Sunday, January 12, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Đông Nam Á cần thay đổi chính sách đối với Trung Quốc

Đông Nam Á cần thay đổi chính sách đối với Trung Quốc
Các nhà hoạt động cầm biểu ngữ tham gia vào Liên minh Trà Sữa phản đối Trung Quốc trước đại sứ quán Trung Quốc ở Bangkok, Thái Lan hôm 1/10/2020 Reuters

Vì sao Liên minh Trà sữa xuất hiện?

Năm 2020, trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, một liên minh đáng chú ý nhưng không chính thức đã được hình thành trực tuyến trên khắp châu Á – Liên minh Trà sữa. Các thành viên của liên minh này là những nhà hoạt động trẻ, chủ yếu ở Đông Nam Á. Tất cả đều có chương trình nghị sự khác nhau ở trong nước. Tuy nhiên, họ đã đoàn kết đẩy lùi mối đe dọa ngày càng gia tăng – sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc độc tài trong khu vực.

Liên minh này bắt đầu khi một diễn viên Thái Lan được yêu thích, Vachirawit Chivaaree, ngôi sao của bộ phim truyền hình nổi tiếng khắp châu Á “2gether”, đăng lại trên Twitter một bộ sưu tập ảnh mô tả Hong Kong là một quốc gia. Hàng nghìn cư dân mạng Trung Quốc có tư tưởng hiếu chiến đã kêu gọi tẩy chay buổi biểu diễn của Vachirawit. Sau đó, Vachirawit đã lên tiếng xin lỗi, nhưng những phần tử hiếu chiến này đã tìm thấy một bài đăng cũ trên Instagram của bạn gái Vachirawit với nội dung dường như thể hiện rằng cô này ủng hộ Đài Loan là một quốc gia độc lập với Trung Quốc. Điều này khiến các phần tử hiếu chiến Trung Quốc càng trở nên tức giận.

Ngay sau đó, cư dân mạng Thái Lan đã đáp trả bằng những bức ảnh chế dí dỏm. Các nhà ái quốc Trung Quốc đã phản ứng lại bằng cách lăng mạ Nhà vua và Thủ tướng Thái Lan, người đã lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính, là vô dụng. Cư dân mạng Thái Lan đã khéo léo phản bác lại những chỉ trích của Trung Quốc và giành được sự tán dương từ những người trẻ tuổi ở Hong Kong và Đài Loan, những người không còn xa lạ với sự đàn áp của Trung Quốc. Họ cũng nhận được sự cổ vũ của những người khác ở Đông Nam Á, vốn phẫn nộ với sự cai trị của những kẻ độc tài, như Tổng thống Rodrigo Duterte ở Philippines.

2021-02-09T114653Z_836812356_RC2ZOL9UZMVI_RTRMADP_3_MYANMAR-POLITICS-PROTESTS.JPG
Tranh vẽ về Liên minh Trà Sữa được tạo ra ở Bangkok, Thái Lan hôm 1/2/2021. Reuters

Vì vậy, liên minh này đã ra đời, được đặt tên theo thói quen uống trà phổ biến trên khắp châu Á. Ở Trung Quốc đại lục, trà không được uống với sữa. Nhưng đồ uống nổi tiếng nhất của Đài Loan là trà sữa trân châu; người Hong Kong uống trà với sữa; và trà vàng nâu của người Thái được làm ngọt bằng sữa đặc. Từ đó, những người khác cũng tham gia. Sau khi các binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc đụng độ với binh sĩ Trung Quốc tại biên giới tranh chấp, cư dân mạng Ấn Độ đã cho thêm trà masala vào rượu bia. Và sau khi quân đội giành chính quyền trong cuộc đảo chính ở Myanmar ngày 1/2, những bức ảnh về laphet yay, trà sữa Myanmar, tràn ngập trên mạng xã hội.

Trung Quốc với chính biến Myanmar

Liên minh Trà sữa chưa gắn kết hay hoàn toàn chống Trung Quốc. Frank Netiwit, một nhà hoạt động trẻ người Thái Lan đi đầu trong các cuộc biểu tình kêu gọi dân chủ, cho biết việc lên án Trung Quốc một phần là nhằm chỉ trích chế độ độc tài trong nước. Ở Myanmar, sự giận dữ đang hướng đến Thống tướng Min Aung Hlaing và quân đội.

Trung Quốc từ lâu đã chống lưng cho những kẻ chuyên quyền trong khu vực. Nước này mô tả cuộc đảo chính ở Myanmar – trong đó tiến hành bắt giữ Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo của đất nước, và hàng trăm người khác – là một “cuộc cải tổ nội các lớn”. Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào Đông Nam Á và tìm kiếm ảnh hưởng chính trị để bảo vệ các khoản đầu tư này. Nhưng các nhà cầm quyền Đông Nam Á lại tỏ ra gai góc và có tinh thần dân tộc. Điều khiến nhiều người dân tức giận nhất chính là là việc họ nghĩ rằng họ đang bị Trung Quốc khống chế.

Hiện tượng Liên minh Trà sữa nhấn mạnh cách mà người Đông Nam Á thường hoan nghênh sự tham gia kinh tế của Trung Quốc, nhưng kèm theo đó là những thái độ phức tạp khác liên quan đến Trung Quốc. Một số chuyên gia cho rằng Đông Nam Á là mô hình thu nhỏ tham vọng toàn cầu của Trung Quốc – báo hiệu cách thức hoạt động của các nhà ngoại giao, tập đoàn và thậm chí cả các lực lượng vũ trang nước này ở những nơi khác trong tương lai.

Đông Nam Á chắc chắn là nơi cảm nhận rõ ràng nhất sự hiện diện của Trung Quốc so với bất kỳ nơi nào khác. Đông Nam Á bắt đầu từ nơi Trung Quốc dừng lại – tại các vùng núi biên giới phía Bắc Việt Nam, Lào và Myanmar. Nhiều nhóm trong quần thể các dân tộc hiện đại của Đông Nam Á có nguồn gốc từ phương Bắc. Đế quốc Trung Quốc tuyên bố quyền chi phối các triều đại Đông Nam Á. Việt Nam, Thái Lan và Miến Điện (nay là Myanmar) là những nước có quan hệ triều cống quan trọng.

2021-02-28T062950Z_94522273_RC2I1M9REIL0_RTRMADP_3_MYANMAR-POLITICS-TAIWAN.JPG
Người dân và biểu tượng 3 ngón tay phản đối cuộc đảo chính của quân đội Myanmar. Đây là một phần trong hoạt động đoàn kết của Liên minh Trà Sữa trong một cuộc tập trung ở Đài Bắc hôm 28/2/2021. Reuters

Mặt trái của Vành đai và Con đường

Ngày nay, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Trước đây, sự tương tác về kinh tế của Trung Quốc với Đông Nam Á chủ yếu diễn ra bằng đường biển. Giờ đây điều đó đang thay đổi. Trung tâm công nghiệp của Trung Quốc đang dịch chuyển khỏi bờ biển, hướng về phía Tây Nam và các vùng biên giới với Myanmar, Lào và Việt Nam. Đối với vùng đất trung tâm mới này, khu vực Đông Nam Á gần đó là một thị trường, một nguồn cung cấp đầu vào và một tuyến đường có sẵn để ra biển.

Những trở ngại chính cho việc tiến xuống phía Nam là vấn đề địa lý – vùng đất biên giới không thể vượt qua. Để vượt qua chúng, Trung Quốc đã can dự vào Đông Nam Á với một loạt cơ sở hạ tầng xuyên biên giới: những con đường mới, một đường ống dẫn khí đốt qua Myanmar đến cảng nước sâu Kyaukphyu ở Vịnh Bengal, và một tuyến đường sắt cao tốc dự kiến đi qua Lào nối Côn Minh với Singapore. Hầu hết các dự án này được xem là một phần trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tuy vậy, nhiều người Đông Nam Á nhận thấy Trung Quốc đôi khi hiện diện quá mức và đưa ra những tuyên bố thiếu chân thành về việc không can thiệp. Đầu tư của Trung Quốc đi kèm với các ràng buộc. Các ngân hàng và công ty xây dựng khăng khăng đòi sử dụng công nhân Trung Quốc. Các hợp đồng thường không rõ ràng và được định giá quá cao (một số gộp cả các khoản hối lộ cần có để giành được hợp đồng).

Tham nhũng liên quan đến Trung Quốc là một yếu tố dẫn đến thất bại trong cuộc bầu cử năm 2018 của thủ Tướng Malaysia Najib Razak và đảng của ông, đảng đã cầm quyền kể từ khi nước này độc lập. Góp phần vào thất bại đó còn có sự xuất hiện của Đại sứ Trung Quốc công khai vận động cho đảng những người gốc Hoa trong liên minh cầm quyền – những hành động này là quá nhiều so với tuyên bố không can thiệp. Trong khi đó, một nhà ngoại giao cấp cao của khu vực cho biết các khoản tài trợ ngầm cho các đảng chính trị ở Malaysia và Indonesia thường là tấm vé vào cửa để kinh doanh. Trung Quốc được cho là đã rót tiền để tạo nên thành công của Duterte trong nỗ lực trở thành Tổng thống Philippines năm 2016.

Một số dự án do Trung Quốc hậu thuẫn, trên hết là tuyến đường sắt cao tốc cho nước Lào nhỏ bé và nghèo khó, hầu như không có tính hợp lý về kinh tế và ẩn chứa những rủi ro cao về môi trường. Một đợt hạn hán chưa từng có đã xảy ra năm 2019 ở hạ lưu sông Mekong với lý do Trung Quốc xây đập làm gián đoạn dòng chảy theo mùa của con sông này, mà sinh kế của hàng triệu ngư dân Campuchia và Việt Nam phụ thuộc vào đó. Ở Campuchia, Lào và Myanmar, các vụ thâu tóm đất của người Trung Quốc đồng nghĩa với việc rừng bị phá.

Một người biểu tình ủng hộ dân chủ giơ một tấm biển liên quan đến “liên minh trà sữa” trong cuộc biểu tình chống chính phủ tại ngã tư Kaset, Bangkok vào ngày 19 tháng 10 năm 2020, khi họ tiếp tục bất chấp sắc lệnh khẩn cấp cấm tụ tập. (AFP/Getty)

Thiện chí hoà bình của Trung Quốc?

Đối với việc Trung Quốc đến trong hòa bình, các nhà hoạch định chính sách tự hỏi làm thế nào để giải quyết vấn đề đó với các tuyên bố chủ quyền ngang ngược và vô lý ở Biển Đông, những tuyên bố đã đẩy Trung Quốc vào tranh chấp với Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam? Năm 2016, trong một vụ kiện do Philippines đưa ra, Tòa trọng tài đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc. Khi Singapore kêu gọi Trung Quốc tuân theo các phán quyết của tòa, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã gay gắt chỉ trích Chính phủ Singapore. Ngược lại, Campuchia nhỏ bé, nước vốn ưu tiên việc trung thành với Trung Quốc hơn là tình đoàn kết của ASEAN, đã được thưởng bằng các khoản cho vay.

Tuy nhiên, nhân nhượng Trung Quốc không có nghĩa là được nhận phần thưởng. Duterte đã gạt phán quyết của Tòa trọng tài sang một bên với hy vọng thu hút được đầu tư của Trung Quốc. Tập Cận Bình đã nhanh chóng hứa đầu tư hàng tỷ USD cho cơ sở hạ tầng. Nhưng chẳng có mấy khoản đầu tư trở thành hiện thực. Trong khi đó, trên biển Đông, hành động gây hấn của Trung Quốc vẫn diễn ra.

Chính vì vậy, đây cũng là thời điểm các quốc gia Đông Nam Á cần phải điều chỉnh chính sách, đặc biệt là với Trung Quốc, để tránh tình trạng lún sâu vào vòng kiềm toả của Bắc Kinh. (RFA)