Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Đằng sau quyết định tăng chi tiêu quốc phòng của Úc giữa căng thẳng với Trung Quốc

Ngày 1-7, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố sẽ chi 270 tỷ AUD (khoảng 190 tỷ USD) trong thập kỷ tới cho việc tăng cường khả năng quốc phòng của nước này, tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là trọng tâm

Phát biểu tại Học viện Quốc phòng Úc, Thủ tướng Morrison cho biết khoản ngân sách trên sẽ được dùng vào việc mua sắm vũ khí tấn công mạnh hơn, nâng cao năng lực không gian mạng và hệ thống giám sát dưới nước công nghệ cao, để chuẩn bị cho một thế giới hậu đại dịch Covid-19 “nghèo hơn, nguy hiểm hơn và bất ổn hơn”.

Theo ông Morrison, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở thành “tâm điểm” gia tăng cạnh tranh chiến lược và “nguy cơ tính toán sai lầm, thậm chí là xung đột, đang tăng lên”. Úc xác định, khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương không chỉ là nơi mà nước này thuộc về mà còn là môi trường chiến lược và là lợi ích của Úc. Trong khi Úc mong muốn có một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cởi mở, có chủ quyền, không bị ép buộc bởi bá quyền, thì việc nước này tăng cường khả năng phòng thủ là rất quan trọng để bảo vệ vị thế của mình trong khu vực.

Chính vì vậy, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết, chính sách quốc phòng của Úc trong 1 thập kỷ tới sẽ hướng về khu vực này: “Ấn Độ-Thái Bình Dương là khu vực đang chứng kiến sự cạnh tranh chiến lược mạnh mẽ. Khu vực này cũng sẽ định hình tương lai của chúng ta. Hơn thế nữa đây còn là khu vực chính, chứng kiến sự cạnh tranh toàn cầu trong thời đại của chúng ta”. Ông Morrison nêu rõ: Lực lượng Quốc phòng Úc (ADF) cần khả năng răn đe mạnh mẽ hơn để có thể ngăn chặn một cuộc tấn công vào Úc và giúp ngăn chặn chiến tranh.

Úc sẽ mua 200 tên lửa chống hạm tầm xa phóng từ máy bay. Ảnh minh họa: Hải quân Mỹ.

270 tỷ AUD

Trong khuôn khổ chiến lược quốc phòng mới, Thủ tướng Úc cũng thông báo việc chính phủ nước này sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 270 tỷ AUD trong một thập kỷ tới để nâng cao năng lực và giúp cho lực lượng quốc phòng Úc đảm bảo an toàn và lợi ích quốc gia trong bối cảnh môi trường thế giới đang thay đổi.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynold cho hay, kinh phí mà chính phủ cung cấp sẽ được đầu tư cho không quân, hàng hải, và các lực lượng trên đất liền. Theo bản Cập nhật Chiến lược quốc phòng năm 2020 và Kế hoạch cấu trúc lực lượng được công bố ngày 29-6, Úc sẽ chi 800 triệu AUD mua tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C (LRASM) của Hải quân Mỹ. Loại tên lửa này có tầm bắn hơn 370km, ưu việt hơn hẳn tên lửa chống hạm AGM-84 được đưa vào sử dụng ở Úc từ đầu những năm 1980, với tầm bắn chỉ 124km.

Canberra sẽ chi 9,3 tỷ AUD  cho nghiên cứu và phát triển vũ khí tầm xa, tốc độ cao, bao gồm cả vũ khí siêu âm và đầu tư từ 5-7 tỷ AUD cho một hệ thống giám sát dưới nước quy mô lớn sử dụng các cảm biến công nghệ cao, có thể bao gồm cả tàu ngầm không người lái. Ngoài ra, Chính phủ Úc sẽ chi 15 tỷ AUD để tăng cường năng lực chiến tranh thông tin và chiến tranh mạng trong vòng 10 năm tới; 1,3 tỷ AUD thúc đẩy các hoạt động an ninh mạng của các cơ quan tình báo an ninh bao gồm một mạng lưới các vệ tinh cho một mạng thông tin độc lập, và 7 tỷ AUD cho việc cải thiện năng lực không gian của Bộ Quốc phòng.

Như vậy, theo Thủ tướng Morrison, cam kết chi tiêu quốc phòng mới của Chính phủ liên bang Úc tăng hơn 70 tỷ AUD so với dự toán ngân sách quốc phòng hiện nay là 200 tỷ AUD cho 10 năm tới, và vượt mức cam kết chi 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng.

Hải quân Australia sẽ tập trung nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ảnh: Getty.

Nhằm vào Trung Quốc?

Dù ông Morrison không đề cập cụ thể đến Trung Quốc trong bài phát biểu của mình, nhưng các nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh là mục tiêu của việc Úc tăng cường các khoản chi tiêu cho quốc phòng. Canberra lo ngại Bắc Kinh có thể khai thác sự bất ổn chính trị và kinh tế ở các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương. “Khi Úc nói về những hành vi xấu xảy ra trong khu vực, việc sáp nhập lãnh thổ, ép buộc, ảnh hưởng nền chính trị trong nước, sử dụng các cuộc tấn công mạng – thực sự chỉ có một quốc gia thực hiện điều đó ở cấp độ tinh vi là Trung Quốc”, Peter Jennings, Giám đốc Viện chính sách chiến lược Úc nhận định.

Mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, nhưng quan hệ giữa hai quốc gia ngày càng trở nên khó khăn kể từ năm 2018, khi chính phủ của ông Morrison cấm Cty công nghệ Huawei của Trung Quốc tham gia xây dựng mạng 5G của nước này do lo ngại về an ninh quốc gia. Mối quan hệ Canberra- Bắc Kinh xấu hẳn đi kể từ tháng 4, khi Ngoại trưởng Úc Marise Payne cho rằng cần điều tra nguồn gốc của Covid-19. Trung Quốc trả đũa bằng cách áp thuế quan đối với lúa mạch Úc, tạm dừng nhập khẩu thịt bò từ bốn nhà máy thịt của nước này, kêu gọi du khách và sinh viên của mình tránh đến Úc do nguy cơ bị tấn công từ những kẻ phân biệt chủng tộc. (C/A)