Dịch vụ streaming “méo mặt” vì nạn chia sẻ password
Từ nhỏ chúng ta đã được dạy về tinh thần và ý nghĩa của việc chia sẻ. Chia sẻ gần như luôn được hoan nghênh và cổ xúy. Thế nhưng chia sẻ mật khẩu (password) dịch vụ streaming trên các kênh giải trí như Netflix, HBO, Amazon Prime… đang làm các hãng này bắt đầu khóc ròng.
AP ngày 14-5-2021 cho biết, việc khách hàng chia sẻ mật khẩu khiến các dịch vụ phát trực tuyến thất thoát doanh thu đến vài tỉ USD mỗi năm. Có vẻ như đó chỉ là một khoản quá nhỏ đối với một ngành công nghiệp kiếm được khoảng 120 tỉ USD/năm, nhưng nếu tình trạng này tiếp tục và phổ biến hơn thì vấn đề bắt đầu đáng lưu ý. Cần biết, dịch vụ streaming đang ngày càng lấn sân mạnh vào công nghiệp điện ảnh với nhiều serie phim được đầu tư bằng ngân sách khổng lồ. Loạt phim truyền hình nhiều tập Lord of the Rings sắp tới của Amazon được bỏ vốn đến 450 triệu USD chỉ riêng mùa thứ nhất – gấp bốn chi phí một mùa phim Game of Thrones của HBO.
Các công ty video từ lâu đã đưa ra nhiều cách thức hợp pháp để nhiều khách hàng có thể cùng sử dụng dịch vụ, bằng cách tạo hồ sơ cá nhân hoặc cung cấp các cấp độ dịch vụ với mức độ chia sẻ khác nhau. Cái khó của các công ty là làm sao có thể đảm bảo doanh thu khi phát triển vừa không làm khó người sử dụng. Nếu nguyên tắc chia sẻ mật khẩu chặt chẽ thì có thể khiến một số người buộc phải mua thuê bao; nhưng cùng lúc, nếu quá khắt khe thì có thể khiến khách hàng xa lánh và chọn đối thủ cạnh tranh khác. Dịch vụ streaming chưa bao giờ bùng nổ bằng lúc này, không coi Netflix thì coi HBO, không coi HBO thì dùng Hulu…
Vài công ty đang thử nghiệm việc xác minh thuê bao đăng ký. Tháng 3-2021, một số người dùng Netflix bắt đầu thấy “cửa sổ” (popup) yêu cầu họ xác minh tài khoản bằng cách nhập mã được gửi qua email hoặc tin nhắn điện thoại. Tuy nhiên, Netflix vẫn dè dặt trong thử nghiệm này nên lại cho phép khách hàng lựa chọn xác minh “sau” (“later”) chứ không phải ngay lúc đó. Netflix không cho biết có bao nhiêu khách hàng được chọn cho cuộc thử nghiệm trên và điều này chỉ được thực hiện ở thị trường Mỹ hay còn nơi nào khác.
Tốc độ tăng trưởng số người đăng ký Netflix từng bùng nổ vào năm 2020 do nhiều người phải làm việc ở nhà bởi đại dịch nhưng hiện nay đang chậm lại. Netflix vẫn là dịch vụ phát trực tuyến mạnh nhất nhì thế giới với hơn 200 triệu người đăng ký trên toàn cầu. Tuy nhiên, một loạt đối thủ cạnh tranh mới đã xuất hiện, trong đó có Disney+, với phí rẻ hơn. Disney+ nhanh chóng thu hút 100 triệu người đăng ký trong chưa đầy hai năm. Khi Disney+ ra mắt năm 2019, CEO Bob Iger nói rằng mô hình Disney+ dựa vào yếu tố chia sẻ. “Chúng tôi đang thiết lập một dịch vụ rất thân thiện với gia đình, chúng tôi hy vọng các gia đình có thể sử dụng dịch vụ này – chẳng hạn mọi người có thể xem bốn luồng trực tiếp cùng một lúc” – Bob Iger trả lời phỏng vấn CNBC thời điểm đó.
Theo Trung tâm Internet và Công nghệ Pew, khoảng 2/5 người lớn đã chia sẻ mật khẩu dịch vụ streaming với bạn bè hoặc thành viên gia đình. Với nhóm người trẻ, con số này thậm chí cao hơn: 56% người từ 18 đến 29 tuổi đã chia sẻ mật khẩu. Có thể dễ dàng thấy tâm lý chung rằng ai cũng muốn tiết kiệm theo kiểu “được đồng nào hay đồng đó”. Một nghiên cứu khác cho thấy hơn ¼ dịch vụ streaming được sử dụng bởi nhiều hộ gia đình. Cũng có trường hợp một gia đình hoặc bạn bè chia sẻ tài khoản mà họ thanh toán cho những người không thuộc hộ gia đình mình. Trong một số trường hợp ít phổ biến hơn, một số hộ gia đình cùng nhau “ăn đồng chia đủ” phí thuê bao…
Theo dữ liệu gần đây nhất của công ty nghiên cứu Park Associates, việc chia sẻ hoặc đánh cắp mật khẩu dịch vụ streaming gây thiệt hại ước tính 2,5 tỉ USD vào năm 2019 và con số này dự kiến tăng gần 3,5 tỉ USD vào năm 2024. Đó có thể chỉ là một phần nhỏ trong 119,69 tỉ USD mà eMarketer dự đoán mọi người sẽ chi cho các dịch vụ streaming video trong năm nay tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng thuê bao đang chậm lại và chi phí ngày càng tăng. Các hãng đang đầu tư chóng mặt để sản xuất những bộ phim đình đám và chương trình gốc (original movies) của riêng mình trong cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt. Disney+ cho biết họ sẽ chi tới 16 tỉ USD/năm cho những nội dung mới (phát trên Disney+, Hulu và ESPN+) vào năm tài chính 2024. Netflix dự kiến chi 19 tỉ USD cho các phim originals trong năm nay.
Một số chuyên gia phân tích dự báo rằng hầu hết dịch vụ streaming sẽ chứng kiến tình trạng lỗ trong vài năm tới trước khi hòa vốn. Vì vậy, họ phải tận dụng nguồn khách thuê bao. Giải pháp nữa là tăng giá. Netflix đã tăng giá gói phổ biến nhất của họ lên 1 USD vào tháng 10-2020, lên 14 USD/tháng. Disney+ cũng theo sau vào tháng 3-2021, tăng thêm 1 USD, nâng phí thuê bao tháng lên 8 USD. Nhìn chung, kiếm tiền bằng dịch vụ streaming tưởng ngon ăn nhưng cũng khá “chua”. Lượng khách thuê bao thường xuyên trồi sụt thất thường. Có vô số khách hàng có thói quen đăng ký thuê bao chỉ để xem serie đang đình đám nào đó mà họ yêu thích và sau khi xem xong thì lập tức vào tài khoản nhấn nút “unsubscribe” một cách không ngần ngừ. (SGN)