Đợi miễn dịch cộng đồng để chống Covid: Giấc mơ viển vông?
Khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu vào đầu năm 2020, nhiều chính phủ đặt hy vọng vào “miễn dịch cộng đồng”.
Ở phương pháp này, virus lây lan rộng trong xã hội và gây bệnh, nhưng qua đó kích hoạt phản ứng miễn dịch của những người bị mắc và khỏi bệnh. Khi đã đạt đủ tỷ lệ người có kháng thể, chẳng hạn 60-70% dân số, thì sự lây lan của virus sẽ giảm dần, và những người chưa bị nhiễm sẽ được bảo vệ bởi cơ hội lây lan ngày càng yếu của virus.
Về lý thuyết thì như vậy. Nhưng trên thực tế, Covid-19 đã quét qua châu Á, châu Âu và châu Mỹ, khiến hàng triệu người mắc bệnh và hàng triệu người trong số đã khỏi bệnh, nhưng cũng có hàng trăm nghìn người phải nhập viện và tử vong. Đến hiện tại, thế giới đã có 164 triệu ca nhiễm và 3.4 triệu ca tử vong vì Covid.
“Nói một cách đơn giản, ngưỡng miễn dịch cộng đồng là tỷ lệ đủ dân số đã được miễn dịch để khiến virus suy giảm. Nhưng trong thế giới thực, điều này rất phức tạp”.
Theo hãng tin CNBC, chiến lược đợi miễn dịch cộng đồng để chống Covid đã nhanh chóng bị hầu hết các quốc gia từ bỏ, trong đó điển hình là Thuỵ Điển. Thay vào đó, phong toả là phương pháp chính để ngăn virus lây lan trong lúc việc tiêm chủng được đẩy nhanh.
Thế giới hiện đã có những vắc-xin hiệu quả cao và các chương trình tiêm chủng ngừa Covid được triển khai tại hầu khắp các quốc gia. Điều này làm dấy lên hy vọng rằng một khi tỷ lệ dân số được tiêm đạt tới mức nhất định, miễn dịch cộng đồng sẽ được thiết lập. Trong trường hợp đó, với số người được tiêm đạt đã đủ, virus sẽ không còn nơi để ký sinh và sẽ tiêu vong.
Nhưng một lần nữa, Covid-19 lại cho thấy sự khó lường của nó, và thế giới vẫn chưa thể biết sự bảo vệ mà vắc-xin mang lại, hay miễn dịch tự nhiên có được thông qua việc nhiễm và khỏi bệnh, có thể kéo dài trong bao lâu.
Tâm lý ngại tiêm vắc-xin, vai trò của trẻ em trong truyền nhiễm (trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng Covid) và nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới cũng là những vấn đề chưa được xử lý, có khả năng cản trở sự hình thành của miễn dịch cộng đồng – giới chuyên gia cảnh báo.
Hầu hết chuyên gia tin rằng Covid-19 sẽ trở thành một bệnh thường gặp (endemic) như cúm (đồng nghĩa virus sẽ tiếp tục lưu hành ở một vài bộ phận trong dân số, giống như một mối đe doạ mang tính mùa vụ), đồng thời hy vọng Covid sẽ trở nên bớt nguy hiểm hơn theo thời gian.
CHƯA NƠI NÀO CÓ MIỄN DỊCH CỘNG ĐỒNG
Nhà dịch tễ học Lauren Ancel Meyers, người đứng đầu Liên minh Mô hình hoá Covid-19 thuộc Đại học Texas, miêu tả miễn dịch cộng đồng như “một ý tưởng mà nếu chúng ta tiêm chủng cho đủ số người trên toàn cầu, thì virus sẽ không còn nơi nào để lây lan, và đại dịch sẽ hoàn toàn chấm dứt”.
Bà Meyers lưu ý rằng thậm chí ở các thành phố của Mỹ, vẫn có những khu vực có mức độ miễn dịch thấp. “Nơi tôi sống là Austin, Texas. Chúng tôi ước tính rằng tỷ lệ tiêm chủng ở đây dao động từ dưới 40% đến hơn 80% tuỳ thuộc từng khu vực. Khắp mọi nơi, trẻ nhỏ dưới 12 tuổi vẫn chưa thể được tiêm. Chừng nào còn có những khu vực có mức độ miễn dịch thấp, thì virus vẫn sẽ tiếp tục lây lan và sản sinh ra những biến thể mới”.
“Không may, chúng ta còn cách rất xa điều đó trên quy mô toàn cầu”, bà Meyers nói với CNBC. “Virus vẫn đang lây lan nhanh chóng ở nhiều châu lục, những biến thể mới với khả năng lây mạnh hơn có thể xâm nhập vào các cộng đồng tiếp tục xuất hiện, và nhiều quốc gia còn chậm hơn rất nhiều so với Mỹ trong việc triển khai vắc-xin”.
Tuy nhiên, bà Meyers lưu ý rằng nếu thế giới không đạt được miễn dịch cộng đồng đầy đủ, “vắc-xin giúp mang lại một thế giới mà độ nguy hiểm của Covid giảm đi rất nhiều”.
Theo bà Meyers, có nhiều thông tin sai lệch và hiểu lầm về ngưỡng miễn dịch cộng đồng. “Nói một cách đơn giản, ngưỡng miễn dịch cộng đồng là tỷ lệ đủ dân số đã được miễn dịch để khiến virus suy giảm. Nhưng trong thế giới thực, điều này rất phức tạp”.
“Với những biến thể mới nổi lên và những khu vực có tỷ lệ bao phủ thấp của vắc-xin, chẳng có gì đảm bảo chúng ta sẽ đạt tới ngưỡng đó”, nhà dịch tế học nói. Bà nhấn mạnh điều quan trọng là mọi người cần nhận thức được rằng “càng có nhiều người tiêm chủng, thì nguy cơ từ virus sẽ càng giảm nhanh”.
“Chúng ta có thể không bao giờ đạt tới miễn dịch cộng đồng trên quy mô toàn cầu và xoá sạch Covid-19. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể sớm lập lại sự bình thường. Chúng ta đã chứng kiến số ca nhiễm mới và số ca phải nhập viện điều trị bắt đầu giảm ở nhiều quốc gia”, bà Meyers nói.
CHIẾN LƯỢC ĐẦY THÁCH THỨC
Sau một năm, virus corona đã có nhiều đột biến quan trọng và một số biến chủng trở nên nổi trội do khả năng lây nhiễm nhanh hơn, chẳng hạn biến chủng phát hiện lần đầu ở Anh và Nam Phi vào năm ngoái. Hiện nay, biến chủng phát hiện lần đầu ở Ấn Độ vào tháng 10/2020 đang hoành hành mạnh ở nước này và lan sang các quốc gia khác.
Giáo sư Lawrence Young, nhà virus học thuộc Trường Y khoa, Đại học Warwick, nói rằng miễn dịch cộng đồng có thể là điều mà thế giới không bao giờ đạt được với Covid-19.
Cũng giống như đối với các biến chủng trước, giới chuyên gia đang nghiên cứu để xác định xem biến chủng Ấn Độ có dễ lây hơn (như các bằng chứng ban đầu cho thấy), nguy hiểm hơn (bằng chứng ban đầu cho thấy là không), và có thể làm giảm tác dụng của vắc-xin (bằng chứng ban đầu cho thấy là không).
Giáo sư Lawrence Young, nhà virus học thuộc Trường Y khoa, Đại học Warwick, nói với CNBC rằng miễn dịch cộng đồng có thể là điều mà thế giới không bao giờ đạt được với Covid-19.
“Theo đuổi miễn dịch cộng đồng bằng cách để người dân nhiễm bệnh rồi khỏi bệnh không phải là một ý tưởng tuyệt vời, vì rõ ràng việc nhiễm bệnh này là nguy hiểm. Ngoài ra, ngưỡng miễn dịch cộng đồng cũng là điều khó xác định, vì khó xác định tỷ lệ dân số cần phải được bảo vệ là bao nhiêu, và việc này còn tuỳ thuộc nhiều vào khả năng lây lan của virus”, ông Young nhấn mạnh.
“Chúng ta đang phải đối phó với những biến chủng có khả năng lây lan khác nhau, và tôi cho rằng đó là lý do khiến đạt miễn dịch cộng đồng là một việc đầy thách thức”.
Ông Young cũng nhấn mạnh còn quá nhiều điều mà thế giới chưa biết về Covid-19.
“Tôi cho rằng việc cố đạt miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm vắc-xin sẽ là điều không thể. Các biến chủng và việc bạn chưa chắc có được miễn dịch trọn đời sau khi tiêm phòng càng khiến việc đạt miễn dịch cộng đồng khó hơn”.
Khi được hỏi về khả năng Covid-19 bị xoá sổ hoàn toàn, ông Young nói: “Điều đó sẽ không xảy ra. Chúng ta sẽ phải chung sống với Covid, giống như bệnh cúm, và chúng ta chỉ cần tiêm chủng cho nhiều người nhất có thể để họ không mắc bệnh mà thôi”. (VNEco)