Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Chứng khoán Hồng Kông: Sẽ có làn sóng rút vốn nếu thực thi Luật An ninh Quốc gia

“Lưỡng hội” (khóa họp thường niên của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc) đã được tổ chức trong tuần này. Ngày 21/5, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc thảo luận thực thi “Luật An ninh Quốc gia” tại Hồng Kông. Sau khi tin tức được đưa ra, các sàn giao dịch Hồng Kông và Đồng đô la Hồng Kông liên tục rớt giá. Các nhà phân tích tin rằng nếu luật này được thực thi, sẽ có một làn sóng rút vốn, ảnh hưởng đến vị thế của trung tâm tài chính Hồng Kông.

Theo đài Radio Free Asia, ngày 21/5, trước thềm khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, chương trình nghị sự đã được công bố tại một cuộc họp báo được tổ chức sau cuộc họp dự bị Đại hội. Một trong các cuộc thảo luận là ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tiến hành lập pháp “Luật An ninh Quốc gia” tại Hồng Kông.

Truyền thông Hồng Kông đưa tin, “Luật An ninh Quốc gia” bao gồm cấm chia rẽ quốc gia, cấm mưu phản, cấm can thiệp của nước ngoài và các hành vi khủng bố. 

Ngoại giới quan sát dự kiến ​​”Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông” sẽ được đưa vào Phụ lục III của Luật cơ bản. (Luật Cơ bản được ban hành khi Anh trao trả Hồng Kông lại cho Trung Quốc hồi năm 1997. Luật này đảm bảo cho người dân Hồng Kông một số quyền tự do mà người ở Trung Quốc Đại Lục không được hưởng.) 

Theo Điều 18, khoản 2, của Luật Cơ bản, “Tất cả các luật được liệt kê trong Phụ lục III của Luật này sẽ được ban hành tại địa phương hoặc được thực thi theo luật tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông”. Điều đó có nghĩa là, “Luật An ninh Quốc gia” có thể được Chính phủ Hồng Kông trực tiếp công bố thực hiện, mà không cần hỏi ý kiến ​​người dân Hồng Kông.

Xu hướng của dòng tiền đầu tư

Sau khi tin tức được đưa ra, đồng đô la Hồng Kông rớt giá liên tục. 5 giờ chiều ngày 21/5, 1 USD đổi được 7,75 đến 7,7539 đô la Hồng Kông, biên độ giao dịch đạt 39 điểm.

Thị trường tỷ giá hối đoái kỳ hạn trải qua sự tụt giảm sâu trong cùng ngày. Khấu hao kỳ hạn trong 6 tháng cán mốc 100 điểm, trong 179 điểm tính cả năm, từ 7,774 đến 7,7936. Các chỉ số tỷ giá trên phản ánh kỳ vọng của thị trường hối đoái trong tương lai. Chứng khoán Hồng Kông kết thúc phiên giao dịch với 3 lần tăng nhẹ trong ngày, trong khi đó chỉ số Hang Seng (HSI) đóng phiên ở mức 24,280 điểm, sụt giảm 119 điểm, tương đương với 0,49%.

Tờ Apple Daily của Hồng Kông dẫn lời một nhân viên tài chính giấu tên nói rằng thời điểm đồng đô la Hồng Kông giảm mạnh trùng với thời điểm tin tức được đưa ra, hoặc nó phản ánh mối lo ngại của thị trường về sự quay trở lại tình trạng hỗn loạn trong xã hội Hồng Kông, nhưng sau đó, đồng đô la Hồng Kông đã hồi phục nhẹ.

Báo cáo dẫn lời giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế & Kinh doanh Crown, nhà kinh tế Quan Trác Chiếu (Guan Zhuozhao), nói rằng nếu các quy định được thực thi, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thận trọng với thị trường Hồng Kông, các khoản đầu tư bị giảm hoặc thậm chí rút vốn. Ông tin rằng Hồng Kông, với tư cách là một trung tâm tài chính quốc tế, có sự phối hợp của luật pháp và chế độ dân chủ độc lập, nếu có làn sóng rút vốn,  chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh đến vị thế trung tâm tài chính của Hồng Kông.

Giới quyền quý Bắc Kinh sẽ đi đâu?

Trước đó, giảng viên cao cấp của Khoa Báo chí của Đại học Baptist Hồng Kông, ông Lữ Bính Quyền, trong một buổi phỏng vấn độc quyền với “Đài tiếng nói Đức” đã tiết lộ rằng, Hồng Kông là nơi lý tưởng để các lãnh đạo ĐCSTQ và các gia tộc quyền quý rửa tiền. Họ thông qua một người đại diện ở Hồng Kông để thực hiện các hoạt động này và từ đó phân tán đi các nơi trên thế giới. Hồng Kông chỉ là nơi làm bàn đạp cho các hoạt động tài chính và tồn trữ tài sản của giới quyền quý Trung Quốc trong một thời gian ngắn hạn.

Đối với phong trào “chống luật Dẫn độ” tại Hồng Kông, nhà phân tích chính trị Giang Phong (Jiang Feng) cho rằng, nếu Bắc Kinh gỡ bỏ “một quốc gia hai chế độ” ở Hồng Kông, vậy thì cũng không cần chờ Mỹ hủy bỏ “Đạo luật chính sách Hồng Kông”, nhà cầm quyền Trung Quốc cũng sẽ gỡ bỏ các ưu đãi đặc biệt dành cho đặc khu này. Vậy liệu lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ có ưng thuận không khi mà ở nơi này họ đang trữ bất động sản, công ty và  cả quốc tịch Hồng Kông?

Căng thẳng gia tăng trong quan hệ Trung-Mỹ

Tuy nhiên, Bắc Kinh đang phải đối mặt với tình hình nghiêm trọng hơn trước. Nhiều khu vực và cá nhân ở các quốc gia trên thế giới đã đệ lên tòa án đơn kiện và yêu cầu truy cứu trách nhiệm của ĐCSTQ về những tổn thất nặng nề trong đại dịch. Bên cạnh đó, quan hệ Mỹ – Trung ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Liệu Bắc Kinh sẽ có hành động cứng rắn đối với vấn đề Hồng Kông hay không vẫn còn phải chờ quan sát, nhưng không thể phủ nhận rằng xu hướng của các quỹ đầu tư đã đưa ra tín hiệu.

Đầu tháng này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã hoãn báo cáo sắp tới về quyền tự chủ của Hồng Kông. Báo cáo này được coi là cơ sở để đo lường liệu Hồng Kông có được hưởng đặc quyền giao dịch đặc biệt như một trung tâm tài chính hay không.

Hôm 21/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Mỹ sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu Trung Quốc “khăng khăng” thực hiện  kế hoạch “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông “. Reuters đưa tin ông Trump đã đưa ra tuyên bố này với các phóng viên trước khi rời Nhà Trắng. Khi được hỏi về vấn đề này, ông Trump nói: “Tôi chưa biết nội dung dự luật này như thế nào. Nhưng nếu điều này xảy ra, chúng tôi sẽ phản hồi rất mạnh mẽ “.

Cùng ngày, một phát ngôn viên của Văn phòng Hồng Kông thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ sự không hài lòng với thái độ của chính quyền Trump đối với Hồng Kông. (T/T)