Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

COVID-19: Đối tượng cần vaccine nhất bị chính các nhà nghiên cứu bỏ quên

Các nhà nghiên cứu vaccine chủ yếu nhắm đến đối tượng trẻ – những người mà miễn dịch còn khỏe mạnh…

Khi hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng do chủng virus Corona mới (SARS-CoV-2 hay COVID-19) gây bệnh lây lan toàn cầu, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu thêm về đặc điểm của loại virus mới này.

Thông thường, ở các bệnh hô hấp do vi sinh vật gây bệnh như virus cúm, hô hấp hợp bào (RSV), người cao tuổi bị biến chứng nghiêm trọng nhất và tỷ lệ tử vong cũng cao nhất. Ví dụ: cứ 10.000 người Mỹ từ 18 đến 49 tuổi thì chỉ có 0,4 người chết vì cúm hàng năm. Con số đó là 5,9/10.000 đối với những người từ 65 đến 74 tuổi, và là 47,5/10.000 người đối với ai trên 74 tuổi.

Tuy hầu hết các bệnh này cũng có thể gây ra bệnh nặng ở những người còn rất trẻ, nhưng với COVID-19, tỷ lệ bệnh nặng theo tuổi rất khác biệt so với các tác nhân gây bệnh hô hấp khác. 

Dữ liệu ở giai đoạn đầu trong đại dịch COVID-19 cho thấy sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ tử vong liên quan đến tuổi. Tỷ lệ tử vong là 4,5% đối với bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên, so với chỉ 1,4% ở những người dưới 60 tuổi, với những người dưới 30 tuổi là từ 0 đến 0,19.

Miễn dịch

Chúng tôi là các nhà miễn dịch học đang làm việc trong các chương trình nghiên cứu phát triển vaccine. Với đặc điểm của COVID-19 “thích” người cao tuổi, và cũng là đối tượng cần vaccine nhất, chúng tôi cảm thấy bắt buộc phải xem xét lại, xem các nhà khoa học khác có đang thực sự chú ý đến đối tượng dân số này hay không.

Kết luận của chúng tôi là các nhà nghiên cứu vaccine phần lớn đã thất bại trong việc bào chế vaccine cho những người có nguy cơ cao nhất – những người già có hệ thống miễn dịch yếu.

Sự đáp ứng vaccine kém cũng thường gặp ở người đang mắc các bệnh lý viêm nhiễm. Mà đối với người cao tuổi, cơ thể họ thường lúc nào cũng ở trong tình trạng viêm mãn tính. Đây là lý do khiến người già có xu hướng phát triển các bệnh lý hô hấp nghiêm trọng hơn.

Trong lây nhiễm SARS-CoV-2, vấn đề chính đáng lưu ý ở đây là: tình trạng viêm đường hô hấp có thể trở nên trầm trọng hơn ở những người trước đó đã có tình trạng viêm nhiễm.

Suy giảm miễn dịch cũng dẫn đến kém đáp ứng với vaccine. Thật vậy, vaccine cúm hàng năm vẫn nổi tiếng là kém hiệu quả ở nhóm người cao tuổi. Việc này rất quan trọng trong bối cảnh cả thế giới đang nỗ lực nhiều công sức và tiền bạc để đầu tư vào việc phát triển thật nhanh vaccine phòng COVID-19.

Việc người cao tuổi kém đáp ứng với vaccine phần lớn đã bị bỏ qua trong hầu hết các cuộc thảo luận về vaccine COVID-19, mặc dù đây là nhóm có nhu cầu lớn nhất. Hầu hết các cộng đồng khoa học làm trong lĩnh vực phát triển vaccine cho bất kỳ bệnh nào cũng chỉ tập trung vào việc tiêm vaccine cho người trẻ tuổi.

Chuột non và người già

Đây là một bài tập thú vị cho những người đọc bài viết này: Tìm càng nhiều bài báo nghiên cứu càng tốt về chủ đề phát triển vaccine đã sử dụng mô hình động vật (nó có thể dành cho bất kỳ bệnh nào). Sau đó, đọc phần “Phương pháp nghiên cứu”“Đối tượng nghiên cứu” để kiểm tra tuổi của động vật được nghiên cứu. Chúng tôi đã bị sốc bởi những gì chúng tôi tìm thấy.

Chuột là động vật phổ biến nhất được sử dụng trong nghiên cứu vaccine tiền lâm sàng, và phần lớn trong số này là chuột 12 tuần tuổi hoặc trẻ hơn. Chuột 12 tuần tuổi tương đương với những người từ 20 tuổi trở xuống. Nghiên cứu sử dụng chuột suy giảm miễn dịch 18 tháng tuổi (tương đương với người cao tuổi) tương đối hiếm.

Phần lớn chuột dùng để nghiên cứu vaccine là 12 tuần tuổi hoặc trẻ hơn, không tương đương với nhóm người cao tuổi có miễn dịch yếu... (Pixabay)
Phần lớn chuột nghiên cứu là 12 tuần tuổi hoặc trẻ hơn, tương đương với người từ 20 tuổi trở xuống… (Pixabay)

Đối với các thử nghiệm tiền lâm sàng (trên tế bào, động vật) đầy hứa hẹn, trước khi đưa vào các thử nghiệm lâm sàng (trên người), thì thường sử dụng các loài linh trưởng không thuộc bộ Người như khỉ Rhesus. Trong phần lớn các trường hợp, những con vật được nghiên cứu chỉ trong khoảng từ 3 đến 6 tuổi, tương đương với một thanh thiếu niên hoặc người trưởng thành trẻ tuổi. Xu hướng tương tự áp dụng cho tất cả các động vật khác được sử dụng trong nghiên cứu vaccine.

Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu cần tập trung vào sự an toàn, không phải là hiệu quả của vaccine. Có quá nhiều vaccine không bao giờ được thử nghiệm theo tình trạng miễn dịch hay thử ở các lứa tuổi khác nhau trước khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và 3. Đến lúc này họ mới phát hiện ra sự kém hiệu quả của vaccine đó đối với cơ địa bị suy giảm miễn dịch, nhưng đã quá muộn để khắc phục vấn đề. Những thử nghiệm này nên bắt đầu trong giai đoạn tiền lâm sàng, để điều chỉnh một loại vaccine phù hợp với cơ thể có miễn dịch suy giảm.

Điều thú vị là, nhiều công ty cung cấp động vật để nghiên cứu không có kho để nuôi dưỡng động vật già. Đáng lo ngại nữa là hầu hết những con chuột già dùng trong nghiên cứu đều thuộc chủng C57BL/6, đây là chủng phổ biến nhất được sử dụng trong nghiên cứu và chúng có hệ miễn dịch mạnh để chống lại việc bị lây nhiễm virus. Nên nếu có nghiên cứu nào lưu ý đến đối tượng “chuột già”, thì cũng không thể quy đổi tương đương với người cao tuổi (vốn có cơ địa bị suy giảm miễn dịch). 

Thú vị thay, những con chuột già mắc bệnh nghiêm trọng hơn sau khi bị nhiễm bệnh SARS, gần giống với người cao tuổi. Còn đối với chuột non, chúng có hệ thống miễn dịch tối ưu cho phản ứng chống virus và gặp ít bệnh nghiêm trọng hơn. Việc sử dụng chúng quá mức trong nghiên cứu có thể dẫn đến việc đánh giá quá cao tiềm năng của vaccine.

Phát triển vaccine cho đối tượng cần vaccine nhất

Những người từ 65 tuổi trở lên thường mắc bệnh COVID-19 nặng nhất và có tỷ lệ tử vong cao nhất. Nếu mục tiêu là có vaccine COVID-19 sẵn sàng để sử dụng công khai vào đầu năm 2021, thì những người duy nhất có cơ hội là những người hiện đang trong các thử nghiệm lâm sàng. Có vẻ như hầu hết các nghiên cứu vaccine này, không có cái nào thử nghiệm tiền lâm sàng cho dân số cao tuổi, có nghĩa là các vaccine COVID-19 thế hệ đầu tiên này có thể hoạt động kém ở những người cần chúng nhất.

Đối với đại dịch COVID-19, tình hình hiện tại đã là quá muộn để quay lại và đưa những cân nhắc này vào mục tiêu thử nghiệm tiền lâm sàng. Tuy nhiên, với các nhà nghiên cứu vẫn đang trong giai đoạn tiền lâm sàng thì việc kết hợp thử nghiệm ở động vật trẻ và già là rất cần thiết để có thể phát triển vaccine có hiệu quả nhất. Điều này sẽ giúp thế giới chuẩn bị cho đợt bùng phát đại dịch tiếp theo do virus Corona gây ra.

Để làm được điều đó, các chương trình phát triển vaccine nên tập trung vào nhóm người cao tuổi; và kể cả các chương trình điều trị ung thư cũng nên hướng tới người cao tuổi, nhóm có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất.

Có những chiến lược khả thi để cải thiện hiệu quả của vaccine ở người lớn tuổi, bao gồm những thay đổi về công thức, liều lượng và đường dùng. Tuy nhiên, phải mất thời gian đáng kể và dùng các mô hình thử nghiệm động vật thích hợp để thực hiện nghiên cứu này. Có thể người cao tuổi sẽ phải cần các chế độ tiêm chủng khác so với người trẻ.

Mặc dù một số nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu vaccine ở động vật già, nhưng để làm tốt được điều này thì các chuyên gia vaccine cần phối hợp nhiều hơn nữa. Điều này càng quan trọng hơn đối với các nước dân số già. Điều này sẽ làm thay đổi mục tiêu hiện tại trong lĩnh vực phát triển vaccine và đưa yếu tố tuổi trở thành một biến số quan trọng.

Byram W. Bridle là phó giáo sư về miễn dịch virus trong khoa sinh bệnh học tại Đại học Guelph ở Canada, và Shayan Sharif là giáo sư về miễn dịch học và phó khoa nghiên cứu sau đại học tại Đại học Guelph. Bài viết này được đăng tải lần đầu tiên trên tạp chí The Conversation. (NTD, Theo The Epoch Times)