Thái Lan. Hình EPA-EFE

Singapore, một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, với hơn 80% dân số được tiêm chủng đầy đủ, đã áp dụng chương trình Làn Du lịch Đã Tiêm chủng, cho phép đi lại không cần kiểm dịch với các quốc gia được chọn. Hiện có 11 làn du lịch như vậy, trong đó Australia và Thụy Sĩ mới được bổ sung.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nước ASEAN đều thành công trong việc tăng cường các đợt tiêm chủng. Các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin, bất chấp nguồn cung vaccine gia tăng, tỷ lệ tiêm chủng ở Philippines đã chậm lại trong những tuần gần đây, một phần do tâm lý chần chừ của người dân. Chỉ khoảng 25% dân số Philippines được tiêm phòng đầy đủ và quốc gia này chưa công bố bất kỳ kế hoạch mở cửa trở lại du lịch nào.

Những trở ngại

Các thủ tục nhập cảnh khác nhau mà mỗi quốc gia áp dụng với du khách quốc tế – từ bảo hiểm bắt buộc, đến các loại giấy tờ và xét nghiệm COVID-19 cần thiết, thậm chí cả danh sách cụ thể của các đại lý du lịch và khách sạn được ủy quyền mà du khách phải sử dụng – có thể làm giảm sự nhiệt tình với du lịch quốc tế.

Ông Bowerman nói: “Du lịch không phải là quay trở lại bản chất ‘mua vé và bay’, nơi bạn chọn một khách sạn, chuyến bay và chỉ việc đi. Có rất nhiều thủ tục phức tạp”.

Thái Lan chứng kiến số lượng khách du lịch Trung Quốc giảm 88.6% vào năm 2020. Hình EPA-EFE

Còn bà Pearson cho biết, ngay cả đối với những nơi đã xóa bỏ cách ly kiểm dịch, trong một số trường hợp, những trở ngại khác vẫn còn, bao gồm sự cạnh tranh từ các điểm đến ngoài ASEAN với ít yêu cầu để nhập cảnh hơn hoặc thiếu các chuyến bay thẳng tới một số điểm đến được đề xuất. “Bali là một ví dụ tuyệt vời về điều này vì hòn đảo đã chính thức mở cửa cho du khách thế giới, nhưng lại thiếu các kết nối quốc tế”, bà nói.

Bali đã mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài đến từ 19 quốc gia khoảng hai tuần trước, nhưng việc thiếu các chuyến bay quốc tế đến hòn đảo nghỉ dưỡng cũng có nghĩa là số lượng khách du lịch đến nay vẫn bị tắc nghẽn.

Một thách thức nữa là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch trên toàn khu vực sẽ cần thời gian để hồi phục. Ông Harriman nói: “Các chính phủ đang ráo riết khởi động lại ‘động cơ’ du lịch, nhưng cơ sở hạ tầng để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng sẽ cần thêm thời gian để phục hồi, do nhân viên đã chuyển việc và nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vĩnh viễn”.

Một khó khăn nữa là tình trạng thiếu nguồn du khách Trung Quốc. Từng là nguồn khách du lịch lớn nhất của khu vực, khách Trung Quốc sẽ không sớm quay trở lại do những hạn chế về đi du lịch ra nước ngoài. Thái Lan đã chứng kiến số lượng khách du lịch Trung Quốc giảm 88.6% vào năm 2020, so với năm trước đó.

Ông Bowerman nói: “Chúng ta phải chấp nhận rằng Trung Quốc sẽ không sớm mở cửa biên giới của mình và trọng tâm nên tập trung vào các thị trường khác”.

Ông nói thêm rằng mặc dù đã tiêm phòng cho khoảng 80% dân số, Trung Quốc có thể sẽ duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ để ngăn chặn bất kỳ sự gián đoạn nào đối với Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh vào tháng 2 tới. (tintuc)