Chuyên gia Úc: Con đường thoát ra khỏi đại dịch vẫn còn dài
Nhận định về con đường thoát ra khỏi đại dịch COVID-19, hầu hết các chuyên gia y tế Úc đều cho rằng loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 gần như chắc chắn là điều không thể và đại dịch sẽ không biến mất một cách nhanh chóng mà nhiều khả năng sẽ trở thành dịch bệnh kéo dài.
Theo giáo sư Eddie Holmes, nhà nghiên cứu về sự tiến hóa của virus thuộc Đại học Sydney, “sẽ không có ngày chúng ta sẽ thức dậy và nói rằng mọi chuyện đã kết thúc. Thay vào đó, mọi chuyện sẽ xảy ra dần dần, và theo thời gian, con người sẽ nghĩ về căn bệnh này theo một cách khác đi”.
Chia sẻ quan điểm này, nhà nghiên cứu về virus Ian Mackay của Đại học Queensland cho biết “ngay cả với tỷ lệ tiêm chủng cao trên toàn cầu, chúng ta còn lâu mới có thể ngăn chặn được hoàn toàn sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2”.
Ông Mackay nói: “Có quá nhiều virus lấn át chúng ta đến nỗi hầu hết các loại vắc-xin sẽ phải vật lộn để ngăn chặn sự lây nhiễm, bất kể loại vắc-xin đó tốt đến mức nào. Tuy nhiên, rất may là ngay cả trong trường hợp không đạt được miễn dịch cộng đồng, vắc-xin cũng làm giảm đáng kể tình trạng bệnh nặng, điều này có nghĩa là ít người phải nhập viện hơn và ít người tử vong hơn.
Giáo sư Holmes dự báo, theo thời gian, COVID-19, giống như các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, sẽ trở thành bệnh dịch thường xuyên nhưng dễ kiểm soát hơn trong cuộc sống của con người.
Ông nói ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, virus vẫn sẽ tồn tại và điều quan trọng là “chúng ta giảm được gánh nặng do dịch bệnh gây ra”.
Cũng liên quan đến COVID-19, nhà nghiên cứu về virus và bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Griffith, Lara Herrero khẳng định để bảo vệ những người có nguy cơ mắc bệnh nặng và giữ cho hệ thống y tế không bị quá tải, điều cần thiết là dỡ bỏ dần dần các hạn chế và duy trì một số biện pháp an toàn phòng dịch để duy trì tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở mức thấp nhất có thể.
Theo các chuyên gia y tế, khó có thể dự báo chính xác khi nào COVID-19 chuyển thành bệnh đặc hữu. Điều này tùy thuộc vào mỗi quốc gia, tỷ lệ tiêm chủng, mức độ miễn dịch cộng đồng (bao gồm cả miễn dịch sau khi nhiễm bệnh) và lượng virus lây lan trong cộng đồng. Việc tăng cường triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh có thể trở thành chìa khóa để tăng khả năng miễn dịch cộng đồng. (tintuc)