Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Đã đến lúc Việt Nam và ASEAN thách thức Bắc Kinh ở Biển Đông

Lý do Trung Quốc thành lập “khu” Tây Sa và “khu” Nam Sa”

Những hành động hung hăng, đơn phương và cưỡng ép của Trung Quốc đối với các nước láng giềng Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia và Malaysia cũng như khu vực Đài Loan trong 5 tháng qua mạnh chưa từng có. Rõ ràng, những hậu quả kinh hoàng của COVID-19 đối với toàn cầu không tác động gì đến chiến lược hiếu chiến của Bắc Kinh.

Một số nhà quan sát cho rằng việc Trung Quốc ngày 18/4 lập hai “khu” mới trực thuộc “thành phố Tam Sa”, đặt trụ sở tại đảo Phú Lâm (Woody Island) trên quần đảo Hoàng Sa “chỉ mang tính biểu tượng”. Tuy nhiên, bài viết mới đây của Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược (CSIS) ngày 12/5 cho rằng động thái này sẽ cải thiện việc quản lý hành chính và thúc đẩy các chính sách mới của Trung Quốc về Biển Đông.

Bởi vì Trung Quốc gia tăng mở rộng sự hiện diện về mặt hành chính trên Biển Đông một cách âm thầm, nên ẩn giấu phía sau là những hậu quả thực sự cho các quốc gia tranh chấp khác. Các “khu” mới sẽ cung cấp các nguồn lực xây dựng và thực thi chính sách bổ sung cho “thành phố Tam Sa”, giúp những người lãnh đạo Trung Quốc theo đuổi các chủ trương cụ thể.

Hình minh hoạ. Lính Trung Quốc đi tuần ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa (Ảnh Reuters)

“Thành phố Tam Sa” và các tổ chức hành chính trực thuộc nằm trên tuyến đầu trong mặt trận biển Đông của Trung Quốc. Chính vì vậy, “thành phố” này chịu trách nhiệm hằng ngày đều phải thúc đẩy lợi ích về lãnh thổ của Trung Quốc. Việc tăng cường quy mô hành chính cho “Tam Sa” sẽ nâng cao vị trí tổng thể của Trung Quốc trên vùng biển này.

Vì vậy, các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông, đặc biệt là Việt Nam, cần phải chú ý “nhất cử nhất động” trong chính sách bành trướng của Bắc Kinh.

Các âm mưu khác của Trung Quốc

Hành động của Trung Quốc và phản ứng từ các nước trong khu vực cũng như từ các nước bên ngoài, trong đó có Mỹ và Australia, khiến  khu vực Biển Đông trở nên đặc biệt căng thẳng.

Một số chuyên gia lo ngại rằng Trung Quốc có thể tìm cách lợi dụng sự bất ổn toàn cầu và cố gắng chiếm đoạt tài nguyên ngoài khơi của Việt Nam gần Bãi Tư Chính hoặc neo đậu một giàn khoan dầu hoặc một cấu trúc trên Đá Ba Đầu (Đá Whitsun). Chính phủ Đài Loan còn cảnh báo khả năng Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở một phần Biển Đông.

Trung Quốc muốn chia rẽ các quốc gia ASEAN như chia tách từng chiếc đũa trong một bó đũa để có thể bẻ gãy từng chiếc một. Họ chỉ muốn các cuộc đàm phán song phương thay vì đa phương để đẩy Mỹ và phương Tây ra khỏi khu vực. Nếu Trung Quốc kiểm soát Biển Đông, ASEAN sẽ phải đối mặt với quá trình Balkan hóa khi các quốc gia trở thành chư hầu của Trung Quốc.

ASEAN phải làm gì?

Mặc dù ưu tiên hàng đầu của ASEAN là xử lý đại dịch COVID-19, nhưng 10 nước thành viên phải cảnh giác trước các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tất cả các thành viên ASEAN phải hợp tác để thúc đẩy sự đoàn kết và thống nhất nội khối. Việc Philippines lên án hành động của tàu Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá Việt Nam là một khởi đầu mới. Tất cả các nước ASEAN phải cùng lên án mọi hành động gây hấn của Trung Quốc.

Việt Nam và ASEAN, cùng với các đối tác khác có chung tầm nhìn về an ninh và ổn định khu vực, nên xây dựng khả năng răn đe dựa trên sức mạnh của chính mình, hợp tác quốc tế và sẵn sàng chiến đấu.

Indonesia, nước đóng vai  trò “thủ lĩnh” của ASEAN và không phải là bên tranh chấp, nhưng vẫn là nạn nhân trong chiến lược bành trướng của Trung Quốc thời gian gần đây. Indonesia đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế.

Trong khi đó, một số nước có tranh chấp trên Biển Đông đã trở nên táo bạo hơn trong việc theo đuổi yêu sách của mình. Ví dụ như trường hợp Malaysia. Tháng 12/2019, nước này bất ngờ đệ trình yêu sách lên Ủy ban về ranh giới thềm lục địa (CLCS) của LHQ để mở rộng thềm lục địa ngoài 200 hải lý trên Biển Đông. Động thái này đã chọc giận Trung Quốc.

Đáng chú ý là năm 2009, Malaysia từng cùng Việt Nam đệ trình lên CLCS kiến nghị mở rộng ranh giới trong vùng đặc quyền kinh tế tương ứng của mỗi nước. Trong kiến nghị mới, những vùng biển Malaysia đòi yêu sách chồng lấn với vùng biển mà Việt Nam, Philippines và Đài Loan tuyên bố chủ quyền và tất nhiên cũng nằm trong “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đơn phương đưa ra.

Vào thời điểm Malaysia đệ trình kiến nghị năm 2019 lên CLCS, chính phủ của Thủ tướng Mahathir Mohamad đứng trước nguy cơ sụp đổ. Kiến nghị mới rõ ràng mang tính chính trị với mục đích thúc đẩy hình ảnh của chính phủ Mahathir.

Tuy nhiên, điều này không cứu vãn được chính phủ Mahathir và tân Thủ tướng Muhyiddin Yassin buộc phải xem xét lại yêu sách trong kiến nghị năm 2019 – vốn đang đẩy Malaysia vào cuộc tranh chấp với Việt Nam và Philippines, ngoài Trung Quốc.

Vì vậy, các nước ASEAN nên tạm gác các tranh chấp riêng của mình với nhau để xây dựng sự đồng thuận mới của ASEAN.

ASEAN phải ngồi vào “ghế lái” trong tất cả các sáng kiến an ninh khu vực, lấy luật pháp quốc tế như UNCLOS làm nền tảng.

Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với làm sóng phản ứng dữ dội toàn cầu do khủng hoảng COVID-19. Suy thoái toàn cầu và sự cạnh tranh Mỹ-Trung có thể làm suy yếu vị thế toàn cầu của Trung Quốc.

Thời gian tới, Trung Quốc sẽ chưa “hạ nhiệt” quyết tâm bành trướng Biển Đông và có thể cố kéo dài các cuộc đàm phán COC trong vài năm. Đoàn kết ASEAN là cách duy nhất để chống lại một Trung Quốc quyết đoán trên Biển Đông.

Cơ hội và trách nhiệm của Việt Nam

Năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò là Chủ tịch ASEAN và là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trung Quốc nhận thức được rằng càng gây sức ép với Việt Nam, Hà Nội sẽ càng ngả hơn về phía Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng tin rằng nếu có thể đe dọa Việt Nam, họ có thể thao túng cả ASEAN và buộc Mỹ đứng ngoài vấn đề Biển Đông.

Hình minh họa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến của ASEAN ở Hà Nội hôm 14/4/2020 (Ảnh AFP)

Việt Nam nên theo đuổi đổi mới thể chế quốc gia và khu vực, tránh xa “ngã tư” ý thức hệ, nơi mà quốc gia này phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững và khả năng ứng phó chiến lược mạnh hơn.

Khi Việt Nam cố gắng giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trên nhiều mặt trận, đồng thời bảo vệ chủ quyền và lợi ích sống còn của mình ở Biển Đông, Việt Nam cần đưa tranh chấp Biển Đông ra các diễn đàn của Liên hợp quốc hoặc có thể lựa chọn việc khởi kiện Trung Quốc ra Toà án quốc tế.

Việt Nam cần thúc đẩy tiến trình đối thoại để tiến tới có một COC ràng buộc về mặt pháp lý, dựa trên các quy tắc của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, bảo đảm tự do hàng hải và tự do hàng không trên Biển Đông.

Với tư cách là chủ tịch của ASEAN năm nay, Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với Indonesia (lãnh đạo thực tế của ASEAN), hướng tới mong muốn đoàn kết và đạt được lập trường chung ASEAN trong các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC) với Trung Quốc. (RFA)