Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Chính quyền Biden cần làm gì để đáp lại chiến lược BRI của Trung Quốc?

Nguồn: Jim Webb, “An American Belt and Road Initiative?”, WSJ,  17/02/2021.

Biên dịch: Trần Hùng

Tổng thống Biden tuần trước đã thông báo thành lập một nhóm công tác thuộc Lầu Năm Góc nhằm xem xét lại chính sách quân sự đối với Trung Quốc, tuyên bố rằng Mỹ sẽ “đối mặt với thách thức Trung Quốc” và “giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh trong tương lai.” Nếu xét thành phần của nhóm, rõ ràng nhóm sẽ tìm cách chuyển chính sách của Hoa Kỳ theo hướng chú trọng hơn vào các giải pháp ngoại giao. Nhưng khi xác định chiến lược quốc gia tương lai của Mỹ, chính quyền mới nên tiến thêm một bước nữa.

Chiến lược dài hạn của Trung Quốc vượt ra ngoài các vấn đề về chính sách thương mại, cạnh tranh nước lớn, phổ biến vũ khí hạt nhân và mở rộng quân sự. Điều quan trọng nhất trong cuộc tranh luận mở là việc Trung Quốc theo đuổi các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ ở các nước đang phát triển, nơi họ tìm cách củng cố các mối quan hệ lâu dài. Các mối quan hệ kinh tế và ngoại giao này là sự mở rộng quyền lực — trong đó sự can dự của quân đội và an ninh Trung Quốc được biện minh là nhằm bảo vệ lợi ích của nước này.

Trung Quốc đang tìm cách trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới và Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) là một thành phần quan trọng trong chiến lược của nước này. Nhằm bảo vệ sức mạnh ngoại giao và kinh tế của chúng ta, Hoa Kỳ nên điều chỉnh lại cách tiếp cận của mình đối với các quốc gia thường bị bỏ qua, ngay cả khi chúng ta tiếp tục đối mặt với những thách thức an ninh quốc gia truyền thống hiện đang thu hút sự chú ý của tất cả mọi người.

Phần lớn thế giới đang trở nên bất an trước sự hung hăng không ngừng của Trung Quốc ngay ở châu Á. Trong thập niên qua, Trung Quốc đã tự tiện hành động, xem thường luật pháp quốc tế và dư luận trong khi ra hiệu rằng họ có ý định thay thế Mỹ với tư cách là cường quốc quân sự, ngoại giao và kinh tế thống trị trong khu vực. Bắc Kinh đã đàn áp phong trào dân chủ của Hồng Kông; bắt đầu các tranh chấp quân sự với Ấn Độ; làm gián đoạn cuộc sống của hàng chục triệu người bằng cách xây các con đập ở thượng nguồn sông Mekong; tiến hành những gì mà chính phủ Hoa Kỳ hiện coi là một chiến dịch diệt chủng chống lại người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi; leo thang căng thẳng với Nhật Bản xoay quanh quần đảo Senkaku; củng cố việc chiếm đóng trái phép các đảo ở Biển Đông; và liên tục thực hiện các hành động hiếu chiến được thiết kế nhằm kiểm tra sự phản kháng của cộng đồng quốc tế đối với việc “thống nhất” “tỉnh li khai” Đài Loan.

Mặc dù bất kỳ động thái nào trong số này và các động thái tương tự có thể leo thang thành các cuộc khủng hoảng lớn, nhưng chúng từ lâu đã làm dấy lên sự nghi ngờ trong cộng đồng quốc tế. Cho đến nay, BRI vẫn còn là một vấn đề riêng biệt, nhưng tác động dồn nén của những hành động khiêu khích không ngừng của Bắc Kinh đã khiến nhiều đối tác phát triển kinh tế thuộc thế giới thứ ba của Trung Quốc ngần ngại.

Chính quyền Biden có thể tận dụng điều này bằng cách tiến hành một cuộc cải tổ lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở hầu hết các nước đang phát triển, nơi Trung Quốc đi trước Mỹ thông qua một cách tiếp cận có lớp lang, phối hợp nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng và thúc đẩy quan hệ lâu dài. Một hệ thống quốc tế dựa vào một chính phủ Trung Quốc độc tài không mang lại lợi ích tốt nhất cho các quốc gia đó và đe dọa lợi ích của Hoa Kỳ và sự ổn định quốc tế.

Nhu cầu đầu tư quốc tế lớn vào Châu Á, Châu Mỹ Latinh và hơn hết là Châu Phi là rõ ràng. Châu Phi sẽ chứng kiến một sự bùng nổ về nhân khẩu học. Dân số của châu lục này đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 1970, từ 363 triệu lên 1,4 tỷ người và tiếp tục tăng với tốc độ vượt xa các lục địa khác. Trong số 30 quốc gia có tốc độ tăng dân số nhanh nhất thế giới năm 2020, 28 quốc gia nằm ở Châu Phi. Sự gia tăng mạnh mẽ này không phải là kết quả của tuổi thọ kéo dài mà là do tỷ lệ sinh. Độ tuổi trung bình của lục địa này là dưới 20 tuổi. 10 nước có tỷ lệ sinh cao nhất thế giới đều ở Châu Phi. Tỷ lệ sinh nói chung của châu Phi là 4,4 trẻ em trên một phụ nữ. Tỷ lệ sinh của châu Á chỉ bằng một nửa mức đó (2,2). Ở Nhật Bản tỉ lệ này là 1,4, ở Singapore là 1,1, và ở Hàn Quốc, mỗi phụ nữ chỉ sinh một trẻ em.

Hệ thống kinh tế và quản trị chính quyền ở châu Phi đã không theo kịp. Vào năm 2020, chỉ có một trong 30 quốc gia hàng đầu về tổng sản phẩm quốc nội nằm ở Châu Phi (Nigeria, xếp thứ 27). Trung Quốc đã tìm cách tạo dựng quan hệ tốt với các nước nghèo hơn, một số có chế độ chính trị kém dân chủ hơn. Thiếu các lựa chọn thay thế, nhiều chính phủ châu Phi đã đón nhận Trung Quốc. Tính đến tháng 1 năm 2021, 40 quốc gia ở Châu Phi hạ Sahara đã ký các bản ghi nhớ về BRI với Trung Quốc.

Mỹ có thể làm được điều đó tốt hơn. Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nên thực hiện một chính sách quốc gia toàn diện, có phối hợp để điền vào khoảng trống này, ở Châu Phi và các nơi khác, trong đó kết hợp chính sách ngoại giao khéo léo, đảm bảo an ninh, đồng thời tận dụng năng lượng đổi mới từ các doanh nghiệp của Hoa Kỳ. Đây chưa phải là một lĩnh vực mà chúng ta đã thất bại. Vẫn còn đó những cơ hội chưa được khai phá. Bất chấp sự hỗn loạn gần đây của chúng ta, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia được lựa chọn trên toàn thế giới.

Nếu chính quyền Biden có thể đưa ra một chương trình khả thi kết hợp sự lãnh đạo nhiệt tình với các biện pháp khuyến khích và yêu cầu các công ty Mỹ phải tham gia đáng kể vào bất kỳ dự án được hỗ trợ nào, thì các doanh nghiệp và nhà ngoại giao Mỹ đi đến đâu họ cũng đều sẽ được hoan nghênh đến đó. Chiến lược Vành đai và Con đường được thiết kế đặc biệt để tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, nhưng khuôn khổ chiến lược của nó là kết quả của hơn một thập niên hoạch định của chính phủ. Mô hình cho một kế hoạch của Mỹ đã tồn tại sẵn trong cấu trúc của chính quyền và xã hội của chúng ta. Một nỗ lực lớn của Hoa Kỳ, dựa trên mức độ khả tín của mô hình kinh doanh đã được thử nghiệm của chúng ta và không có tham vọng thực dân, có thể thúc đẩy các nền kinh tế đang phát triển, cải thiện nền kinh tế của chúng ta và truyền cảm hứng cho sự phát triển hơn nữa của các xã hội tự do trên toàn cầu.

Tư tưởng truyền cảm hứng thường đi trước những thay đổi lớn mà ngay từ đầu tưởng như là không tưởng. Đội Hòa bình từng chỉ là một ý tưởng khi Tổng thống Kennedy đề xuất nó, giống như việc đưa “con người lên mặt trăng”. Chính quyền của Tổng thống Nixon cuối cùng đã đưa người hạ cánh trên mặt trăng, và giúp mở cửa Trung Quốc một cách đáng kinh ngạc. Với cam kết quy mô lớn, chắc chắn của Mỹ, các quốc gia đang phát triển có thể tăng trưởng và đóng góp đáng kể vào nền kinh tế thế giới. Thông qua đó, Mỹ có thể củng cố hình ảnh của mình như một lực lượng vì tự do và thịnh vượng. Khi nhiều thập niên nữa trôi qua, Mỹ sẽ được nhớ đến như một quốc gia thực sự giúp khai mở thế giới. (NCQT)

Jim Webb từng là Bộ trưởng Hải quân (1987-88) và là thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ đại diện bang Virginia (2007-13).