Thursday, January 23, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

CSVN kết án tử hình hai người con trai cụ Lê Đình Kình

HÀ NỘI, Việt Nam – Hai người con trai của cụ Lê Đình Kình bị chế độ Hà Nội kết án tử hình vì bị vu cho tội “giết người thi hành công vụ” khi Công an CSVN tấn công xã Đồng Tâm đêm 9/1/2020.

Phiên tòa sơ thẩm hôm Thứ Hai 14 Tháng Chín kết thúc với hai án tử hình cho hai anh em ông Lê Đình Công (56 tuổi), Lê Đình Chức (40 tuổi). Con trai ông Công là Lê Đình Doanh (32 tuổi) bị kết án chung thân trong khi các người khác cùng bị vu cho tội danh “Giết người” bị các bản án nhẹ hơn như sau: Bùi Viết Hiểu (77 tuổi) 16 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển (46 tuổi) 12 năm tù và Nguyễn Quốc Tiến (40 tuổi) 13 năm tù.

Các nạn nhân trong vụ đàn áp cưỡng chế đất tại xã Đồng Tâm bị kết án ngày 14/9/2020. (Hình: VNA/AFP/Getty Images)

Có 19 người được đổi tội “Giết người” sang thành “Chống người thi hành công vụ”, trong đó có 6 người bị kết án từ 5 đến 6 năm tù; 9 người bị kết án 3 năm tù treo; thêm 3 người nữa bị kết án từ 18 tháng tù treo đến 20 tháng tù treo.

Vụ án xử 29 người dân xã Đồng Tâm dự trù kéo dài 10 ngày nhưng chỉ diễn ra có 4 ngày theo lối xử án “luật rừng” bất chấp Luật Tố Tụng Hình Sự của chính chế độ được các luật sư biện hộ phơi bày trên mạng xã hội. Điều này chứng tỏ các nạn nhân của vụ đàn áp chống cưỡng chế đất tại xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức bị chế độ Hà Nội biến thành những tội phạm để trả thù. Vừa là trả thù cho 3 tay sĩ quan Công an bị chết cháy, vừa là đe dọa dân có ý định chống lại lệnh cướp đất của nhà cầm quyền có thể còn xảy ra những ngày sắp tới.

Phần lớn các “bị cáo” xác nhận tại trong phiên xử là họ đã bị tra tấn ép cung. Ông Lê Đình Công xác nhận đã bị tra tấn “10 ngày như một” khi được luật sư chất vấn. Trên mạng xã hội, nhiều người đã nêu ra những sai trái của cái tòa án xử theo “luật rừng” như:

Toàn bộ vụ án từ đầu đến cuối đã được chế độ Hà Nội dàn dựng, sắp đặt công phu theo một kịch bản đổ hết tội lên đầu người dân, nhìn thấy qua sự cắt ghép các video clip “nhận tội” không đúng sự thật mà các “bị cáo” cho hay họ phải nói hay phải ký tên theo lệnh của công an điều tra sau những trận đòn.

Ông Lê Đình Công, nạn nhân của vụ cưỡng chế đất Đồng Tâm nhưng bị chế độ Hà Nội kết án tử hình. (Hình: TTXVN)

Không cho thân nhân các “bị cáo”mà cũng là các nhân chứng của vụ án tới tòa dự khán. Đặc biệt bà cụ Dư Thị Thành, vợ cụ Kình đã làm đơn tố cáo Công an đã cố ý giết cụ Kình dù trong tay cụ chỉ có cái gậy chống, lại còn vu cho cụ khi chết “trong tay còn cầm quả lựu đạn”. Các luật sư yêu cầu thực nghiệm lại hiện trường vụ án “giết người” tại xã Đồng Tâm đêm 9/1/2020 thì thẩm phán xử án lại gạt đi.

Công an CSVN đã cố tình bắn hai nhân chứng quan trọng nhất của vụ án cưỡng chế đất cánh Đồng Sênh của dân xã Đồng Tâm là cụ Lê Đình Kình và cụ Bùi Viết Hiểu vị họ nắm rõ lịch sử các khu đất gọi là “đất quốc phòng” và có tài liệu, chứng cớ đầy đủ. Cụ Hiểu tuy bị bắn vào ngực nhưng đạn không trúng tim nên may mắn thoát chết. Cụ đã khai rõ về cái chết của cụ Kình tại phiên xử ngày 8/9/2020, trái với sự tuyên truyền bị bợp của nhà nước. Thêm nữa, vụ tấn công vào nhà cụ Kình đêm hôm đó “có đúng pháp luật không?”

Các luật sư đã đòi thực nghiệm lại hiện trường của vụ tấn công xã Đồng Tam đêm 9/1/2020 để tìm sự thật cũng như trả hồ sơ vụ án để điều tra lại và làm rõ nguyên ủy của tranh chấp đất cánh Đồng Sênh dẫn đến vụ đàn áp, nhưng đã bị thẩm phán gạt ngang.

Rất nhiều nhân chứng quan trọng, trong đó có cả chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chung lại không cho tới khai về vụ tấn công nói trên. Hồ sơ vụ án có lời khai của hai cán bộ công an xác nhận 3 công an (đã chết cháy) nhảy qua hố bị trượt chân rơi xuống, mâu thuẫn với cáo trạng rằng họ bị chọc dao nên rơi xuống.

Các luật sư biện hộ bị cản trở sao chép tài liệu, video clips về vụ án mà còn bị cấm không cho tiếp xúc thân chủ trong phiên xử. Đề nghị xử theo đúng luật Tố Tụng Hình Sự thì bị gạt đi. Tuy phiên tòa gọi là “công khai” nhưng chỉ có các “bị cáo” với đám Công an chìm nổi ngồi canh giữ. Thân nhân các “bị cáo” ngồi vạ vật trên hè phố ngóng tin.

Ông Lê Đình Chức, nạn nhân của vụ đàn áp nhưng bị chế độ Hà Nội kết án tử hình. (Hình: Thanh Niên)

Luật sư Ngô Ngọc Trai, một trong những luật sư biện họ trong vụ án nói trên bình luận trên trang Facebook cá nhân là phiên tòa không được xét xử khách quan, công bằng vì “rất nhiều vấn đề bất cập về chính sách pháp luật đất đai cũng như tổ chức bộ máy nhà nước, đòi hỏi một sự hiệu chỉnh thay đổi để kiến tạo môi trường pháp lý an toàn”.

Ông kêu gọi “Chúng ta cần tiếp tục thúc giục áp lực nhà nước sửa đổi chính sách pháp luật đất đai, công nhận quyền sở hữu của người dân đối với đất đai, củng cố vững chắc quyền tư hữu và quyền sở hữu tài sản của người dân.” Đồng thời “Chúng ta cần thúc giục nhà nước cải cách thể chế nâng cao quyền hạn cho ngành Tòa án để Tòa án có đủ khả năng thực thi công lý, góp phần tích cực cho quản trị quốc gia.”

Cho tới nay, các vụ án có tính cách chính trị hoặc những vụ án tham nhũng lớn đều bị dư luận cáo buộc là bản án đã được những kẻ cầm đầu chóp bu đảng CSVN quyết định nên được gọi là “án bỏ túi”. Các thẩm phán chỉ ngồi “đóng kịch” cho xong, không phải kẻ có quyết quyết định.

Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang cho rằng “Không thể chỉ dùng cụm từ “sai quy trình, thủ tục tố tụng” để miêu tả phiên xét xử 29 người dân Đồng Tâm tại Hà Nội. Sự thật kinh khủng hơn thế: Đây là một phiên tòa được lập ra để hợp thức hóa việc giết người, diệt khẩu.” (N/V)