Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

COVID-19 và hồi kết cho tiền mặt tại Úc

Đại dịch do virus SARS-CoV-2 gây ra đã gây ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh của cuộc sống. Trong đó có cách con người sử dụng tiền mặt trong thanh toán. Câu chuyện tại Úc dưới đây là một minh chứng.

Doanh nghiệp Úc hạn chế tối đa tiền mặt

Những rủi ro sức khỏe liên quan đến virus corona đang buộc chúng ta phải suy nghĩ lại cách sống hàng ngày.

Nhưng không ngờ tới, một trong những điều bị ảnh hưởng sớm nhất lại là tiền mặt.

Úc là quốc gia tiên phong trong việc áp dụng công nghệ kĩ thuật giúp cho việc thanh toán trở nên đơn giản, tiện lợi. Người mua và người bán rất ít phải tương tác vật lý với nhau.

Tại Úc, nhiều doanh nghiệp đã ngừng chấp nhận tiền mặt như một biện pháp an toàn để đối phó với đại dịch.

Người mua chỉ cần “ấn” và “trả” thông qua thẻ tín dụng, điện thoại hoặc đồng hồ đã tích hợp công nghệ thanh toán là được. Việc này đảm bảo an toàn vệ sinh hơn cách truyền thống là trao nhau tiền mặt.

Dù không đề cập cụ thể tới tiền mặt, nhưng Bộ Y tế Úc khuyến cáo người dân nước này rằng virus corona có thể phát tán thông qua việc “chạm vào các vật thể trước đó đã được sử dụng bởi người nhiễm bệnh”.

Các nhà quản lý của The Knox, ở ngoại ô thủ đô Canberra (Úc), khi gặp nhau để thảo luận về cách mà chuỗi cà phê này hành động nhằm bảo vệ nhân viên và cải thiện vệ sinh để đối phó với dịch Covid-19 thì quyết định đầu tiên mà họ đã đưa ra là từ chối tiền xu và tiền giấy.

“Chúng tôi đã bỏ cốc nhựa tái chế và ngừng chấp nhận tiền mặt“, Madeleine Clarke, quản lý chuỗi cà phê cho biết.

Peter Barclay, chủ chuỗi nhà hàng King O’Malleys, cũng yêu cầu khách hàng thực hiện tương tự.

“Còn rất ít khách hàng sử dụng tiền mặt trong nhà hàng của tôi, chỉ từ 10-15% lượng khách… Khi họ đến quán bar, chúng tôi chỉ nói, ‘Hãy nhìn xem, bạn có thẻ tín dụng không?”

Lượng giao dịch thanh toán bằng tiền mặt (hiển thị bằng màu xanh da trời) giảm mạnh qua từng năm. Biểu đồ dựa trên số liệu của Ngân hàng Dự trữ Úc.

Doanh nghiệp kinh doanh trên toàn nước Úc đang ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19 bằng cách tránh chạm vào tiền mặt.

Chuỗi nhà hàng McDonald vẫn chấp nhận tiền giấy và đồng xu nhưng nhà quản lý hướng dẫn các nhân viên đeo găng tay và hạn chế tiếp xúc nhiều nhất có thể.

Chính quyền bang New South Wales cũng khuyến cáo các doanh nghiệp về nguy cơ lây nhiễm virus corona khi vẫn chấp nhận tiền mặt.

Tính pháp lý của việc từ chối tiền mặt

Đã có nhiều ý kiến xung quanh việc từ chối tiền mặt của các doanh nghiệp là vi phạm luật pháp.

Ngân hàng Dự trữ Úc cho biết, người bán “có quyền tự do đặt ra các điều khoản thương mại mà việc thanh toán sẽ diễn ra” trước khi mua “và từ chối chấp nhận thanh toán bằng tiền giấy, tiền xu không phải là bất hợp pháp“.

Ví dụ, các cửa hàng cà phê có thể treo một tấm biển ghi rõ quy định của quán. Khách hàng trước khi mua hàng sẽ nhìn thấy và như thế thì cửa hàng rõ ràng không vi phạm pháp luật.

Ngược lại, hành vi này được coi là vi phạm pháp luật khi việc mua bán đã được thông qua nhưng phương thức thanh toán lại chưa được thống nhất từ đầu.

“Từ chối tiền mặt trong thanh toán, dù không quy định phương tiện thanh toán từ trước, có thể dẫn tới các tố tụng pháp lý“, Ngân hàng Dự trữ Úc cho biết.

Mối lo ngại về virus corona có thể khiến các giao dịch tiền mặt giảm mạnh, nhưng thực tế rằng việc này đã diễn ra nhiều năm trước khi đại dịch xuất hiện.

Năm ngoài, Công ty nghiên cứu và thị trường toàn cầu dự đoán rằng Úc có thể trở thành “xã hội không tiền mặt đầu tiên” của châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2022.

Ngân hàng Commonwealth đưa ra một dự báo thận trọng hơn, nói rằng điều đó có thể xảy ra vào năm 2026.

Mới đây, Ngân hàng Dự trữ Úc đã công bố cuộc khảo sát mới nhất về cách người tiêu dùng thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ.

Họ nhận thấy chỉ 25% số giao dịch năm ngoái là bằng tiền mặt. Ngược lại với 13 năm trước, khi một phần tư số giao dịch là thông qua thẻ.

Tuy nhiên, họ lưu ý rằng có hai ngoại lệ chính đối với sự thay đổi nhanh chóng trong thói quen này: người nghèo và người già.

Dù những người từ 65 tuổi trở lên sử dụng tiền mặt ít hơn so với trước đây, nhưng họ vẫn sử dụng nó trong 1/2 số giao dịch họ thực hiện.

Tiền mặt liệu sẽ biến mất? Nếu có thì mất bao lâu?

Tuy nhiên, trong khi hơn bao giờ hết có rất ít người Úc đang sử dụng tiền mặt, một số người lại vẫn muốn giữ tiền mặt số lượng lớn.

Giá trị của tiền tệ Úc đang lưu hành đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây, nhất là những đồng tiền giấy giá trị cao từ 50 AUD (đô-la Úc) được in rất nhiều.

Trong một bài báo xuất bản năm ngoái, hai nhân viên Ngân hàng Dự trữ đã phân tích tiền mặt ở đâu và chúng được sử dụng để làm gì.

Họ ước tính rằng khoảng từ 50-75% về cơ bản là dùng để “tích trữ” – cả ở Úc và ở nước ngoài – dưới dạng tiết kiệm hoặc để sử dụng khẩn cấp.

Khoảng 15-35% được sử dụng cho “giao dịch hợp pháp”, trong khi phần còn lại bị mất hoặc được sử dụng trong nền kinh tế đen.

Thói quen tiêu tiền rất khó để thay đổi. Trong quá khứ, phải mất một thời gian dài để con người thay đổi thói quen ra cột ATM để rút tiền thay vì phải đi vào nhà băng mỗi lần như vậy.

Vì vậy, trong khi virus corona có thể khiến người dân Úc không thích chạm vào tiền mặt, thì vẫn sẽ mất nhiều năm để tiền mặt của Úc bị biến mất, nếu điều đó có thể thành hiện thực. CL