Thursday, January 23, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Cha mẹ cần làm gì khi con bướng bỉnh, có thái độ chống đối?

Được làm cha mẹ là điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời của mỗi người, khoảnh khắc con cất tiếng khóc chào đời cũng là khoảnh khắc cha mẹ vỡ òa trong hạnh phúc. Nhưng cũng bắt đầu từ khoảnh khắc ấy, bạn đã gánh trên vai một sứ mệnh vô cùng quan trọng, đó là nuôi dưỡng và giáo dục con nên người.  

Bên cạnh niềm hạnh phúc vô bờ được làm cha mẹ là những lo lắng, trăn trở về những biểu hiện không tốt của con khi con dần lớn lên như càng ngày con càng không nghe lời, biểu hiện ngang bướng… Với những trẻ lì bướng, chống đối, việc cha mẹ dọa nạt, quát mắng, đánh đòn trẻ hầu như là không có tác dụng. Làm thế nào để trẻ thay đổi từ trong nhận thức luôn là niềm trăn trở của không ít các bậc phụ huynh?

Dưới đây là những gợi ý dành cho cha mẹ để đối phó với những đứa trẻ bướng bỉnh một cách dễ dàng.

Ảnh minh hoạ: pixabay.

Tại sao con lại không nghe lời?

Cha mẹ nên khuyến khích con nói ra lý do tại sao con lại không nghe lời, tuy nhiên việc này cần được thực hiện hết sức khéo léo, không áp đặt trẻ vì điều này dễ sinh ra tâm lý phản kháng. Tốt nhất là cha mẹ làm điều này trong bầu không khí thân thiện. Khi con cãi lại, tỏ ra xấc xược, cha mẹ không nên dùng đòn roi để răn đe. Làm vậy trẻ sẽ càng lì lợm hơn.

Tấm gương từ cha mẹ

Cha mẹ là người gần gũi và có ảnh hưởng lớn nhất với con, vì vậy cách tốt nhất để con làm những điều mình muốn là hãy làm gương cho con. Trước những lý lẽ hết sức hồn nhiên của con rằng “Sao bố có thể thức khuya, còn con phải đi ngủ sớm?” hay “Sao khi uống nước xong, bố để cốc trên bàn còn con phải cất nó đi?” nhiều bậc phụ huynh không khỏi giật mình và lúng túng.

Vì vậy, bố mẹ chứ không ai khác chính là người làm gương cho con, việc làm gương có sức mạnh giáo dục nhiều hơn bạn tưởng, do trẻ thường có xu hướng học hỏi và bắt chước người lớn khá nhiều. Hãy có thái độ bình tĩnh và từ tốn nói chuyện kể cả lúc bực tức để trẻ học được thái độ đó.

Related image

Không bao giờ nói dối trẻ

Cha mẹ là những người duy nhất trên thế giới mà trẻ tin tưởng không điều kiện, chúng luôn luôn coi cha mẹ như những hình tượng lý tưởng nhất. Nhưng nếu bạn nói dối trẻ và chúng biết được sự thật, chúng sẽ không bao giờ tin tưởng bạn nữa. Bảo trẻ nói dối sẽ làm cho lời nói dối trở thành một điều hết sức bình thường đối với trẻ, hệ quả là chúng sẽ trở thành một người nói dối thường xuyên, sẽ nói dối tất cả mọi người và kể cả bạn nữa.

Nghe nhiều hơn, nói ít đi

Trẻ có thái độ lì bướng, chống đối một phần do thiếu sự lắng nghe từ cha mẹ, vì vậy cha mẹ hãy lắng nghe con nhiều hơn nữa. Làm được điều này, bạn đã góp phần triệt tiêu tính ngang ngạnh của bé. Thực tế chỉ ra rằng, có những đứa trẻ ương bướng, không vâng lời cũng chỉ do muốn thu hút sự chú ý từ cha mẹ mình. Vì vậy, khi cha mẹ chịu lắng nghe và trẻ có cơ hội giãi bày nỗi lòng thì bé sẽ nói ra được hết những ấm ức nảy sinh.

Quá trình lắng nghe là quá trình cha mẹ kịp thời đưa ra những quan điểm, lý lẽ giải thích cho con, đồng thời cho con dễ dàng thấy được những điểm chưa tốt, từ đó dần học hỏi những quy tắc ứng xử và những đạo lý cần thiết.

Thái độ cương quyết

Bất kể lúc nào con có thái độ chưa tốt, cha mẹ hãy thẳng thắn cho con biết suy nghĩ của mình về hành động và thái độ của con – tại sao bố mẹ không chấp nhận sự xấc xược? Tập trung vào lỗi sai và sự khiển trách chứ không lên án, bỏ rơi con.

Bạn đừng nên tỏ ra quá khắt khe, đừng đe dọa hay đánh đòn chúng. Những lời lẽ đe dọa là một trong những nguyên nhân làm cho trẻ thêm bướng bỉnh, lì lợm hơn.

Bầu không khí trong nhà

Ngoài ra, cha mẹ nên tránh cho con nhìn thấy sự cãi vã của mình, việc tạo ra không khí thoải mái, đầm ấm trong nhà rất cần thiết trong việc dạy dỗ trẻ. Cuối cùng, cha mẹ đừng bao giờ bắt buộc con làm mọi việc theo ý mình, hãy để chúng tự do chọn lựa trong khuôn khổ của bạn. Đừng ngần ngại đưa ra nhiều yêu cầu, đặt trách nhiệm và để trẻ vui vẻ chọn công việc mà chúng sẽ phải làm.

Khích lệ, động viên

Bí quyết cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là nếu bạn nhận ra bất kỳ sự thay đổi hay tiến bộ nào của trẻ, hãy khuyến khích, động viên chúng. Điều này không những thúc đẩy sự tự tin của trẻ mà còn cho chúng cảm giác được mọi người khen ngợi, khuyến khích trẻ tiến bộ thêm nữa.

Những bí quyết trên thoạt nghe có vẻ khó thực hiện, nhất là khi những đứa trẻ bướng bỉnh luôn làm bạn phải đau đầu. Nhưng bạn hãy bình tĩnh, kiên trì và bạn sẽ thấy được kết quả tuyệt vời của nó. Hãy làm mọi việc bằng tình yêu bạn dành cho các con và bạn sẽ thành công. (DKN)