Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Dân chủ nước Mỹ nhìn từ Úc châu.

Nguyễn Quang Duy

Bản Tuyên Ngôn Độc Lập, bản Hiến Pháp Hoa Kỳ và các bản Hiến Pháp của 50 tiểu bang đều không nhắc đến từ ngữ dân chủ (democracy), như vậy tam quyền phân lập có bao hàm ý nghĩa của dân chủ hay không? 

Hiến Pháp Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ

Dân chủ định nghĩa theo Hiến Pháp

Muốn hiểu được ý nghĩa của tam quyền phân lập tại Mỹ, chúng ta cần quay lại thời lập quốc, vào năm 1776, 13 cựu thuộc địa Anh Quốc đồng ý thành lập một hình thức liên bang cùng soạn bản Tuyên Ngôn Độc Lập.

Sau đó đến năm 1781, những nhà lập quốc lại cùng nhau soạn bản Dự Thảo Hiến Pháp, theo đó các chính quyền tiểu bang giữ lại chủ quyền lãnh thổ, chính quyền trung ương lo việc ngoại giao và quân sự, mọi quyết định ở trung ương cần ít nhất 9 tiểu bang đồng ý.

Năm 1783, chính quyền trung ương chính thức ký Hòa ước với Anh Quốc, các nhà lập quốc nhận ra rằng để có thể tồn tại vững vàng chính quyền trung ương cần được quyền in tiền, quyền thu thuế, quyền hòa giải và quyền phân xử tranh chấp giữa các tiểu bang.

Nên vào năm 1787 đại biểu từ 12 tiểu bang đã gặp nhau tại Philadelphia để thảo luận về một bản Hiến Pháp xây dựng một thể chế cộng hòa liên bang.

Vì mỗi tiểu bang có dân số, có điều kiện văn hóa, địa lý, kinh tế, tôn giáo và sắc tộc khác nhau, nên thay vì chọn phổ thông đầu phiếu các nhà lập quốc mới nghĩ đến cách bầu tổng thống theo cử tri đoàn, rồi tổng thống đề cử thẩm phán và thượng viện thảo luận thông qua việc đề cử.

Bằng phương cách dân chủ gián tiếp độc đáo này các tiểu bang có đông dân không thể dùng lá phiếu cử tri để lấn áp quyền lực và quyền lợi của các tiểu bang nhỏ có dân số ít.

Các tiểu bang chịu trách nhiệm về y tế, giáo dục, an ninh trật tự, an sinh xã hội, điều hành các cuộc bầu cử và hầu hết những vấn đề trực tiếp liên quan đến đời sống của người dân.

Trong khi chính quyền liên bang chỉ nắm quyền về ngoại giao, quốc phòng, tiền tệ và quyền hòa giải, phân xử tranh chấp giữa các tiểu bang và giữa liên bang với các tiểu bang. 

Bảo thủ chống cấp tiến

Từ đó đến nay vẫn có 2 luồng tư tưởng chính trị:

Tư tưởng bảo thủ cho rằng các chính phủ tiểu bang gần với dân hơn chính phủ liên bang nên phục vụ người dân tốt hơn vì thế cần giữ nguyên mô hình dân chủ gián tiếp như bản Hiến Pháp đã viết ra.

Tư tưởng cấp tiến lại cho rằng thế giới đã thay đổi rất nhiều những điều ghi trong Hiến Pháp cần được mở rộng hay thay thế, chính quyền trung ương cũng cần được mở rộng quyền lực.

Các tiểu bang cũng có hành pháp, lập pháp và tư pháp riêng và nhiều tiểu bang từ thống đốc, dân biểu, nghị sĩ và thẩm phán đều thông qua bầu phiếu trực tiếp.

Đã có một số đề nghị tu chính Hiến Pháp: tổng thống và các thẩm phán liên bang phải thông qua phổ thông đầu phiếu.

Nhưng muốn tu chính cần 2/3 dân biểu ở Hạ Viện đồng ý, rồi cần 2/3 nghị sĩ ở Thượng Viện đồng ý và rồi lại cần 3/4 các tiểu bang đồng thuận.

Cách thức khác là 50 tiểu bang ngồi lại để soạn ra cách thức bầu cử mới nói cách khác một hiến pháp mới.

Trên thực tế việc bất đồng quan điểm, khuynh hướng, niềm tin và nhất là lợi ích giữa các tiểu bang càng ngày càng đa dạng, mở rộng và phức tạp hơn, nên việc tu chính hay một hiến pháp mới sẽ khó có thể xảy ra.

Từ một liên bang thân hữu lỏng lẻo chỉ trong vòng 100 năm Hoa Kỳ đã trở thành một cường quốc số một trên thế giới và giữ vững vị thế này đến nay mới thấy được viễn kiến của các nhà lập quốc Hoa Kỳ. 

Đảng Dân Chủ Cộng Hòa

Bản Hiến Pháp quy định luật hoạt động chính trị chung cho các đảng chính trị từ liên bang xuống đến tiểu bang và xuống tận địa phương, biết về lịch sử thành lập đảng chính trị sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nền dân chủ tại Mỹ.

Đảng Dân chủ Cộng hòa được thành lập vào năm 1791 nhằm cạnh tranh với đảng Liên bang gồm những nhà quý tộc Anh và những nhà tư sản muốn tạo ra một ngân hàng liên bang và đề cao sức mạnh của chính quyền liên bang.

Đảng Dân chủ Cộng hòa chủ trương chính quyền liên bang phải hoạt động trong vòng Hiến pháp theo đúng nghĩa đã được viết ra để bảo vệ các tiểu bang, nhờ đó đảng này được giới công nhân và nông dân nhiệt tình ủng hộ khiến đảng Liên bang liên tục thất cử và đến năm 1812 ngừng sinh hoạt.

Không còn cạnh tranh chính trị, nội bộ đảng Dân chủ Cộng hòa bắt đầu chia làm 2 cánh: một cánh ủng hộ và một cánh chống lại tình trạng nô lệ.

Một số tiểu bang miền Bắc đã hủy bỏ chế độ nô lệ trước khi Hoa Kỳ được thành lập vào năm 1776, muốn phát triển về kỹ nghệ, nên giới tư bản và công nhân đã chống lại tình trạng nô lệ và nhiệt tình ủng hộ đảng Cộng Hòa.

Cánh miền Nam đa số là nông dân cần nô lệ phục vụ nông trại, đồng thời muốn mở rộng đất đai về phía Nam và phía Tây nên ủng hộ đảng Dân chủ.

Trong cuộc bầu cử năm 1860 đảng Cộng hòa nhờ tập trung vào đề tài giải phóng nô lệ mà mang lại chiến thắng cho Tổng thống Abraham Lincoln, nhưng đồng thời cũng dẫn đến nội chiến Bắc Nam.

Trong gần 1 thế kỷ, đảng Cộng Hòa được xem là đảng cấp tiến, chính phủ không xen vào chuyện cá nhân hay gia đình, cởi mở di dân, chi tiêu rộng rãi, mở rộng kỹ nghệ, bảo vệ thị trường nội địa và xây dựng chính quyền trung ương mạnh.

Đảng Dân Chủ được coi là bảo thủ cho rằng chính phủ trung ương không được phép đưa ra các đạo luật can thiệp vào tôn giáo hay đạo đức, thuế thấp và không được xen vào chuyện của các chính phủ tiểu bang.

Người da đen mặc dầu đã được tham gia bầu cử ở liên bang cũng như ở tiểu bang, nhưng đảng Dân Chủ vẫn thuộc người da trắng và vẫn không để người da đen tham gia các cuộc bầu cử sơ bộ. 

Đảng Dân Chủ đổi chiều…

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1930, Tổng thống Franklin Roosevelt (1933-45) thắng cử đã đưa ra Đối Sách Mới (New Deal) và chuyển đảng Dân Chủ thành một đảng với khuynh hướng cấp tiến cải tổ xã hội, chăm lo cho tầng lớp lao động và xây dựng hệ thống an sinh xã hội.

Người da đen bắt đầu được quyền tham gia các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ nên cũng bắt đầu chuyển sang sinh hoạt với đảng Dân Chủ.

Đến thời Tổng thống John Kennedy và Tổng thống Lyndon Johnson thực hiện kế hoạch chống lại nghèo đói bất công và ban hành Đạo Luật về Dân Quyền chống kỳ thị chủng tộc nên đa số cử tri da đen chuyển sang bầu cho đảng Dân Chủ.

Sang đến thời Tổng thống Bill Clinton và Tổng thống Barack Obama chính sách tân tự do, mở cửa thị trường gây nạn thất nghiệp trong khu vực công nghiệp, ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống của người lao động và nhất là người lao động Mỹ da đen.

Kết quả cuộc thăm dò cử tri vào tháng 7/2016 do hãng Rasmussen thực hiện chỉ 13% cử tri cho rằng cuộc sống của thanh niên người Mỹ da đen đã tốt hơn kể từ cuộc bầu cử của Tổng thống Obama vào tháng 11/2008.

Trong khi đó có tới 41% tin rằng đời sống trở nên tồi tệ hơn và 39% tin rằng cuộc sống của thanh niên da đen không có gì thay đổi.

Sự thất bại của Chính phủ Obama đã giúp Tổng thống Trump thắng cử, người lao động da trắng đã bỏ phiếu cho ông, trong khi cử tri da đen đã không đi bầu.

Đầu tháng 6/2019 hãng Rasmussen thực hiện khảo sát khác cho thấy 33% cử tri cho rằng cuộc sống của những người Mỹ da đen trẻ tuổi đã trở nên tốt hơn kể từ ngày ông Trump thắng cử, 20% cao hơn 8 năm cầm quyền của Tổng thống Obama.

Chừng 36% cử tri cho rằng tình trạng trở nên tồi tệ hơn, và 22% đánh giá cuộc sống của những người trẻ tuổi da đen không có gì thay đổi.

Trong khoảng thời gian tiến hành cuộc khảo sát, tháng 6/2019, nhờ những chính sách kinh tế của Chính phủ Trump con số thất nghiệp đã xuống thật thấp, nhiều người lao động và người Mỹ da đen đã có được công ăn việc làm.

Theo các cuộc khảo sát gần đây nhiều cử tri người Mỹ da đen đã chuyển sang bầu cho đảng Cộng Hòa, có 2 ứng cử viên trẻ người Mỹ da đen hy vọng sẽ thắng cử là ông John James ứng cử thượng viện tiểu bang Michigan và bà Kim Klacik ứng cử Hạ Viện đại diện khu vực số 7 Maryland.

Trong khi đó đảng Dân Chủ vẫn tự tin là cử tri da đen sẽ tiếp tục ủng hộ đảng này, ông Joe Biden vừa rồi tuyên bố người Mỹ da đen không bầu cho đảng Dân Chủ thì họ không phải là người Mỹ da đen.

Chính sách cởi mở di trú của đảng Dân Chủ có từ thời Tổng Thống Lyndon Johnson cũng giúp đảng Dân Chủ có được số cử tri ngày càng tăng từ các di dân, nhất là từ di dân gốc Á châu và Nam Mỹ. 

Bầu cử 2020

Ông Trump tiếp tục tranh cử với chủ trương nước Mỹ trên hết được ông ngắn gọn giải thích như sau:

Một người có lo được cho mình, thì mới lo được cho gia đình, mới đóng góp được cho cộng đồng, cho đất nước và cho thế giới, nên trách nhiệm ưu tiên hàng đầu của chính phủ là phải lo cho dân Mỹ có công ăn việc làm.

Nước Mỹ có giàu, có mạnh, có ổn định thì mới có khả năng đóng góp cho thế giới và nếu ông thắng cử ông sẽ tiếp tục chính sách như nhiệm kỳ trước: nước Mỹ trên hết.

Ngược lại các chính sách của ông Biden quay trở lại với thời chính phủ Obama, một mặt tăng thuế, tăng sự can thiệp chính phủ liên bang vào tiểu bang và trở lại chính sách ngoại giao theo khuynh hướng tân tự do toàn cầu hóa.

Cuộc tranh luận bầu cử Tổng thống lần thứ hai ông Biden đã tỏ ra gần gũi hơn với cánh tả dân chủ xã hội, với “Bidencare” một bước tiến tới hệ thống y tế miễn phí cho toàn dân, mức lương tối thiểu $15/1giờ, giáo dục đại học miễn phí và bảo vệ môi trường loại bỏ kỹ nghệ khai thác dầu khí từ mỏ dầu và các mỏ đá phiến. 

Chiến dịch tranh cử

Quỹ tranh cử của ông Biden nhiều hơn của ông Trump vài trăm triệu Mỹ Kim, đa số là các khoản tiền lớn do các nhà tư bản tài phiệt đóng góp, nhờ thế ông Biden có nhiều tiền để quảng cáo tranh cử, tập trung vào những tiêu cực của ông Trump và đề cao ông Biden là người thay thế.

Ông Trump có ít tiền hơn, nhưng đa số đến từ các đóng góp nhỏ, chiến dịch tranh cử cũng khác với hằng ngàn thiện nguyện viên gõ cửa từng nhà đến từng tổ chức vận động cho ông, đồng thời ông bay từ tiểu bang này sang tiểu bang khác liên tục tiếp xúc với hằng chục ngàn người tiếp đón ông.

Cánh tả dân chủ xã hội không nhận đóng góp từ giới tư bản tài phiệt, mà nhận từ hằng triệu cá nhân đóng những khoản tiền nhỏ, họ cũng gõ cửa từng nhà, đến từng tổ chức, mở các diễn đàn thu hút giới trẻ vào tranh luận và nhất là vận động bầu cử bằng cách công khai minh bạch đường lối chính sách dân chủ xã hội.

Ông Trump đã chuyển đảng Cộng Hòa từ một đảng bảo thủ thành một đảng biết lo cho thành phần lao động, cả người da trắng lẫn người da đen và biết quan tâm đến các cộng đồng sắc tộc như Việt Nam hay người gốc Nam Mỹ.

Ngược lại, phong trào dân chủ xã hội cũng chuyển đảng Dân Chủ từ các chính sách tân tự do xa rời quần chúng Mỹ, để ngày càng gần hơn với chính sách xã hội chủ nghĩa, xây dựng một nhà nước tập trung quyền lực vào trung ương. 

Nước Mỹ tự do dân chủ…

Đã có gần 90 triệu người Mỹ bầu cử lần này, những đoàn cử tri sắp hàng hằng tiếng đồng hồ để được bầu cho ứng cử viên họ chọn lựa, nếu nghĩ rằng không ai xứng đáng, người Mỹ có quyền tự do không đi bầu và không ai có quyền áp lực họ phải đi bầu.

Trong lần bầu cử trước chỉ 55 % cử tri đi bầu, lần này tỷ lệ theo dự đoán có thể lên đến 70 %, bởi thế khó nói trước ai sẽ là người thắng cử, mà nếu biết trước kết quả ai sẽ thắng thì e rằng dân chủ ở Mỹ vẫn còn rất giới hạn.

Nước Mỹ như một viên kim cương, 50 cạnh là 50 tiểu bang, mỗi cạnh lại được mài dũa với hằng ngàn chính quyền dân chủ địa phương, mỗi cạnh nhỏ lấp lánh phản chiếu giá trị của nó, tạo thành giá trị của nước Mỹ một quốc gia tự do và dân chủ nhất thế giới.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

1/11/2020