Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Đài Loan chuẩn bị cho “World War III” trên không gian mạng

Khi Trung Quốc tăng cường áp lực quân sự lên Đài Loan, hòn đảo tự quản này cũng cấp tập chuẩn bị cho cuộc chiến tranh lớn tiếp theo: làm tê liệt các cuộc tấn công mạng từ bên kia biên giới.

Sẵn sàng chiến đấu

Người đứng đầu bộ phận an ninh mạng của Đài Loan cho biết cơ quan ông “đang sử dụng các biện pháp tự vệ mạnh mẽ để chống lại các lỗ hổng công nghệ dễ tổn thương”, trong đó có cả thuê khoảng hai chục chuyên viên máy tính để thử tấn công hệ thống mạng chính phủ, và xem đây là cách chuẩn bị trước tốt nhất để “bẻ gẫy” khoảng 20-40 triệu cuộc tấn công mạng hàng tháng mà hòn đảo đang gánh chịu. Hiện Đài Loan có khả năng phòng thủ trước phần lớn các cuộc tấn công, dù chỉ một số ít được xem là “nghiêm trọng”. Tuy nhiên, chuẩn bị cho những vụ tấn công lớn hơn là cấp bách.

Ông Chien Hung-wei, Cục trưởng Cục An ninh mạng Đài Loan nói: “Dựa trên hành động và phương pháp tấn công, chúng tôi tin tưởng rằng nhiều vụ tin tặc bắt nguồn từ nước láng giềng (ám chỉ Trung Quốc). Hoạt động của chính phủ Đài Loan phụ thuộc rất nhiều vào internet. Các cơ sở hạ tầng trọng yếu như khí đốt, nước và điện được số hóa cao, vì vậy rất dễ trở thành nạn nhân nếu an ninh mạng của chúng tôi không đủ mạnh”.

Tấn công mạng là một mối đe dọa toàn cầu ngày càng tăng. Trong khi Trung Quốc không là quốc gia duy nhất bị cáo buộc thực hiện các cuộc tấn công, thời gian gần đây, phương Tây đã có những chỉ trích nhắm vào Bắc Kinh. Ngày 19 Tháng Bảy, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh đã ra tuyên bố chung cáo buộc Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc sử dụng các nhóm “tin tặc-tội phạm hợp tác” để tiến hành các hoạt động độc hại trên khắp thế giới, mà nổi bật là xâm nhập dịch vụ email Exchange của công ty Microsoft vào Tháng Ba qua.

Tuyên bố chung cũng minh họa các ưu tiên của Chính quyền Biden trong hoạt động bảo vệ an ninh mạng, sau khi phát hiện các lỗ hổng nghiêm trọng trong các lĩnh vực chính như năng lượng và sản xuất thực phẩm được tin tặc tận dụng để tấn công tống tiền. Nổi bật gần đây là vụ tin tặc làm tê liệt một trong những đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất nước Mỹ và làm tê liệt hoạt động của tập đoàn cung cấp thịt JBS USA. Với Đài Loan, ông Chien nói: “Đài Loan nghi ngờ các tin tặc được nhà nước hậu thuẫn đã gây ra ít nhất một cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại lớn vào Tháng Năm năm ngoái khi CPC Corporation (công ty lọc dầu thuộc sở hữu của chính phủ Đài Loan) không thể xử lý các khoản thanh toán điện tử từ khách hàng do bị tin tặc tấn công”. Cục Điều tra Bộ Tư pháp Đài Loan cáo buộc một nhóm hacker có liên hệ với Trung Quốc là thủ phạm.

Bắc Kinh: Phủ nhận và phủ nhận

Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận là thủ phạm các cuộc tấn công mạng nhằm vào Đài Loan và các nước khác. Mới đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi cáo buộc của Đài Loan là “vô căn cứ và ác ý hoàn toàn”. Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc cũng chỉ trích chính quyền Đài Loan “sử dụng các cuộc tấn công mạng để bôi nhọ đại lục như thường làm với mục đích làm sao nhãng sự chú ý của công chúng đến đợt bùng phát Covid-19 mới”.

Một ngày sau tuyên bố chung của phương Tây, Trung Quốc cũng khẳng định là “vô căn cứ”. Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói: “Trung Quốc kiên quyết phản đối và ngăn chặn các cuộc tấn công mạng dưới bất kỳ hình thức nào, chứ đừng nói đến khuyến khích, hỗ trợ hoặc kích thích chúng. Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi Mỹ và các đồng minh hãy ngừng dội nước bẩn vào Trung Quốc về an ninh mạng”. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường áp lực quân sự lên Đài Loan.

Ví dụ, Tháng Sáu qua, Trung Quốc đã điều hơn 20 máy bay chiến đấu đến gần hòn đảo, khiến lực lượng phòng không của Đài Loan phải nâng cao mức cảnh báo. Một số lượng lớn nhất các máy bay chiến đấu cũng được Trung Quốc gửi đến khu vực theo thống kê của phía Đài Loan. Bắc Kinh còn rêu rao “Đài Bắc đang chuẩn bị chiến tranh khi thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ!”. Các nhà phân tích tin rằng các chuyến bay của Trung Quốc vừa để biểu dương sức mạnh quân sự vừa thu thập thông tin tình báo chuẩn bị cho cuộc xung đột tiềm tàng.

Họ cũng lo ngại không chỉ nguy cơ chiến tranh quân sự mà còn cả chiến tranh mạng giữa hai bên. Đầu tháng này, công ty an ninh mạng Recorded Future có trụ sở tại Mỹ cáo buộc một nhóm hacker do nhà nước Trung Quốc tài trợ đã tấn công Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp của Đài Loan. Dựa trên các bằng chứng thu thập bằng phương pháp phân tích lưu lượng mạng, kiểm tra lưu lượng để phát hiện các mối đe dọa bảo mật, Recorded Future phát hiện hacker Trung Quốc chọn mục tiêu là các tổ chức trong ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan để ăn cắp mã nguồn, bí mật phát triển phần mềm và thiết kế chip.

Hai loại tin tặc

Tháng Tư 2021, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố “2020 là năm tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay” về tấn công mạng đòi tiền chuộc (ransomware). Theo công ty an ninh mạng Check Point Software, trong sáu tháng đầu năm 2021, số vụ tấn công ransomware đã tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái. Allen Own, Giám đốc điều hành công ty an ninh mạng Đài Loan Devcore, cho biết tin tặc thường phân thành hai loại: loại làm vì tiền và loại đánh cắp thông tin quan trọng của nước khác. “Nhiều quốc gia như Mỹ,Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đã tập hợp được đạo quân trên không gian mạng rất mạnh để thu thập thông tin tình báo, xâm nhập vào cơ sở hạ tầng của nước khác, hoặc để tăng cường phòng thủ trước những kẻ tấn công. Đài Loan cũng phải tăng cường khả năng của chính mình.

Trong vấn đề bảo mật thông tin, nhiều người nói rằng Đại Thế chiến III sẽ xảy ra trên internet. May mắn, chúng tôi đã thích nghi với những loại rủi ro này từ nhiều năm nay”.  Năm 2016, cơ quan hành chính cao nhất của Đài Loan đã thành lập Cục An ninh mạng để giảm thiểu rủi ro an ninh. Tổng thống Thái Anh Văn lúc đó tuyên bố an ninh mạng là “vấn đề an ninh quốc gia”.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho CNN vào tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu cáo buộc Trung Quốc “sử dụng các chiêu bài đe dọa quân sự, thông tin sai lệch và tấn công mạng để làm suy yếu lòng tin của người dân Đài Loan đối với Trung Quốc chính phủc. Họ gieo vào đầu người dân Đài Loan tư tưởng: Chính phủ Đài Loan rất nguy hiểm, và Đài Loan không thể làm gì nếu không có Trung Quốc. May mắn, chúng tôi đã trang bị được khả năng đối phó tốt với các cuộc tấn công mạng. Trong 10 năm qua, Đài Loan đã bảo vệ mình trước hầu hết âm mưu đánh cắp dữ liệu và làm tê liệt các dịch vụ. Ví dụ vụ hack hệ thống giáo dục của Đài Loan để đánh cắp dữ liệu học sinh”. (SGN)