Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Cựu Ngoại Trưởng Henry Kissinger qua đời ở tuổi 100


WASHINGTON, DC – Ông Henry Kissinger, nhà ngoại giao nổi tiếng và cựu ngoại trưởng, người đóng vai trò then chốt trong việc định hình chính sách đối ngoại của Mỹ dưới hai thời Tổng Thống Richard Nixon và Gerald Ford, vừa qua đời ở tuổi 100, theo Reuters.

Cựu Ngoại Trưởng Henry Kissinger. Hình Win McNamee/Getty

Cựu Ngoại Trưởng Kissinger sống lâu hơn hết so với nhiều chính trị gia cùng thời với ông, những người dẫn dắt nước Mỹ thoát khỏi một trong những thời kỳ nhiều biến động trong lịch sử, bao gồm nhiệm kỳ sóng gió với “bê bối Watergate” của cố Tổng Thống Richard Nixon và Chiến Tranh Việt Nam.

Ông Kissinger nổi tiếng với vai trò chủ chốt trong chính sách ngoại giao của Mỹ những năm 1960 và 1970, bao gồm các chính sách rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam bằng mọi giá và những nỗ lực ngoại giao mang tính đột phá với Trung Quốc. 

Di sản của ông, được đánh dấu bằng cả những lời chỉ trích và sự công nhận, bao gồm việc được trao giải Nobel Hòa Bình.

Là một người nhập cư nguồn gốc Do Thái trốn thoát khỏi Đức Quốc Xã vào năm 1938, Kissinger đã vượt qua những rào cản ngôn ngữ ban đầu, thể hiện trí tuệ nhạy bén và khả năng thông thạo lịch sử của mình.

Henry Kissinger
Ông Henry Kissinger, 100 tuổi là Ngoại trưởng Mỹ từ năm 1973 đến 1977, và trợ lý cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon trong các vấn đề an ninh quốc gia từ năm 1969 đến tháng 11/1975. Hình Getty

Từ một sinh viên đại học Harvard trở thành giảng viên đại học, Kissinger đã tạo dựng uy tín tại thủ đô Washington DC và trở thành một nhân vật chủ chốt trong chính sách ngoại giao của Mỹ.

Tác động của Kissinger kéo dài hàng thập niên, vượt ra ngoài vai trò chính thức của ông là cố vấn chính trị ngoại giao và là một ngòi bút phân tích các vấn đề toàn cầu. 

Dấu ấn để lại của ông là các sự kiện thay đổi thời đại trong những năm 1970, bao gồm mở cửa ngoại giao với Trung Quốc, các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí Mỹ-Liên Xô và Hiệp Định Paris với Cộng Sản Bắc Việt, Kissinger vẫn là một chỗ đứng trong vai trò ngoại trưởng Mỹ ngay cả sau khi Tổng Thống Nixon từ chức vào năm 1974.

Trong khi được khen ngợi vì sự nhạy bén và kinh nghiệm sâu rộng, ông Kissinger phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích, trong đó một số người coi ông là tội phạm chiến tranh vì ủng hộ các chế độ độc tài, đặc biệt là ở Nam Mỹ. 

Ngoại Trưởng Henry Kissinger tại Tel Aviv, Israel. Hình AFP/Getty

Giải Nobel Hòa Bình năm 1973 của ông đã gây tranh cãi, với việc từ chức của Ủy Ban Nobel và các vấn đề xung quanh vụ đánh bom bí mật của Mỹ vào Campuchia.

Trong tám năm làm cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng, ông tham gia vào những sự kiện ngoại giao quan trọng của nước Mỹ, bao gồm các chính sách đầu tiên về “ngoại giao con thoi” nhằm chấm dứt xung đột ở Trung Đông, đàm phán bí mật với Trung Quốc để chấm dứt tình trạng chiến tranh lạnh giữa các cường quốc, cũng như thúc đẩy Hiệp Định Paris giúp rút quân Mỹ khỏi Việt Nam và chấm dứt cuộc chiến.

Ông Kissinger, cùng với ông Nixon, hứng chịu nhiều chỉ trích từ các đồng minh của Mỹ khi Cộng Sản Bắc Việt chiếm Sài Gòn Tháng Tư năm 1975. Đồng thời ông cũng bị cáo buộc dàn xếp mở rộng xung đột sang Lào và Cambodia, tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ khiến gần hai triệu người Cambodia bị diệt chủng.

Ngoại Trưởng Henry Kissinger (trái) họp với Tổng Thống Richard Nixon, Tháng Năm, 1973 tại Washington DC. Hình National Archive/Newsmakers

Dù là một nhân vật tiếng tăm và có ảnh hưởng, những năm sau này của cựu Ngoại Trưởng Kissinger được đánh dấu bằng những hạn chế trong các chuyến đi quốc tế vì các lo ngại về rủi ro ông bị quốc gia nào đó bắt hoặc bị thẩm vấn liên quan đến chính sách đối ngoại trước đây của Mỹ. 

Trong những năm gần đây, ông vẫn có tầm ảnh hưởng với những nhà môi giới quyền lực lớn của Washington dưới tư cách một chính khách lớn tuổi. Ông từng đưa ra lời khuyên cho cả các đời tổng thống đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hòa, bao gồm cựu Tổng Thống Donald Trump. 

Ngoài ra ông vẫn duy trì các hoạt động quốc tế bằng những bài diễn thuyết.

Ngoại Trưởng Henry Kissinger (phải) và ông Lê Đức Thọ, trưởng phái đoàn Cộng Sản Bắc Việt, tại Hội Nghị Paris, Tháng Giêng, 1973. Hình Reg Lancaster/Express/Hulton Archive/Getty

Gần đây nhất, ông phát biểu về chiến tranh Ukraine, nhận định cuộc chiến đang đi đến bước ngoặt khi Trung Quốc tham gia đàm phán. Ông hy vọng đàm phán sẽ kết thúc vào cuối năm nay, từ đó giúp chấm dứt xung đột.

Ông Kissinger cũng là đồng tác giả của cuốn sách về trí tuệ nhân tạo xuất bản năm 2021 với tiêu đề: “The Age of AI: And Our Human Future.” Trong đó ông cảnh báo các quốc gia nên chuẩn bị cho những mối đe dọa tiềm ẩn từ kỹ thuật này.

Câu nói “Quyền lực là liều thuốc kích thích tối thượng” của cựu Ngoại Trưởng Kissinger phản ánh quan điểm của ông về sức hấp dẫn của quyền lực.

Sự ra đi của ông Henry Kissinger đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên, để lại một di sản phức tạp tiếp tục đem đến các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại của Mỹ. (T/H, N/V)