Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Chuyến bay giải cứu: 4 án chung thân, không có án tử


Bốn bị cáo chủ chốt bị tù chung thân, trong đó có một bị cáo thoát án tử, trong khi bản án dành cho cựu thứ trưởng nặng hơn mức án đề nghị, Tòa án Hà Nội đã tuyên hôm Thứ Sáu 28/7 sau 3 tuần xét xử phiên tòa chuyến bay giải cứu.

Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu thứ trưởng Ngoại Giao, bị kết án 16 năm tù trong phiên tòa “chuyến bay giải cứu”. Hình: Tuổi Trẻ

Ba trong số bốn bị cáo bị án chung thân là những quan chức ăn hối lộ nhiều nhất để cấp phép chuyến bay giải cứu, bao gồm bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Phạm Trung Kiên, Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế; và Vũ Anh Tuấn, cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

Riêng bị cáo Hoàng Văn Hưng, Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, cũng bị kết án chung thân nhưng về tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ do liên quan đến chạy án.

Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng, quan chức cấp cao nhất bị xử trong giai đoạn 1 của vụ án, bị tuyên án 16 năm tù cho tội ‘Nhận hối lộ’.

Như vậy, bị cáo bị đề nghị mức án cao nhất là Phạm Trung Kiên đã thoát được án tử hình sau khi bị cáo và gia đình nộp lại 42 tỷ đồng trong số 42,6 tỷ đồng đã nhận hối lộ, trong khi các ông bà Lan, Tuấn, Hưng và Dũng đều bị tuyên án cao hơn mức đề nghị của Viện Kiểm sát.

Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của ông Đỗ Xuân Tuyên, thứ trưởng Y Tế, trước lúc nghe phán quyết hôm 28 Tháng Bảy. Hình VNExpress

Cụ thể, mức án đề nghị dành cho bà Lan là 18-19 năm tù, ông Tuấn và ông Hưng là 19-20 năm tù còn ông Dũng chỉ là 12-13 năm tù.

Sở dĩ tòa tuyên án nặng cho các ông, bà này là vì họ ‘nhận số tiền hối lộ đặc biệt lớn, gây nhức nhối trong xã hội, mất niềm tin trong nhân dân nên cần áp dụng mức hình phạt cao hơn đề nghị mới đủ sức răn đe’, tờ Người Lao Động dẫn bản án được tuyên tại tòa cho biết.

Theo cáo trạng, Phạm Trung Kiên nhận hối lộ nhiều nhất với số tiền 42.6 tỷ đồng, theo sau là Vũ Anh Tuấn (27.3 tỷ), Nguyễn Thị Hương Lan (25 tỷ), Tô Anh Dũng (21.5 tỷ).

Đối với các bị cáo còn lại trong nhóm ‘Nhận hối lộ’: Đỗ Hoàng Tùng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, lãnh 12 năm tù; Nguyễn Quang Linh, trợ lý phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, và Trần Văn Dự, Cục phó Quản lý Xuất nhập cảnh, đều bị tuyên 7 năm tù, Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam và Nguyễn Thanh Hải, cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ, cùng chịu mức 6 năm và Chử Xuân Dũng, phó Chủ tịch Hà Nội, bị kêu án 3 năm.

Năm mươi bốn bị cáo phiên tòa “chuyến bay giải cứu” nghe phán quyết hôm 28 Tháng Bảy. Hình VNExpress

Tổng cộng có 25 bị cáo bị kết án về tội ‘Nhận hối lộ’ với tổng số tiền 165 tỷ đồng. Mỗi bị cáo trong nhóm này phải nộp phạt 100 triệu đồng cho ngân sách Nhà nước bên cạnh số tiền đã nộp khắc phục, theo Người Lao Động.

Trong nhóm tội ‘Môi giới hối lộ’, ông Nguyễn Anh Tuấn, phó Giám đốc Công an Hà Nội, bị tuyên phạt 5 năm tù.

Về phía tội ‘Đưa hối lộ’ mà bị cáo chủ yếu là giám đốc các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay giải cứu, mức án cao nhất dành cho bà Nguyễn Thị Thanh Hằng và ông Lê Hồng Sơn vốn là phó tổng giám đốc và tổng giám đốc Công ty Blue Sky. Bà Hằng bị tuyên 11 năm tù, cao hơn 1 năm so với ông Sơn.

Nhiều hành khách phải trả hàng ngàn đô la để có vé trên “chuyến bay giải cứu” hồi đại dịch COVID-19. Hình Thanh Niên

Bà Hoàng Diệu Mơ, Tổng Giám đốc Công ty Hàng không An Bình, và ông Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Lữ hành Việt, cùng lãnh 7 năm tù.

Số tiền mà Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn đã hối lộ được xác định là100 tỷ đồng, theo cáo trạng, trong khi Hoàng Diệu Mơ hối lộ 34,6 tỷ đồng, còn Nguyễn Tiến Mạnh đưa 27.8 tỷ đồng.

Tổng cộng có 54 bị cáo đã bị xét xử và tuyên án trong giai đoạn một của vụ án. Tuy nhiên, đây chỉ mới là bản án sơ thẩm và có khả năng bị các bị cáo kháng án. (T/H, VOA)