Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Cựu Thủ tướng Úc tiết lộ loạt bê bối tình ái trong chính trường

Cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull chia sẻ về những bí mật và bê bối trong đời sống chính trị Úc ở cuốn hồi ký mới xuất bản “A Bigger Picture”.

Trong cuốn hồi ký của mình, ông Malcolm Turnbull đã đưa độc giả đến với những khoảnh khắc không thể quên được khi ngồi trên ghế Thủ tướng Úc. Trong đó, ông nhấn mạnh vào sự phẫn nộ khi biết về vụ ngoại tình của Barnaby Joyce, lúc đó là cộng sự sát cánh và giữ chức Phó Thủ tướng Úc.

Những bê bối, cáo buộc tình dục bất ngờ

Vào ngày 11/5/2017, ông Turbull đang ngồi lặng lẽ trong văn phòng tại tòa nhà Quốc hội, dự tính về việc tiếp nhận ngân sách sắp được giao. Ngay sau đó, hai thành viên cấp cao trong đội ngũ nhân sự thông tin rằng một phóng viên Daily Telegraph biết được việc ông Joyce đi cùng thư ký báo chí riêng của mình, Vikki Campion, đến gặp bác sĩ. Lúc đó mọi người nghĩ mục đích chuyến đi có lẽ là để Campion khám thai.

Ông Turnbull bị sốc, và chẳng mấy chốc, toàn bộ guồng máy bình luận chính trị Úc đã biến cuộc sống riêng tư của Phó Thủ tướng Joyce trở thành chủ đề bàn tán của cả nước.

Tình cảnh này đã dẫn đến việc ông Turnbull ban hành một lệnh cấm chưa từng có tiền lệ đối với các bộ trưởng của mình, cấm họ quan hệ tình ái với nhân viên.

Có một yếu tố quan trọng khác liên quan đến vụ việc này và đây cũng là một chủ đề phụ trong cuốn sách của ông Turnbull: câu hỏi về niềm tin.

Một số người từng là cộng sự của ông Turnbull không mấy hài lòng khi xuất hiện trong cuốn sách này. Cựu Thủ tướng Úc đã tiết lộ về việc bị phản bội, chia sẻ rằng ông quá dễ dàng tin người còn các đồng nghiệp và những người thân quen trong giới chính trị không xứng đáng với điều đó.

Lúc đầu, ông đã chấp nhận lời cam kết của Joyce rằng ông này chỉ giúp đỡ Campion vì cô không có gia đình hỗ trợ vượt qua khó khăn. Ông viết: “Ông ấy đảm bảo chắc chắn rằng không có mối quan hệ tình ái với Vikki”.

Joyce liếc nhìn Vikki tại một sự kiện. Ảnh: Aajkikhabar.

Ông Turnbull giải thích rằng mình không chỉ trích Joyce về mặt đạo đức. Điều mà cựu Thủ tướng Úc thực sự tức giận là vì đến cuối năm đó, khi chính phủ của ông đang nhận được tỉ lệ ủng hộ gia tăng trong các cuộc thăm dò dư luận thì vụ bê bối của Barnaby Joyce đã phá hỏng tất cả.

Vì vậy, vào tháng 2/2018, ông Turnbull đã điều chỉnh bộ quy tắc ứng xử cấp nội các, thêm nội dung cấm các bộ trưởng quan hệ tình ái với nhân viên. Dư luận lúc đó cũng đặt ra một câu hỏi lớn hơn về trách nhiệm của ông Turnbull khi mối quan hệ Joyce – Campion lộ rõ: “Làm sao tôi có thể tiếp tục ủng hộ Phó Thủ tướng khi ông ấy nói dối Thủ tướng?”

Đó không phải lần duy nhất mà vấn đề tình ái không lành mạnh “hạ cánh” trên bàn của ông Turnbull và một lần nữa câu hỏi về niềm tin đối với nhau đã được đặt ra.

Vào ngày 15/9/2017, Ủy viên cảnh sát liên bang Úc lúc đó, Andrew Colvin, đã yêu cầu mở một cuộc họp riêng để thông tin về điều mà ông Turnbull gọi là “kỳ quặc chưa từng thấy”.

Ông Turnbull cũng đưa ra những đánh giá riêng của mình về Christensen. Ảnh: Smh.

Lực lượng cảnh sát Úc lúc đó lo ngại việc nghị sĩ quốc hội George Christensen dành tới 100 ngày/năm ở nước ngoài, từ năm 2014 – 2017, chủ yếu là đến thăm Philippines. Ông này ở tại các khách sạn nhỏ và đi thăm các quán bar trong Angeles City, khu vực đèn đỏ ở Manila. Cảnh sát Philippines và Úc lo ngại rằng Christensen có thể vi phạm pháp luật hoặc trở thành mục tiêu tống tiền.

Một cuộc điều tra cho thấy nghị sĩ Christensen, được ông Turnbull khắc họa là “một chàng trai trẻ, béo phì và độc thân” vào thời điểm đó, không làm bất cứ điều gì bất hợp pháp. Bản kết luận này mãi đến tận tháng 6/2018 mới được công bố.

Ông Turnbull cũng phàn nàn các chuyến đi của Christensen là đạo đức giả. Còn Christensen luôn khẳng định rằng mình đến thăm vợ ở Philippines và tất cả các cáo buộc khác là hành vi bôi nhọ.

Chú tâm đến những chính khách nổi bật

Theo Guardian, độc giả cần chú ý về bối cảnh chính trị Úc lúc đó, khi Turnbull và Tony Abbott là hai đối thủ đầy gay gắt khi họ tìm cách hất cẳng nhau khỏi chiếc ghế lãnh đạo đảng Tự do.

Tony Abbott và Turnbull là hai đối thủ gay gắt với nhau trong chính trường Australia. Ảnh: AAP.

Đó là một lý do mà ông Turnbull chú ý rất kỹ về mối quan hệ của Abbott, ở vị trí Thủ tướng Úc, với Chánh văn phòng lúc đó là Peta Credlin. Trong đó, ông Turnbull nhận định rằng Abbott coi Credlin là chủ. Ông Turnbull viết trong cuốn sách: “Trong suốt cuộc đời, tôi chưa bao giờ thấy một nhà lãnh đạo nào bị chi phối bởi một người khác đến mức như Abbott và Credlin… Ông ấy tôn sùng và sợ bà ấy”.

Ông Turnbull viết rằng nhiều quyết định lớn được đưa ra mà không cần thỏa thuận với nội các và “ngay cả Abbott và Credlin cũng không sẵn sàng để làm việc với một hệ thống nội các thông thường, nơi các vấn đề được thảo luận một cách thẳng thắn, các quyết định được đưa ra một cách tập thể và sau đó được công bố”.

Ông Turnbull cũng viết về một chính trị gia đang “nổi như cồn” khắp thế giới là Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo đó, vào 9 giờ sáng một ngày chủ nhật tại Sydney, ông Turnbull ngồi điện đàm với ông Trump về duy trì một thỏa thuận hiện có với Mỹ liên quan đến việc tiếp nhận một số người tị nạn từ đảo Manus. Ông Trump nghe điện có vẻ mệt mỏi nhưng vẫn thân thiện cho đến khi thỏa thuận tị nạn được nêu ra. Tổng thống Mỹ phản ứng mạnh và cho rằng thỏa thuận này sẽ làm khó mình. Dù vậy, ông Trump cuối cùng đã đồng ý với điều đó, trên cơ sở liên minh chặt chẽ với Úc.

Dù đã được giữ kín, bản ghi chép về cuộc gọi này cuối cùng vẫn bị lộ ra ở Mỹ. Điều này khiến ông Turnbull lại đặt dấu hỏi về lòng tin đối với các quan chức, cả từ phía mình lẫn chính phủ Mỹ. Có thể nói, lòng tin trong giới chính trị không phải là điều dễ dàng được giải đáp chỉ trong một cuốn sách, dù là từ hồi ký của người từng đứng đầu một đất nước. (Z/N)