Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Đánh giá tác động của thoả thuận thương mại Anh – EU

Nguồn: Robert Shrimsley, “The Brexit deal is just the end of the beginning”, Financial Times, 24/12/2020.

Người dịch: Phan Nguyên

Anh EU
Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Anh Boris Johnson được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chào đón tại tòa nhà Berlaymont ở trụ sở EU tại Brussels hôm 9/12/2020 khi ông sang EU thảo luận về thỏa thuận hậu Brexit. (Hình Getty)

Cuối cùng Anh và EU cũng đạt được một thỏa thuận thương mại – và trước hạn chót cả một tuần. Chỉ sau khi văn bản thỏa thuận được công bố chúng ta mới có thể hiểu đầy đủ về việc bên nào đã đưa ra nhượng bộ và trên những vấn đề gì. Nhưng sau bốn năm rưỡi hỗn loạn, căng thẳng và thường đi kèm những rối loạn chính trị đáng xấu hổ, Vương quốc Anh cuối cùng đã có một hình dung ổn định về việc Brexit sẽ trông như thế nào.

Thực tế là việc đạt được thỏa thuận là một tin tốt. Hậu quả của việc không đạt được thoả thuận sẽ là tồi tệ cho cả hai bên, nhưng còn tồi tệ hơn đối với Anh.

Nhưng cần phải nói rõ rằng thỏa thuận này, dù tốt hơn là không có gì, vẫn còn cách xa những gì mà một quốc gia thương mại toàn cầu vĩ đại nên mong muốn; và nó chỉ là mức tối thiểu có thể đạt được do sự cứng rắn về mặt tư tưởng của chính phủ Anh. Đó chắc chắn không phải là một thỏa thuận dễ dàng mà những người ủng hộ Brexit từng dự đoán một cách phiến diện. Các nhà sản xuất có thể được miễn thuế quan và hạn ngạch nhưng họ phải đối mặt với rào cản quan liêu tốn kém, có khả năng ảnh hưởng đến xuất khẩu của Anh sang châu Âu. Thậm chí lĩnh vực dịch vụ, động cơ của nền kinh tế Anh, sẽ còn đạt được ít hơn. Cái giá của chủ quyền cho Anh về cơ bản là một thỏa thuận thương mại lần đầu tiên được thiết kế để giảm khả năng tiếp cận thị trường.

Nhưng ít nhất đó là cơ sở để từ đó phát triển và hy vọng chấm dứt tình trạng rối loạn và sự bài ngoại vốn đặc trưng cho rất nhiều dòng quan điểm trong công luận Anh. Điều đó có nghĩa là cuối cùng, Anh có thể rời EU với những điều kiện tương đối hữu nghị.

Việc đạt thỏa thuận luôn là kết quả có khả năng xảy ra cao nhất. Thủ tướng Boris Johnson đã nói rõ rằng những chuyển động thực sự sẽ chỉ diễn ra trong những ngày cuối cùng, và công bằng mà nói, ông đã giànhđược nhiều lợi ích hơn cho Anh bằng cách giữ vững tinh thần của mình. Việc không đạt thỏa thuận chưabao giờ nằm trong kế hoạch của Anh (đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch). Sự hỗn loạn trong vài ngày qua sau khi Pháp đóng cửa các cảng do một chủng virus mới ở Anh đã cho thấy những dấu hiệu không mấy tốt đẹp cho trường hợp không đạt được thỏa thuận mà Anh dự phòng.

Những ngày sắp tới chúng ta sẽ chứng kiến ​​những tuyên bố ồn ào về kỹ năng đàm phán của Johnson và cách ông giành được nhiều lợi ích cho nước Anh. Tuy nhiên, cũng như với thỏa thuận rút khỏi EU, Anh đãbị buộc phải chiến đấu chỉ để giành được những cục xương không có thịt và không thể kéo Brussels vượt quá những gì họ sẵn sàng nhượng bộ. Những cuộc nói chuyện dũng cảm và rỗng tuếch về việc dùng các quốc gia EU chống lại nhau đã mang lại rất ít kết quả. Trong khi Anh vật lộn với chính mình, EU vẫn giữ được một mặt trận khá thống nhất. Đây sẽ là một lời cảnh báo lớn cho các chính trị gia Anh trong tương lai.

Boris Johnson, Ursula von der Leyen
Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Boris Johnson nói chuyện nhiều lần với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Johnson biết rằng sẽ có những người ủng hộ Brexit tuyên bố phản đối sự “phản bội”. Nigel Farage, lãnh đạo Đảng Brexit, sẽ tiếp tục nêu quan điểm phản đối (mặc dù phản ứng tức thì của ông là ủng hộ), và điều này cũng đúng với một số nghị sĩ Bảo thủ. Tuyên bố rằng chính phủ Johnson “bán nước” cho phép những người theo chủ trương “Brexit cứng” bảo vệ mình trước những lời đổ lỗi về những gì sẽ xảy ra tiếp theo, vì đó không phải là một “Brexit phù hợp”. Nhưng phe Bảo thủ biết rằng phải có thỏa hiệp. Họ muốn và cần một chiến thắng và ít nhất trong ngắn hạn, hầu hết sẽ có xu hướng ủng hộ quan điểm của thủ tướng.

Và họ nên làm vậy, vì nếu xét về việc cắt đứt liên hệ với EU, những người ủng hộ Brexit hầu như đã đạtđược tất cả những gì họ muốn. Johnson đã tách Vương quốc Anh (trừ Bắc Ireland) ra khỏi hầu hết các quy tắc, quy định và quyền tài phán của EU. Sự tách biệt về quy định này sẽ tạo ra những chi phí lớn, nhưng đó hiện là một quyết định kinh tế. Đối với Johnson, đây là cơ hội nhằm xoa dịu tranh cãi nội bộ của Anh về Brexit mặc dù ông sẽ không bao giờ giành lại được sự ủng hộ của những người muốn Anh ở lại EU.

Tuy nhiên, về dài hạn, nước Anh sẽ bị suy yếu. Một mình nước Anh sẽ có ít ảnh hưởng hơn trên trườngquốc tế. Bản thân chủ quyền quốc gia cũng đang gặp nguy hiểm lớn. Bắc Ireland sẽ hướng tới địa vị một nước cộng hòa nhiều hơn bao giờ hết; Scotland nhiều khả năng sẽ đưa Đảng Dân tộc quay lại nắm quyền với chương trình nghị sự là một cuộc trưng cầu dân ý lần hai về nền độc lập. Quan trọng hơn, quỹ đạo kinh tế của Vương quốc Anh hiện đang chậm hơn và thấp hơn. Hy vọng chính trị của Thủ tướng là những hậuquả của Brexit có thể được che giấu trong tình trạng suy thoái nói chung do đại dịch gây ra.

Rõ ràng đây là một chiến thắng chính trị của cá nhân Johnson và ông có quyền tận hưởng khoảnh khắc này. Hầu hết người Anh, dù họ đã bỏ phiếu như thế nào, bây giờ cũng sẽ hy vọng tiếp tục cuộc sống và có được sự thịnh vượng. Nhưng Johnson cũng biết rằng ông cũng là người góp phần dẫn tới Brexit và sẽ không thể trốn tránh trách nhiệm về những phí tổn đi kèm nếu nó diễn ra một cách tồi tệ. Chúng ta vẫn cầnthời gian để đánh giá các hậu quả kinh tế thực sự, để có được một tầm nhìn đầy đủ về những tác động của nó. Cuối cùng, với việc mất đi các lợi thế kinh tế từ tư cách thành viên EU, Anh sẽ cần một sự lãnh đạo nhanh nhẹn và hiệu quả hơn so với những gì mà chính phủ hiện tại cho đến nay cho thấy họ có thể manglại.

Dù Vương quốc Anh có trở thành một quốc gia như thế nào đi nữa trong tương lai, không ai có thể nói khoảng thời gian kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 đã cho thấy hình ảnh một quốc gia tự tin, độc lập. Tình trạng hỗn loạn này đã giúp dập tắt các phong trào tương tự (đòi rút khỏi EU) ở các quốc gia thành viên khác. Theo quan điểm của EU, Brexit diễn ra như vậy là đã tốt đẹp lắm rồi.

Nếu xét những điều đó, Anh ít nhất cũng đã tránh được kết quả tồi tệ nhất và hiện có nền tảng cho những mối quan hệ kinh tế và ngoại giao chặt chẽ hơn cần được xây dựng lại trong những năm tới. Đây không phải là những lời cuối cùng chúng ta có thể nói về mối quan hệ của Anh với EU. Như người ta thường nói, đây mới chỉ là sự kết thúc của giai đoạn khởi đầu. (NCQT)

Robert Shrimsley là chuyên gia bình luận chính về chính trị Anh của tờ Financial Times.