Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

ĐH Melbourne: Chưa tiêm có nguy cơ phát tán bệnh cao gấp 20 lần


Dựa trên các phép tính, hai chuyên gia thuộc Đại học Melbourne (Úc) nhận định người chưa tiêm chủng có nguy cơ lây bệnh cho người khác cao gấp 20 lần so với người đã tiêm.

Khi lệnh phong tỏa dần được nới lỏng tại các tiểu-bang New South Wales, Victoria và Lãnh thổ Thủ đô (ACT) của Úc, nhiều người sẽ quay trở lại với nơi làm việc và các buổi gặp gỡ xã giao. Họ sẽ phải chạm mặt thường xuyên hơn với người khác, dù một bộ phận người dân vẫn chưa tiêm chủng.

Tuy vắc-xin ngừa Covid-19 giảm rủi ro bệnh trở nặng hoặc lây cho người khác, số ít người đã tiêm chủng vẫn cần được điều trị tích cực (ICU) sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Vì thế, nhiều người đã tiêm chủng lo ngại việc phải tiếp xúc với người chưa tiêm.

Câu hỏi được đặt ra lúc này là rủi ro người chưa tiêm chủng lây bệnh cho người khác là bao nhiêu?

Câu trả lời cho vấn đề trên được hai chuyên gia của Đại học Melbourne (Úc) – Christopher Baker, viện sĩ nghiên cứu thống kê về rủi ro an ninh sinh học, và Andrew Robinson, CEO Trung tâm Xuất sắc về phân tích rủi ro an ninh sinh học – giải đáp trong bài viết ngày 28/10 trên Conversation.

Chênh lệch 20 lần giữa người chưa tiêm và đã tiêm

Trên Conversation, ông Baker và Robinson chỉ ra rằng các báo cáo gần đây từ Sở Y tế tiểu-bang Victoria cho thấy người chưa tiêm chủng có khả năng mắc Covid-19 cao gấp 10 lần so với người đã tiêm.

Trong khi đó, nguy cơ người đã tiêm chủng lây Covid-19 cho người khác cũng thấp hơn. Theo mô hình do Viện Lây nhiễm và Miễn dịch Peter Doherty (Úc) công bố hồi tháng 8, rủi ro này sẽ giảm khoảng 65% sau tiêm chủng, nhưng các nghiên cứu mới đây cho thấy con số ấy có thể thấp hơn ở người tiêm AstraZeneca.

Để phục vụ cho việc tính toán, hai chuyên gia giả sử rủi ro người đã tiêm lây Covid-19 cho người khác sẽ giảm 50%.

Vì mức độ lưu hành của Covid-19 thay đổi theo thời gian, hai chuyên gia nhận định rằng chúng ta khó có thể ước tính rủi ro lây nhiễm tuyệt đối và cần nghĩ tới rủi ro tương đối.

“Nếu tôi dành thời gian bên người chưa được tiêm, người này có thể mắc Covid-19 và lây cho tôi. Nhưng nếu đối phương đã tiêm chủng, khả năng họ mắc Covid-19 sẽ giảm 10 lần, và khả năng họ lây cho tôi sẽ giảm 50%, dựa trên những con số ở trên”, hai chuyên gia nhận định.

Đồ họa: The Conversation

Như vậy, rủi ro mắc Covid-19 khi ở gần một người đã tiêm chủng sẽ được giảm 20 lần so với việc ở gần người chưa tiêm chủng, theo hai chuyên gia Úc.

Ông Baker và Robinson cho hay con số chính xác còn phụ thuộc vào một loạt yếu tố, bao gồm loại vắc-xin và khoảng thời gian đã trôi qua sau tiêm chủng. Nhưng tại Úc, rủi ro lây nhiễm sẽ được giảm phần lớn khi tiếp xúc với người đã tiêm đầy đủ.

“Phép tính trên vẫn đúng dù bạn có tiêm chủng hay không. Nhưng vắc-xin sẽ giúp bạn giảm rủi ro mắc bệnh 10 lần”, hai chuyên gia nói.

Vì thế, người dùng bữa tại nhà hàng hoặc làm việc tại văn phòng nơi mọi người đều đã tiêm chủng sẽ có rủi ro lây nhiễm thấp hơn, dù người đó có tiêm chủng hay không.

Rủi ro khi ấy sẽ được giảm khoảng 20 lần, nhưng mỗi người vẫn cần cân nhắc liệu con số này có quan trọng với hoàn cảnh của mình hay của người mình sẽ tiếp xúc hay không, hai chuyên gia nhấn mạnh.

Một bệnh nhân trong phòng cấp cứu của Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia tại Bucharest, Romania vào ngày 11/10. Hình Reuters

Một số người không thể tiêm chủng vì quá nhỏ tuổi hoặc đặc điểm cơ thể không cho phép. Một số khác gặp chứng suy giảm hệ miễn dịch nên hiệu quả bảo vệ của hai mũi vắc-xin không bằng những người khác.

Do đó, việc tăng độ phủ tiêm chủng sẽ giúp bảo vệ người không tiêm (vì lý do y tế hoặc lựa chọn cá nhân) hoặc người đã tiêm nhưng không được bảo vệ đầy đủ. Nhóm rủi ro cao cũng có thể giảm nguy cơ mắc Covid-19 nếu họ tiếp xúc chủ yếu với người đã tiêm chủng.

Trong trường hợp không thể tiêm chủng, chúng ta vẫn còn một số hành động khác có thể giảm rủi ro lây nhiễm như đeo khẩu trang và rửa tay cẩn thận.

Trong khi đó, ở quy mô hộ gia đình, một nghiên cứu khác công bố trên Lancet gần đây cho thấy những người đã được tiêm phòng đầy đủ vẫn lây nhiễm cho các thành viên khác sống cùng nhà như đối tượng chưa được tiêm.

Để thực hiện nghiên cứu nói trên, nhóm tác giả – từ Đại học Hoàng gia London, Cơ quan An ninh Y tế Anh (HSA) và một số tổ chức khác – đã phân tích dữ liệu từ 204 thành viên gia đình tiếp xúc với 138 bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta. Trong số đó, 53 người tiếp tục nhiễm Covid-19 (31 người đã tiêm vắc-xin, 15 người chưa tiêm). Tức là, có rất ít hoặc không có sự khác biệt trong khả năng lây nhiễm cho người thân giữa một bệnh nhân đã tiêm hay chưa tiêm vắc-xin.

Một bộ kit tự xét nghiệm được bán tại Singapore. Hình Straits Times

Công dụng của test nhanh kháng nguyên

Một số người đề xuất xét nghiệm thường xuyên đối với người không muốn tiêm chủng để kiểm soát sự lây lan của Covid-19.

Bộ trưởng Y tế Greg Hunt cho biết người dân Úc có thể mua bộ test kháng nguyên nhanh từ ngày 1/11 để tự xét nghiệm tại nhà hoặc trước khi bước vào một số địa điểm.

Để trả lời câu hỏi liệu xét nghiệm kháng nguyên nhanh có giảm rủi ro lây nhiễm hay không, hai chuyên gia cho rằng cần tính tới độ nhạy xét nghiệm – tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính khi người được xét nghiệm thực sự mắc bệnh.

Theo hai chuyên gia, rất khó để ước tính chính xác, nhưng khả năng xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại nhà nhận diện được người nhiễm bệnh là khoảng 64%. Điều này có nghĩa xét nghiệm nhanh kháng nguyên có thể phát hiện khoảng 2/3 số ca mắc Covid-19.

Nói cách khác, nếu mọi người trong một buổi gặp mặt đều có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính, rủi ro bạn bị lây bệnh khi tham gia sự kiện này sẽ được giảm 3 lần.

Dù vậy, hai chuyên gia nhấn mạnh rằng tuy giúp giảm rủi ro, xét nghiệm nhanh không thay thế vắc-xin. Khi kết hợp với tỷ lệ tiêm chủng cao, xét nghiệm nhanh có thể tăng cường hiệu quả bảo vệ ở những nơi rất cần ngăn chặn lây nhiễm như bệnh viện và viện dưỡng lão. (T/H, Z/N)