Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Chính phủ Victoria đón tiếp một công ty Trung Quốc khi công ty này đang bị Hoa Kỳ chế tài

Chính phủ Victoria đón tiếp một công ty Trung Quốc khi công ty này đang bị Hoa Kỳ chế tài

Chinese company sanctioned by the US hosted by Victorian government

By Eryk Bagshaw, Anthony Galloway and Nick McKenzie

June 22, 2020 — 8.51pm

Nguồn: https://www.smh.com.au/politics/federal/chinese-company-sanctioned-by-the-us-hosted-by-victorian-government-20200615-p552qo.html

Chính phủ Victoria đã đón tiếp một công ty Trung Quốc có liên hệ với sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, một Công ty mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chế tài, buộc tội là đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Một công ty được điều hành bởi cựu cố vấn hàng đầu về Trung Quốc của Daniel Andrews, Mike Yang, đã ký một thỏa thuận với iFlytek, một công ty khổng lồ chuyên về nhận diện giọng nói, tại văn phòng chính phủ Victoria vào tháng 5 năm ngoái trong chuyến công du tại Úc.

Công ty Trung Quốc này cũng được tiếp đón tại Quốc hội Victoria và đã cung cấp dịch vụ dịch thuật cho Hội đồng doanh nghiệp Trung Quốc Australia.

Trong Chuyến công du do Deloitte tổ chức,  iFlytek cũng đã ký một thỏa thuận với một doanh nhân ở Sydney, nhưng thỏa thuận này không có sự tham gia của chính phủ NSW. Việc iFlytek  được đóng trụ vào thị trường Úc xảy ra trước khi Victoria ký thỏa hiệp Vành đai và Con đường, một ký kết mà đã làm nổi giận các bộ trưởng trong nội các liên bang, những người luôn lo ngại về nền an ninh quốc gia đối với chính sách ngoại giao ngày càng quyết đoán của Trung Quốc.

Công ty này chuyên về phiên dịch trực tiếp, kết hợp giọng nói và dịch vụ nhận dạng hình ảnh. Công ty này được điều hành bởi Liu Qingfeng, một cựu đại biểu của Đại hội Nhân dân Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc.  Trung Quốc đã chuyển sang công nghệ sinh trắc học (hay Sinh vật Thống kê học) và trí tuệ nhân tạo để giúp chính phủ theo dõi công dân.

Thỏa hiệp với iFlytek được hình thành sáu tháng trước khi công ty bị đưa vào danh sách đen của Mỹ, nhưng hai năm sau khi Tổ chức Quan Sát Nhân quyền bắt đầu gây lo ngại khi công ty này làm việc với cảnh sát  Trung Quốc để khai triển cơ sở dữ liệu sinh trắc học quốc gia bằng giọng nói.

Tổng lãnh sự của Trung Quốc tại Victoria, Zhou Long, cựu quan chức của Bộ Không Gian Mạng Sự Vụ của Trung Quốc, đã trực tiếp liên kết thỏa hiệp này với thỏa thuận Vành đai và Con đường của Victoria và nói ông ta hy vọng có thể giúp tạo điều kiện cho việc phát triển kinh doanh tại Úc.

Ông ta nói vào tháng 5 năm ngoái: “Victoria là chính quyền địa phương đầu tiên ở Úc ký bản ghi nhớ hợp tác Vành đai và Con đường với chính phủ Trung Quốc. Victoria có truyền thống và bầu không khí tốt đẹp để trao đổi và hợp tác với Trung Quốc”,

“Hy vọng rằng iFlytek sẽ đáp ứng được nhu cầu thị trường, hợp tác với tất cả mọi thành phần xã hội địa phương và giao tiếp với nhiều doanh nghiệp địa phương hơn. Lãnh sự quán sẵn sàng cung cấp hướng dẫn và dịch vụ toàn diện vì mục đích này.”

Ông Yang gia nhập văn phòng của ông Andrews với tư cách là cố vấn đa văn hóa khi ông Andrews còn trong Đảng đối lập và được coi là người đã giới thiệu Thủ hiến Victoria với Bắc Kinh. Cựu phiên dịch viên tòa án này đã rời chính quyền Victoria sau cuộc bầu cử năm 2014, nhưng trước khi Victoria ký kết thỏa hiệp Vành đai và Con đường năm 2018, chống lại lời khuyên của Bộ Ngoại giao.

Ông Yang đã quan tâm đến các dịch vụ dịch thuật từ lâu. Ông ký thỏa thuận iFlytek qua công ty phát triển bất động sản Modun của mình. Các nguồn tin thân cận với thỏa thuận này cho biết lúc đó công ty này vẫn chưa bắt đầu các hoạt động thương mại ở Úc. Thỏa thuận này đã được ký kết trước khi các Đảng phái Victoria nhận thức được mối liên hệ của công ty trong việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cũng như sự quan ngại từ bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Đầu tư Victoria, một chi nhánh đầu tư nước ngoài của chính phủ Victoria, cũng đã có một cuộc họp với iFlytek tại cơ sở của chính phủ trong chuyến công du Úc vào tháng 5 năm ngoái.

Văn phòng của Thủ hiến không có ý kiến về việc Quốc hội tiếp đãi công ty này, nhưng Invest Victoria cho biết đây là lệ thông thường giúp các doanh nghiệp quốc tế một nơi hội họp khi họ đến Melbourne nhưng không có văn phòng.

Phát ngôn viên của Invest Victoria cho biết cơ quan “thường xuyên hội họp với các doanh nghiệp quốc tế trong vai trò động lực đầu tư và công ăn việc làm cho Victoria”.

Một phần của iFlytek thuộc sở hữu của công ty viễn thông nhà nước China Mobile và hợp tác với Bộ Công an Trung Quốc để theo dõi tội phạm bằng tiếng nói.

Công ty này, doanh nghiệp phần mềm có giá trị cao nhất trên thị trường chứng khoán Shenzhen, đã được đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ vào tháng 10 năm ngoái. Trong hồ sơ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cáo buộc iFlytek và bảy công ty khác có liên quan đến vấn đề vi phạm nhân quyền trong việc thực hiện “chiến dịch đàn áp, giam giữ hàng loạt và giám sát bằng công nghệ cao đối với người Uighurs, người Kazakhstan và các thành viên của các nhóm thiểu số Hồi giáo khác “.

Hành động của Hoa Kỳ hạn chế quyền truy cập vào các thành phần công nghệ cao như chất bán dẫn và phần mềm vì công ty đang tìm cách khai triển sang các hệ thống nhận diện bằng hình ảnh và giọng nói,  dùng để điều khiển xe hơi bằng tiếng nói hay giáo viên phát thanh (giãng bài) bằng nhiều ngôn ngữ cùng một lúc.

Trung Quốc sử dụng công nghệ tương tự để thành lập cơ sở dữ liệu bằng giọng nói của công dân. Cơ sở dữ liệu này hợp pháp theo quy định của Trung Quốc, nơi mà người dân sẵn sàng chấp nhận giám sát và bảo mật. iFlytek đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Vào ngày 12 tháng 6, công ty này đã thành lập một đồn cảnh sát “thông minh” tại thành phố Huaibei để xây dựng một “mạng lưới kiểm soát và phòng ngừa an ninh quần chúng” với công nghệ trí tuệ nhân tạo. Mạng đó sẽ có 55 camera hồng ngoại với độ phân giải cao và hệ thống nhận diện khuôn mặt và bản số xe được lắp đặt ở thành phố này, phía tây bắc Thượng Hải.

Ông Liu, người sáng lập iFlytek, cho biết vào năm 2018, dân số Trung Quốc mà công nghệ có thể câu lưu được là lợi thế của công ty và sẽ giúp kỷ nghệ trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc phát triển với tốc độ nhanh hơn so với các đối thủ cạnh tranh ở Mỹ và châu Âu.

Ông chống lại sự căng thẳng thương mại Mỹ-Trung vào năm 2018 cho rằng “Không có sự hợp tác giữa Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khác thì không thể cùng nhau xây dựng một thế giới tươi đẹp được “.

Maya Wang, nhà nghiên cứu cao cấp trong Tổ chức Theo dõi Nhân quyền chuyên về Trung Quốc, nói rằng chính phủ và các công ty Úc nên cảnh giác khi làm quảng cáo cho iFlyteck. Úc nên xét vai trò của công ty này trong việc người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và các nơi khác ở Trung Quốc bị đàn áp. Công nghệ này đã được sử dụng để kiểm soát và giám sát các phong trào của người Hồi giáo thiểu số, mà chính phủ Trung Quốc đã đổ lỗi cho các cuộc tấn công khủng bố và cố gắng đồng hóa họ qua “các trại huấn nghệ”.

Bà cũng cảnh báo nếu công ty này lạm dụng và chuyển giao tất cả dự liệu thu thập ở Úc cho chính phủ Trung Quốc, thì nguy to.

Bà thêm rằng: “Theo luật Trung Quốc, các  công ty AI này phải chia sẻ thông tin với chính phủ”.

Danielle Cave, phó giám đốc Trung tâm chính sách mạng quốc tế của Viện chính sách chiến lược Úc, nói rằng, vì an ninh quốc gia, kiểm duyệt và nhân quyền, thật đáng ” lo ngại khi một công ty như iFlytek gần đây thâm nhập thị trường Úc”.

Bà nói: “Các tổ chức nhân quyền, các viện nghiên cứu và cơ quan truyền thông đưa ra rất nhiều thông tin hầu giúp chính phủ, doanh nghiệp và các trường đại học khi họ quyết định về việc hợp tác với một nhóm nào”.

“Điều này cũng có nghĩa là các tổ chức Úc bớt đi những lời ngụy biện khi bị buộc phải giải thích một mối hợp tác có vấn đề, ví dụ như các công ty bị buộc tội kiểm duyệt phát ngôn hoặc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

“Điều quan trọng là Úc nên tiếp tục tiến hành luật pháp nhân quyền theo kiểu Magnitsky. Ngoài ra, công chúng cũng nên đặt câu hỏi về các tổ chức mà các doanh nghiệp, hội đồng và đặc biệt là các cơ quan chính phủ Úc đang hợp tác.”

Bà Cave cho biết iFlytek là một trong những “nhà trí tuệ nhân tạo” của chính phủ Trung Quốc, có nghĩa là công ty đã được xác định là sở hữu “công nghệ cốt lõi”, và được chọn để dẫn đầu sự phát triển AI ở Trung Quốc với mục tiêu vượt Mỹ vào năm 2030.

===========

Tại sao Scott Morrison lên tiếng báo động về không gian mạng : ‘Giống như khi một thiên thạch đang bay về hướng Trái đất’

‘Like when the asteroid is heading for Earth’: Why Scott Morrison sounded the cyber alarm

Peter Hartcher The Sydney Morning Herald

June 23, 2020 — 12.01am

Nguồn: https://www.smh.com.au/national/like-when-the-asteroid-is-heading-for-earth-why-scott-morrison-sounded-the-cyber-alarm-20200622-p554v8.html

Thông thường, Thủ tướng chẳng bao giờ lên tiếng chỉ dẫn chúng ta về computer hay IT. Vì vậy, chúng ta phải giả định điều gì đó hơi lạ đang diễn ra khi nhà lãnh đạo quốc gia của chúng ta tổ chức một cuộc họp báo để thông báo về một cuộc tấn công mạng, và gởi lời khuyên về kỹ thuật và cách cải thiện thiết bị đến dân trong nước.

Vậy thì chuyện gì đang xảy ra? Có hai thành phần chính trong cuộc tấn công. Thành phần chính thứ nhất là kẻ tấn công.

Morrison từ chối nêu tên kẻ tấn công nhưng đưa ra một vài gợi ý. Ông nói: Đó là một “nhà hoạt động thông thái có nhà nước bảo trợ với những tài năng rất, rất đáng nể, và không có bao nhiêu nhà hoạt động được nhà nước bảo trợ như vậy và có những khả năng đó”.

Ngay lập tức có những lời đồn đãi tập trung vào Trung Quốc. Theo các nguồn thông tin, những lời đồn đãi đó là chính xác. Tấn công mạng là một trong vài yếu tố trong chiến dịch gây áp lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc chống lại Úc. Chiến dịch này không phải là mới và cũng như là cuộc tấn công mạng,  Cuộc tấn công này đã diễn ra trong nhiều tháng nay.

Chiến dịch bắt đầu sau khi chính phủ Turnbull đưa ra hai quyết định thiết yếu để bảo vệ Úc khỏi sự xâm nhập của Bắc Kinh. Đầu tiên là sự ra đời của luật chống lại sự can thiệp của ngoại bang vào hệ thống dân chủ Úc. Thứ hai là luật cấm chỉ nhà cung cấp thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei khỏi mạng điện thoại di động 5G. Cả hai điều luật được ứng dụng từ năm 2018.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đáp trả bằng ba yếu tố áp lực. Thứ nhất, về chính trị. Trung cộng áp đặt lệnh cấm tiếp xúc chính trị cấp cao nhất. Thứ hai, về kinh tế. Trung cộng đã áp dụng một phương cách “đi chậm” đối với than đá của Úc, điều này tỏ ra không hiệu quả vì các nhà xuất cảng than đá chuyển hướng các lô hàng sang các thị trường khác một cách dễ dàng. Thứ ba, Trung cộng bắt đầu chiến dịch xâm nhập không gian mạng, internet.

Vào tháng Tư, Bắc Kinh đã đẩy mạnh tất cả các yếu tố này sau khi chính phủ Morrison dẫn đầu lời kêu gọi điều tra về COVID-19. Chính phủ Trung Quốc đã mở rộng lệnh cấm tiếp xúc chính trị không chỉ các liên hệ cấp cao mà cả cấp bộ trưởng và tung ra những lời lớn lối mắng nhiếc Úc – trong chiến dịch truyền thông của nhà nước bao gồm cả việc mô tả Úc là “miếng kẹo cao su dính trên đế giày China”.

Sau khi thất bại trong nỗ lực than nhiệt, chính phủ Trung Quốc đã mở rộng chương trình ép buộc kinh tế đối với việc xuất cảng thịt bò và lúa mạch của Úc, tiếp theo là một cảnh báo chính thức chống lại du lịch tới Úc. Đây là một mối đe dọa cho du lịch Úc và kỷ nghệ giáo dục bậc đại học. Tổng lợi tức xuất cảng đang bị đe dọa của Úc trị giá khoảng 25 tỷ đô la hàng năm.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mở rộng và tăng cường chương trình không gian mạng chống Úc. Điều này đã dẫn đến cuộc họp báo của Morrison vào thứ Sáu.

Bản chất của cuộc tấn công mạng rất thâm hiểm. Cuộc tấn công mạng này không phải để làm hư hay phá vỡ cơ sở hạ tầng quan trọng, với hình dạng “rộng nhưng cạn”, để thăm dò nhưng không cố tình phá hủy hoặc vô hiệu hóa các hệ thống của chính phủ, doanh nghiệp, nghiên cứu, các hệ thống thể chế hay chính trị. Hơn nữa, cuộc tấn công mạng này cũng chẳng nhắm vào sự đánh cắp tài sản trí tuệ hoặc bí mật công nghiệp.

Cách tấn công mạng này sử dụng các kỹ thuật tương đối đơn giản như lường gạt và mời vào liên kết giả mạo trên mạng email.

Theo các nguồn tin đáng tin cậy, chính phủ liên bang coi đó là một nỗ lực “thăm dò” như tìm kiếm các kết nối và mạng lưới, các mối quan hệ giữa các chính trị gia, công ty và quan chức, ví dụ, người nào nói chuyện với ai và đất nước được điều hành như thế nào – “sự liên hệ trong cách quyết định”.

Tại sao? Thông tin này có thể hữu ích trong việc bổ sung các hoạt động gián điệp thường xuyên của Trung Quốc chống Úc. Hoặc đây cũng có thể là cách để Trung cộng chuẩn bị cho một cuộc tấn công phá hoại, phá hủy hoặc làm suy giảm các hệ thống và cơ sở hạ tầng thiết yếu trong tương lai.

Thành phần chính thứ hai là mục tiêu: Úc. Morrison đã không nêu tên Trung Quốc vì ông không muốn sự tranh chấp nổ lớn hơn, “mức cần thiết cho sự buộc tội công khai trên trình độ kỹ thuật là rất cao”.  Có thể ông chỉ muốn cho Bắc Kinh hiểu rằng chính phủ Úc biết Trung cộng đang muốn làm gì. Chúng ta đoán thế nhưng có hàng chục cách khác để làm điều đó mà không cần họp báo.

Còn hơn thế nữa, Thủ tướng quyết định đưa ra thông báo trên không phải  cho Trung Quốc mà là cho Úc. Đất nước chúng ta để hở cho những cuộc tấn công hủy diệt thô bạo trên internet.

Úc rất tự mãn về chuyện này. Báo The Australian Financial Review báo cáo rằng công ty bảo mật CNTT, Sophos, đã khảo sát 5000 nhà quản lý CNTT trên 26 quốc gia. Trong số tất cả những người được hỏi, 200 người Úc được khảo sát tin chắc rằng họ sẽ không bị tấn công bằng các nhu liệu đòi tiền chuộc. Điều này không phải vì họ không dễ bị công kích mà vì họ đang sống trong thiên đường của một kẻ ngu dốt.

Morrison muốn thức tỉnh đất nước. Như Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynold nói khi bà đứng cạnh Morrison hôm thứ Sáu: “Điều thiết yếu là tất cả các tổ chức Úc đều phải cảnh giác với mối đe dọa này và tìm mọi cách để bảo vệ mạng lưới của mình”. Và “tôi xin được  nhắc nhở tất cả người Úc rằng an ninh mạng là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta”.

Nói một cách khác, có người tham gia vào quá trình nói rằng “nó giống như khi một thiên thạch đang bay về hướng Trái đất và chính phủ phải quyết định khi nào nên báo cho dân”. Hôm đó chính là hôm thứ Sáu. Chúng ta đã được cảnh cáo.

Chính phủ đang làm nhiều công việc hơn về vấn đề này. Chiến lược an ninh mạng của chính phủ đã quá hạn, và hiện đang được cập nhật và sẽ được tung ra trong vài tháng tới.

BÌNH LUẬN:

Thật đáng khích lệ khi thấy các nhà lãnh đạo cấp quốc gia và công chúng Úc đã bắt đầu nhận diện bộ mặt thật, những mục tiêu đen tối và những hành động phá hoại và đe dọa nghiêm trọng đến nền an ninh quốc gia, kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục và chính trị Úc của Trung Cộng. Toàn thể Cộng đồng người Việt tự do chúng ta tại Úc nói chung, với nhiều kinh nghiệm và uy tín về những vấn đề liên quan đến BRI và Trung Cộng, nên tiếp tục dẫn đầu trong cuộc chiến đấu bảo vệ nền an ninh, thể chế dân chủ, tự do, độc lập và chủ quyền của đất nước Úc thân yêu trong những năm tháng hậu Đại dịch CCP tới đây. Mong lắm thay.