Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Covid-19: Nhiều tập đoàn khách sạn sa thải nhân viên

Ngành khách sạn bị "trúng độc" của virus corona.
Ngành khách sạn bị “trúng độc” của virus corona. AFP/Alain Jocard

Tập đoàn khách sạn Pháp Accor hôm 13/01/2021 cho biết sẽ cắt giảm thêm 1,800 việc làm trong năm 2021, đợt sa thải đầu tiên liên quan tới 1,000 nhân viên từng được thông báo vào mùa hè năm 2020. Về phía các thương hiệu Anh Mỹ như IHG, Marriott hay là Hilton, các tập đoàn này cũng đã buộc phải sa thải từ 12% đến 17% nhân viên.  

Theo thông báo trong tuần này của Accor, đợt sa thải sẽ liên quan đến khoảng 800 nhân viên ở Pháp, chủ yếu trong các chi nhánh Novotel, Mercure và Ibis Style. Nhìn chung, ngành khách sạn đang hứng chịu cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử, dẫn tới một đợt sa thải chưa từng thấy tại các khách sạn lớn. Hiện tượng này lại càng rõ nét tại những thành phố lớn thu hút nhiều du khách quốc tế như New York, Luân Đôn hay Paris. 

Accor cắt giảm 1,800 việc làm ở châu Âu

Trái với các quán cà phê hay nhà hàng, các khách sạn trong cả hai đợt phong tỏa tại Pháp, không buộc phải đóng cửa và các dịch vụ ăn uống được đem vào phòng theo yêu cầu của khách. Tuy nhiên, ngoại trừ mùa hè năm 2020, ngành khách sạn ở Pháp bị điêu đứng do tình trạng vắng khách. Sau các khách sạn nhỏ, nay đến phiên các cơ sở lớn rơi vào khủng hoảng. Thủ đô Paris có khoảng 15 khách sạn với hơn 500 phòng do các tập đoàn lớn quản lý. Cho dù được hậu thuẫn bởi các tập đoàn tài chính hùng mạnh, các khách sạn này có nguy cơ đổi chủ hay là bị đóng cửa luôn, khi tình trạng vắng khách hạng thương gia hay thành phần du khách nước ngoài có nhiều tiền mua sắm, tiếp tục kéo dài.

Đầu năm 2021, các khách sạn lớn ở Paris bắt đầu sa thải hàng loạt. Theo thông báo trong tuần qua của tập đoàn Marriott, khách sạn 5 sao Westin Paris Vendôme cắt giảm gần một nửa nhân viên, tức 167 trong số 350 việc làm. Trong khi khách sạn W.Opéra cũng thuộc Marriott, tuyên bố đóng cửa luôn, hơn 100 nhân viên gồm đầu bếp, quản gia, nhân viên hầu phòng, dịch vụ tiếp khách, đặt phòng đều bị mất việc làm. Tập đoàn Hyatt cũng chẳng lạc quan gì hơn. Các đợt sa thải mạnh nhất liên quan tới các khách sạn 5 sao tọa lạc ở những nơi thường có đông đảo du khách lui tới : Hyatt Regency tại quảng trường Étoile trên đại lộ Champs Élysées cũng như Hyatt Louvre, gần viện bảo tàng nổi tiếng thế giới cũng phải giảm đến 50% nhân viên. 

Nguồn du khách cạn kiệt, chi phí tuyển dụng lại cao

Tại khách sạn năm sao Méridien Étoile (Porte Maillot) được xem như là khách sạn lớn nhất Paris với 1,025 phòng và hơn 600 nhân viên, đợt sa thải đã bắt đầu trong mùa lễ cuối năm mặc dù giới công đoàn đã can thiệp mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi của các nhân viên, kể cả thâm niên hay mới được tuyển dụng trong những năm gần đây. Theo dự trù khoảng 250 việc làm sẽ bị cắt giảm, liên quan tới hầu hết các khâu mà không chừa dịch vụ nào như kế toán, quản lý, đặt phòng, hành lý, giặt giũ, quét dọn, tiệm ăn, quầy rượu, cửa hàng bánh ngọt hay quán bar sân thượng (rooftop)…

Đây dường như không phải là một kế hoạch tạm thời. Khách sạn Méridien Étoile (Porte Maillot) đã liên tục vắng khách trong vòng nhiều tháng, do chủ yếu nhắm vào thành phần thương gia và khách đi dự các hội nghị quốc tế. Có lẽ cũng vì thế, ban giám đốc dự tính tổ chức lại cơ cấu, chỉ dùng 500 phòng tức một nửa, nửa còn lại sửa đổi thành ”văn phòng làm việc ” cho thuê vào ban ngày, chứ không còn đơn thuần là phòng khách sạn. 

Đối với liên đoàn GNI (Groupement National des Indépendants) bao gồm các khách sạn và nhà hàng, các chủ công ty độc lập là những nạn nhân đầu tiên của dịch Covid-19, nay đến phiên các khách sạn lớn có nguy cơ bị đánh sập, cho dù là những thương hiệu hùng mạnh. Theo cơ quan này, một khi nguồn du khách quốc tế đã cạn kiệt, chi phí tuyển dụng nhân viên khá cao, trong khi trợ cấp thất nghiệp bán phần của chính phủ vẫn không đủ để bù đắp mức thiệt hại, tất cả các yếu tố đó khi gộp lại khiến cho các khách sạn lớn khó thể nào mà trụ vững, tình trạng sa thải nhân viên là điều không thể tránh khỏi. 

Nhiều khách sạn lớn ở New York lần lượt đóng cửa

Đối với ngành khách sạn, năm 2021 mở ra trong một bối cảnh cực kỳ ảm đạm, không riêng gì ở Paris mà còn tại nhiều thành phố lớn khác. Đó là trường hợp của khách sạn Novotel Times Square thuộc tập đoàn Accor ở trung tâm phố Manhattan New York. Sau gần 4 thập niên hoạt động liên tục (tính từ năm 1984), khách sạn Novotel trên quảng trường nổi tiếng Times Square buộc phải đóng cửa vĩnh viễn, toàn bộ 225 nhân viên bị mất việc làm.

Theo báo cáo đầu năm của mạng thông tin Luxury Travel Advisor, khá nhiều khách sạn lớn đành phải ngưng hoạt động do liên tục vắng khách. Việc duy trì các hoạt động dù là ở mức tối thiểu vẫn tốn kém hơn nhiều, so với các chi phí cố định trong lúc đóng cửa (tiền thuê mặt bằng, các dịch vụ internet, truyền hình dây cáp, tiền điện nước ….) Có lẽ cũng vì thế mà khách sạn The Times Square Edition thuộc tập đoàn Marriott phải đóng cửa dù chỉ một năm sau khi được đưa vào hoạt động, trong một thời điểm hết sức khó khăn. Khách sạn Hilton cao tầng ở Times Square và khách sạn Roosevelt nổi tiếng ở Midtown Manhattan cũng đều lần lượt sa thải nhân viên. Còn Omni Berkshire Place, nằm gần Trung tâm Rockefeller cũng đã đóng cửa một cách vĩnh viễn do đại dịch Covid-19.

Tính đến đầu năm, 65% các khách sạn ở New York (trên tổng số 129,000 phòng), 50% ở Paris (trên tổng số 80,000 phòng) buộc phải đóng cửa mà chưa biết chừng nào mới được mở lại. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, thì theo dự phóng lạc quan nhất, vẫn có tới 15% các cơ sở trong hai ngành khách sạn, nhà hàng đành phải đóng cửa luôn từ đây cho tới cuối năm 2021. (RFI)