Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

CIO: Thế vận hội Tokyo sẽ mở ra năm 2021 hoặc hủy hẳn

Thế vận hội Tokyo 2020, đã phải dời sang 2021 vì đại dịch Covid-19, có thể bị hủy hẳn nếu dịch bệnh từ nay đến sang năm không được khống chế. Trên đây là khẳng định của ông Thomas Bach, chủ tịch Ủy Ban Olympic Quốc Tế (CIO). Thế vận hội Tokyo bị hủy hẳn không chỉ là đòn nặng nề đối với nước chủ nhà Nhật Bản mà còn là tín hiệu rất xấu cho Olympic Paris 2024.

Thế vận hội Tokyo sẽ thế nào nếu đại dịch virus corona từ nay đến sang năm không được khống chế ? Trả lời câu hỏi trên BBC ngày 20/05 chủ tịch CIO nhất trí với quan điểm của nước chủ nhà Nhật Bản rằng không thể lùi thêm một lần nữa thời hạn tổ chức Olympic Tokyo mà chỉ có thể hủy luôn sự kiện.

Theo lãnh đạo CIO, “Không thể thuê mãi 3000 đến 5000 người trong ủy ban tổ chức. Cũng không thể để các vận động viên trong tình trạng bất ổn. Cũng không thể mỗi năm lại thay đổi lịch thi đấu của các liên đoàn bộ môn lớn trên thế giới và cũng không thể để chồng chéo lên các kỳ Thế vận hội trong tương lai.”

Thế vận hội Tokyo, ban đầu dự kiến khai mạc ngày 24/07/2020, nhưng đã phải lùi lại một năm. Đây là quyết định khó khăn của CIO đáp lại những lo lắng về sức khỏe của vận động viên và sức ép rất mạnh của các liên đoàn thế thao quốc tế trước trận dịch toàn cầu.

“Các kịch bản khác nhau đang được nghiên cứu. Từ giờ đến sang năm nếu dịch chưa được thanh toán thì chỉ có cách hủy hẳn kỷ Thế vận hội này. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn vì có rất nhiều khả năng mà bây giờ không dễ để lựa chọn. Khi chúng tôi có cái nhìn rõ ràng về thế giới sẽ ra sao ngày 23/07/2021, khi đó chúng tôi sẽ có những quyết định thích hợp”, ông Thomas Bach nhấn mạnh trước khi bác bỏ ý tưởng tổ chức Thế vận hội không khán giả.

Chủ tịch Ủy Ban Olympic Quốc Tế khẳng định, các cuộc thi tài ở Thế vận hội không khán giả, « đó không phải điều chúng ta muốn. Vì tinh thần Olympic chính là đoàn kết người yêu thể thao, đó cũng là điều làm các Thế vận hội trở nên độc đáo. Tất cả người hâm mộ trên toàn thế giới phải cùng bên nhau ».

Ngày 28/04, trả lời phỏng vấn nhật báo thể thao Nhật Nokka, ông Yoshiro Mori, chủ tịch Ủy Ban Tổ Chức Olympic Tokyo đã cho biết quan điểm của người Nhật là nếu dịch Covid-19 không chấm dứt vào năm tới thì chỉ có cách là hủy luôn kỳ Thế vận hội này.  Sẽ có rất nhiều vấn đề nảy sinh không thể giải quyết trong khâu tổ chức nếu tiếp tục hoãn thêm một lần nữa sự kiện.

Ông Thomas Bach nhắc lại nguyên tắc: Tổ chức kỳ Thế vận hội này trong môi trường an toàn cho tất cả những người tham dự. Không ai có thể nói trước điều gì về tình hình dịch bệnh trong một năm nữa. Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế sẽ có quyết định thích hợp dựa trên khuyến cáo của các chuyên gia y tế.

Hủy Olympic Tokyo, hệ quả kinh tế cho Paris 2024

Khả năng Tokyo phải hủy sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh sẽ là một tổn thất lớn về hình ảnh và tài chính đối với nước chủ nhà Nhật Bản, đã đổ ra hơn 12 tỷ đô la và mong đợi ngày hội lớn từ 7 năm nay. Đây sẽ là một tín hiệu rất xấu cho Paris 2024 về mặt tài chính, theo chuyên gia kinh tế thể thao Christophe Lepetit.

Dù không thể đưa ra con số về thiệt hại tài chính trong trường hợp Olympic Tokyo bị hủy, nhưng nhà nghiên cứu kinh tế, thuộc Trung tâm Luật và Kinh tế Thể thao ( CDES) của Pháp tại Limoges, khẳng định, chắc chắn sẽ là không nhỏ đối với ban tổ chức Paris 2024. Theo chuyên gia Christophe Lepetit, riêng việc lùi từ 2020 sang 2021 đã rất tốn kém cho Nhật. Người ta đã lên được con số khoảng 3 tỷ đô la. Để lùi thời hạn, người ta phải kéo dài chi phí thêm một năm cho cả một cơ cấu tổ chức Thế vận hội, bồi thường cho các nhà thầu do chậm trao trả lại các công trình hậu Olympic.

Trong trường hợp hủy hẳn sự kiện. Các nhà tổ chức phải hoàn trả tiền cho rất nhiều các bên tham gia như các nhà sản xuất truyền hình, các đối tác đã mua bản quyền hình ảnh, quảng cáo trong thời gian diễn ra sự kiện, hay hoàn lại tiền vé … Như thế thì gần như toàn bộ mô hình kinh tế của Ủy Ban Olympic Quốc Tế bị ảnh hưởng một khi sự kiện bị hủy.

Nhờ có thu nhập từ các Thế vận hội mà CIO có thể cung cấp tài chính cho nhiều ủy ban Olympic Quốc Gia trên khắp thế giới. Không ít các định chế thể thao sống chủ yếu nhờ vào nguồn tiền tài trợ từ CIO. Trong khoảng từ năm 2017-2020, hơn 500 triệu đô la đã được CIO dành hỗ trợ cho các liên đoàn thể thao, ủy ban quốc gia và cả các vận động viên.

Có những vận động viên vẫn được hưởng trợ cấp của CIO để chuẩn bị tham dự Thế vận hội sẽ có thể gặp khó khăn. Trong nhiều môn thể thao, Thế vận hội là thời điểm quan trọng đối với sự nghiệp, cuộc sống của các vận động viên. Không được thi đấu có nghĩa là họ sẽ mất hợp đồng, tài trợ, quảng cáo tức là thu nhập của họ bị mất, cuộc sống trở nên bấp bênh.

Nếu Olympic Tokyo bị hủy, tác động dây chuyền còn lan sang kỳ thế vận hội tiếp theo là Paris 2024. Trước hết trên góc độ tài chính. Một phần kinh phí cho Paris tổ chức sự kiện lớn bắt nguồn từ kỳ thế vận trước. Khi mà kỳ thế vận hội trước không có thu nhập thì khoản tiền hỗ trợ được CIO phân bổ dĩ nhiên sẽ bị cắt giảm. Hệ quả tiếp theo là các chí phí tổ chức bị đội giá.

Theo chuyên gia Christophe Lepetit, các nhà thầu các dự án Paris 2024 chắc chắn sẽ phải phân tích lại khả năng đội giá thành trong trường hợp  kỳ Thế vận trước bị hủy. Có thể  người ta sẽ phải khẩn cấp rà soát lại các dự án để thấy đâu là những tác động tiêu cực, tích cực của cuộc khủng hoảng đối với việc tổ chức Paris 2024. Nhìn chung thì sẽ phải có hiện tượng giá thành bị đội lên vì sẽ xuất hiện những chuẩn mực mới, những hạng mục tổ chức mới sau đợt khủng hoảng y tế này.

Việc lùi thời hạn tổ chức Olympic Tokyo có thể gây hậu quả tiêu cực nhưng nếu sự kiện bị hủy hẳn thì sẽ là một tai họa đối với thể thao, giờ đã trở thành một lĩnh vực kinh tế chiếm tỷ trọng không nhỏ ở nhiều quốc gia. Thể thao giờ không chỉ có các vận động viên, các câu lạc bộ, các môn mà còn là toàn bộ các tác nhân tổ chức thực hiện hoạt động thi đấu và kinh doanh. (RFI)