Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

COVID: Số ca tử vong toàn cầu nửa năm 2021 vượt toàn năm 2020 -kỷ lục buồn mới

Số ca tử vong do Covid-19 trên toàn cầu vào thời điểm tuần qua đã vượt mốc của cả năm 2020, trong đó Nam Mỹ và châu Á chiếm tới 80% số ca tử vong mới. 

Hỏa táng bệnh nhân Covid-19 tử vong ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters.
Hỏa táng bệnh nhân Covid-19 tử vong ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Đây là một kỷ lục đáng buồn khi mà năm 2021 này mới chỉ qua một nửa chặng đường, trong khi diễn biến dịch bệnh tại châu Phi và sự xuất hiện của các biển chủng mới vẫn là “những ẩn số” khó lường.

Theo ước tính của Nhật báo Phố Wall, ngày 9/6 vừa qua, thế giới đã vượt mốc 1,880,510 ca tử vong do Covid-19, tức là tổng số ca tử vong của cả năm ngoái (2020). Giữa năm thứ nhất và thứ 2 của cuộc khủng hoảng y tế do Covid-19, bức tranh dịch bệnh đã có sự chuyể dịch rõ nét, cùng với sự xuất hiện của những biến thể mới và các chiến dịch tiêm chủng. Được khởi động từ cuối năm ngoái, việc tiêm chủng tới nay vẫn chủ yếu diễn ra tại những nước giàu và mới nổi hàng đầu.

Tại Bắc Mỹ và châu Âu, số người tử vong do Covid-19 từ đầu năm đến nay giảm rõ rệt so với năm ngoái. Ngược lại, chỉ riêng Nam Mỹ và châu Á đã chiến tới gần 80% số ca tử vong mới mỗi tuần trên thế giới, so với chưa đến 25% hồi cuối năm ngoái. Không tính tới Mỹ, quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca tử vong nhưng đường cong dịch bệnh đã giảm rõ rệt kể từ đầu năm tới nay, thì những quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Mexico và Peru vẫn luôn dẫn đầu thế giới về số ca tử vong mới hàng ngày. Đặc biệt tại Peru, nước này hiện ghi nhận số ca tử vong trong dân số lớn nhất thế giới.

Một trong những ẩn số trong nửa cuối năm nay chính là diễn biến dịch bệnh tại châu Phi và sự khó lường của các biến thể mới. Mặc dù tới nay các báo cáo y tế tại châu Phi vẫn tốt hơn so với nhiều nơi khác, song số ca mắc vẫn có xu hướng tăng lên trong những tuần qua. Tỷ lệ dân số không được tiêm chủng khá cao: chỉ 2% dân số đã nhận được ít nhất 1 liều vaccine ngừa Covid-19, so với tỷ lệ hơn 1/3 tại châu Âu. Các chuyên gia cảnh báo, nếu tình hình tiêm chủng tại đây không nhanh chóng được cải thiện, làn sóng lây nhiễm thứ 3 có thể nghiêm trọng, nhất là trong trường hợp xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2. 

Giám đốc Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới khu vực châu Âu Han Hans Kluge cảnh báo: “Mặc dù ghi nhận những tiến bộ đạt được tại hầu hết các quốc gia trong khu vực, song chúng ta cũng phải thừa nhận rằng chúng ta vẫn hoàn toàn không thoát khỏi nguy cơ. Cùng với sự gia tăng của các cuộc tụ họp xã hội, hoạt động di chuyển của người dân, các lễ hội và sự kiện thể thao dự kiến trong những ngày tới và tuần tới, Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục kêu gọi các nước thận trọng”.

Trong khi đó, các biến chủng mới có nguy cơ khiến các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh tại Bắc Mỹ và châu Âu “trôi sông đổ biển”. Như tại Anh, dù nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng trong dân số cao nhất thế giới, song nước này hiện chứng kiến số ca nhiễm biến thể Delta từ Ấn Độ gia tăng, nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới. Với 4-6.000 trường hợp mắc Covid-19 mỗi ngày trong 10 ngày qua, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Anh đang cao gần bằng mức của tháng 3. Tuần trước, giới chức y tế cho biết đã có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy vaccine giảm hiệu quả với biến thể mới, biểu hiện rõ nhất ở những người mới tiêm một liều. Thủ tướng Anh Johnson mới đây đã đề cập tới khả năng lùi thời điểm dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa sang giữa tháng 7 thay vì ngày 21/6 như dự kiến ban đầu do lo ngại biến thể từ Ấn Độ./. (VOV)